Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc và điều trị thất bại: Xử trí thế nào?

12-06-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc là một trong những khó khăn kỹ thuật của công tác phòng chống sốt rét...

Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc là một trong những khó khăn kỹ thuật của công tác phòng chống sốt rét, chúng làm hạn chế kết quả điều trị và có khả năng lan rộng tình trạng kháng thuốc ảnh hưởng đến các nơi khác. Đứng trước thực trạng này, Quỹ Toàn cầu đã tài trợ dự án kháng thuốc triển khai thực hiện tại 14 tỉnh trọng điểm của nước ta trong thời gian 3 năm từ 2014 - 2016 để rút ra những bài học thực tiễn nhằm ngăn chặn.

Ký sinh trùng Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax thường gây nên sốt rét tái phát.

Xác định và phân biệt ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc là khả năng một chủng loại ký sinh trùng có thể sống sót và phát triển mặc dù bệnh nhân đã được điều trị và hấp thu một liều lượng thuốc bằng hoặc cao hơn liều dùng thông thường. Kháng thuốc có thể là tương đối hay kháng một phần nếu như tăng liều trong giới hạn chịu đựng được của con người có thể diệt được ký sinh trùng. Kháng thuốc có thể là tuyệt đối hay kháng hoàn toàn nếu như dùng liều thuốc vượt quá khả năng dung nạp của con người nhưng vẫn không diệt được hết ký sinh trùng.

Việc phân loại mức độ nhạy kháng được thực hiện theo nghiệm pháp in vivo 28 ngày thử nghiệm trên bệnh nhân.

Khi tiến hành nghiên cứu đánh giá ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, để kết luận một chủng loại ký sinh trùng kháng thuốc cần phải loại trừ các yếu tố làm ảnh hưởng như: Bệnh nhân uống thuốc không đúng liều, không đúng khoảng cách. Thuốc được hấp thu và chuyển hóa không tốt do cơ địa người bệnh. Bệnh nhân có mức độ miễn dịch đối với bệnh sốt rét cao hay thấp hoặc chưa có miễn dịch. Yếu tố di truyền ở những người bệnh có đáp ứng tự nhiên của cơ thể, loại acetyl hóa nhanh hay chậm. Độ nhạy cảm nguyên thủy của chủng loại ký sinh trùng sốt rét với thuốc điều trị.

Trên thực tế, cần phân biệt ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc với việc điều trị thất bại do phương thức sử dụng thuốc như uống thuốc không đủ liều, không đúng khoảng cách; thuốc được hấp thu và chuyển hóa không tốt. Ở những vùng sốt rét lưu hành, thường khó đánh giá hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc vì trên thể trạng người bị mắc bệnh sốt rét lâu năm có khi không cần điều trị nhưng bệnh cũng tự cắt cơn do đã có miễn dịch đối với bệnh sốt rét. Như vậy, để đánh giá hiệu lực điều trị, ngoài yếu tố ký sinh trùng sốt rét nhạy hay kháng với thuốc sử dụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như liều lượng thuốc dùng, độ hấp thu của thuốc, đáp ứng miễn dịch của cơ thể, yếu tố di truyền của con người... Do đó, không nên kết luận vội vàng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc khi chỉ dựa vào một vài trường hợp điều trị thất bại.

Điều trị thất bại có khả năng ký sinh trùng sốt rét đã kháng thuốc. (Ảnh minh họa)

Đánh giá các trường hợp điều trị thất bại

Ngoài các yếu tố cần phân biệt ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã nêu ở trên; trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành cũng đề cập đến vấn đề điều trị thất bại nhưng không liên quan đến các yếu tố này mà liên quan đến ký sinh trùng kháng thuốc do hiệu lực hạn chế của thuốc điều trị sử dụng. Vì vậy, trong quá trình điều trị cần phải theo dõi triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét để có biện pháp xử trí phù hợp do khả năng ký sinh trùng có thể kháng thuốc. Nếu bệnh diễn biến nặng hơn trong 3 ngày điều trị, người bệnh vẫn sốt hoặc tình trạng bệnh xấu đi và còn ký sinh trùng sốt rét thì dùng thuốc điều trị thay thế vì có thể thuốc điều trị ưu tiên không đáp ứng hiệu lực do thuốc đã kháng. Nếu bệnh diễn biến nặng hơn hoặc trong 3 ngày điều trị, người bệnh vẫn sốt hoặc tình trạng bệnh xấu đi và không còn ký sinh trùng sốt rét thì tìm nguyên nhân khác. Lưu ý các trường hợp nếu người bệnh bị nôn trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc thì phải uống liều khác thay thế hoặc dùng thuốc dạng tiêm. Cần xét nghiệm lam máu để kiểm tra kết quả ký sinh trùng sốt rét hàng ngày và chỉ được cho bệnh nhân xuất viện khi kết quả xét nghiệm âm tính.

Mời xem tiếp trên báo SK&ĐS số 95 ra ngày 15/6/2015

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

 

 


Ý kiến của bạn