Nhưng được gặp trực tiếp nhân vật đó chắc không nhiều. Đơn giản, vì nhiều lý do khác nhau, nhất là ông nằm trong vòng “bí mật” của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, nên việc gặp gỡ ông không dễ dàng. Người viết có dịp tình cờ gặp ông, khi ông vừa bước ra khỏi vòng lao lý, sức khỏe cần được kiểm tra, chăm sóc và phục hồi. Cuộc gặp đó cách đây đã hơn 4 thập kỷ, nhưng còn đọng lại trong tình cảm bản thân những dấu ấn khó quên, xin được chia sẻ cùng bạn đọc.
Một chiều thứ bảy mùa hè năm 1975, BS. Nguyễn Văn Thanh (anh em thường gọi là ông Thanh cao, để phân biệt với ông Thanh thấp), khi đó là Giám đốc Bệnh viện Đường sắt 1 đặt tại Cầu Giấy (nay là Bệnh viện Giao thông 1), gặp tôi đặt vấn đề nhờ tôi thăm khám cho một bệnh nhân vào sáng chủ nhật đang nằm viện - nếu tôi thu xếp được. Không tiện hỏi là ai, nhưng nghĩ thầm, chắc là một trường hợp “đặc biệt”. Suy nghĩ giây lát, tôi nhận lời (vào dịp đó, tôi tham gia nhóm khám chữa ngoại trú về bệnh tâm thần kinh tại 3 điểm: hàng tuần, thời gian được dành 1 ngày cho đối tượng tiêu chuẩn A đặt tại BV Hữu nghị Việt Xô, 2 ngày dành cho bệnh nhân (BN) tiêu chuẩn B tại 13 Phan Huy Chú, còn 3 ngày ở đây, dành cho CBCNV ngành đường sắt và các cơ quan, nhà trường xung quanh).
Ông Tạ Đình Đề (1919 -1998) Nguồn: Internet
Sớm hôm sau, BS. Thanh cùng BS điều trị và điều dưỡng viên đưa tôi đến thăm một BN, được bệnh viện thu xếp nằm tại buồng riêng, sắp xếp gọn gàng, nhưng không có điều hòa nhiệt độ mà chỉ có một cái quạt nhỏ loại 35W đặt tại tủ đầu giường và một quạt cây, tạm dịu đi cái oi nóng của mùa hè năm đó. Qua giới thiệu của BS. Thanh, tôi hơi ngỡ ngàng về tên BN là Tạ Đình Đề - người mà tôi chỉ mới được biết qua các câu chuyện truyền miệng mang màu sắc giai thoại, bí ẩn... Ông chủ động giơ bàn tay gầy guộc bắt chặt tay tôi với nụ cười tươi tắn và giọng nói như có chất thép. Ngắm khuôn mặt ông, thú thật, tôi rất ấn tượng, vì đôi vành tai nở rộng, làn da hơi xạm đen do từng trải nghiệm với thời gian, đôi lông mày rậm đốm bạc hơi xếch với đôi mắt sáng, luôn nhìn thẳng người đối thoại, biểu thị một người từng trải qua nhiều sóng gió cuộc đời và chứa chất ưu tư... Tôi thăm hỏi về bữa ăn, giấc ngủ và sinh hoạt của ông, rồi thăm khám kỹ lưỡng. Ông bộc bạch rằng bản thân vừa trải qua những năm tháng căng thẳng, do vậy sức khỏe đã giảm sút khá nhiều.
Thời gian trôi đi thật nhanh, qua tiếp xúc, chúng tôi trở nên cởi mở, thân thiết như từng quen biết tự bao giờ. Biết ông quê ở Hà Tây, tôi kể về anh bạn thân quê ở xã Tam Hưng, nơi có cây đa ba trẽ rẽ vào, thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc về Hà Nội), nhiều lần tôi được báo về dự Hội chùa Bối Khê - một di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng quốc gia - vào dịp Tết âm lịch hằng năm thật là đông vui vì người thập phương đổ về du xuân, tưởng nhớ tổ tiên, cùng nhau ôn lại truyền thống dân tộc hào hùng. Ông nghe chăm chú và nói, rằng đó chính là quê cha đất tổ của ông - nơi ông xuất thân từ một gia đình thuần nông do gặp nhiều khó khăn, nên phải theo gia đình sang tận Côn Minh, Trung Quốc kiếm sống trong ngành “hỏa xa” (là ngành đường sắt bây giờ). Ông lướt qua nhanh thời gian sau đó theo học nghề tình báo ở Trung Quốc, được Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chọn lựa, đưa về Việt Nam với nhiệm vụ ám sát Cụ Hồ; nhưng khi tiếp cận Cụ, ông thay đổi hoàn toàn ý đồ đó và trở thành cận vệ số 1 tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt nhất, rồi trải qua những năm tháng làm ngành tình báo ở Liên khu 3 và nhiều nơi khác mà kẻ địch mỗi khi nghe đến tên ông về tài xuất quỷ nhập thần, nhất là tài năng bắn súng lục bằng cả hai tay bách phát bách trúng, đã làm cho chúng bạt vía kinh hồn. Đến ngày hòa bình lập lại, ông xin chuyển về ngành đường sắt với nguyện vọng được góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh. Ông kể lại rằng, sau cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, đất nước ta gặp nhiều khăn. Hà Nội khi đó dân số còn ít, với 4 đơn vị hành chính là các khu phố Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Mọi thứ tiêu dùng đều phải mua theo tem phiếu với số lượng ít ỏi. Người dân, trong đó, đáng chú ý là lớp trẻ chưa có việc làm ổn định, nên nảy sinh một số tiêu cực với các mức độ khác nhau, trong đó có một số vào tù ra tội do trộm cắp. Ông thật sự đau lòng trước cảnh ngộ đó và nảy ra ý tưởng làm được một việc gì đó có ích cho xã hội, giảm thiểu tiêu cực trong đời sống của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhận thấy Hà Nội khi đó còn nhiều khoảng đất trống bỏ hoang, trong đó có những khu vực nội thành thuộc quyền quản lý của ngành đường sắt, ông đề xuất và được ngành cho phép sử dụng một số lô đất để xây dựng xí nghiệp của ngành. Nhờ danh tiếng bản thân, ông có mối quan hệ xã hội khá rộng, nên đã huy động được một số bạn bè thân quen có tâm huyết, kỹ thuật và tiềm năng, cùng góp sức xây dựng cơ sở; đồng thời, ông sẵn lòng thu nạp nhiều thanh niên sau khi lỡ bước, tình nguyện xin vào làm việc theo sự đào tạo, sắp xếp của xí nghiệp với cam kết hoàn thành tốt công việc được giao thể hiện bằng sản phẩm có chất lượng tốt, được thị trường đón nhận. Xí nghiệp Cao su trực thuộc Tổng cục Đường sắt được ra đời trong bối cảnh như thế, và nó đã phát triển nhanh chóng, sản phẩm của xí nghiệp từng được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, trong đó có vợt bóng bàn nổi tiếng “Made in Vietnam” - một trong nhiều sản phẩm của xí nghiệp này là ví dụ. Ở đây đã thực hiện việc trả lương theo khoán sản phẩm, công nhân được ăn trưa miễn phí, có lương thưởng công minh, tháng lương 13, được cán bộ công nhân viên và xã hội ghi nhận, đồng thời nâng cao uy tín cho ngành đường sắt. Ông còn góp phần phát hiện và giúp đỡ những tài năng đang gặp khó khăn, như nhạc sĩ Phan Lạc Hoa (tác giả bài ca Tàu anh qua núi, được ngành đường sắt xem như ngành ca), nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ - khi đó, hai anh Hoa và Vũ là thành viên trong Đoàn Văn công ngành đường sắt; hoặc xây dựng đội bóng đá Tổng cục Đường sắt lẫy lừng một thời... Nhưng... những điều tốt đẹp đó lẽ ra cần được biểu dương, nhân rộng, thì điều ngược lại đau lòng đã xảy ra, vì những điều đó đã đi ngược lại chính sách chủ trương của chế độ quan liêu tập trung bao cấp đang ngự trị. Tai họa ập xuống đầu ông, với sự quy kết nặng nề mà lớn nhất là ông đã làm trái với chủ trương của Nhà nước trong sản xuất kinh doanh! Với “tội danh” ghê gớm đó, ông bị vào tù trong nhiều tháng, chịu sự o ép nặng nề; nhưng với bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, với nhận thức rõ ràng rằng, ông không hề tư lợi tham ô cho bản thân và gia đình mình, và với thành phần xuất thân là gia đình nông dân trong sạch, có truyền thống yêu nước (anh ruột ông là Liệt sĩ Tạ Đình Thái trong kháng chiến chống Pháp, chị gái của ông là bà Tạ Thị Ảo được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các con của ông đều trưởng thành từ lao động). Sau nhiều tháng giam giữ, Tòa án Hà Nội đưa ông ra xét xử. Rất đông người dân từ nhiều tỉnh và Hà Nội đã đến dự. Họ gọi vang tên ông, vỗ tay hoan hô nồng nhiệt khi nhìn thấy ông được dẫn giải đến nơi xét xử, tạo nên không khí phấn khích trong suốt những ngày đó... Nhưng lời buộc tội của tòa không đủ sức thuyết phục vì không thể đưa ra bất cứ chứng cứ nào là ông đã tham ô tài sản quốc gia, ngoài cái “tội” làm trái chủ trương, chính sách tập trung quan liêu bao cấp cố hữu! Ông tự tin và khẳng định rằng công việc của mình và xí nghiệp đã đem lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước, nhiều cuộc đời bất hạnh đã được cứu giúp, đem lại cuộc sống lương thiện cho họ. Cuộc tranh tụng trước tòa đi vào ngõ cụt, buộc tòa tuyên án ông vô tội và được tha bổng, trước tiếng hò reo của đông đảo mọi người. Được biết, ông Tạ Đình Đề ít năm sau đó bị bắt giam trở lại vì cơ quan hành pháp kháng nghị. Lại thêm 2 năm ngồi tù như lần trước, với điệp khúc không mới về “tội danh” bị gán ghép một cách khiên cưỡng. Ông bảo, “ở hiền gặp lành”, thật không sai. Trong phiên xử lại lần thứ 2, vị đại diện Viện Công tố là ông Dương Thanh Biểu - thay vì đưa ra những điều luật để kết tội ông theo chức năng của cơ quan kiểm sát tại phiên tòa - ông Biểu đã làm điều ngược lại, là đưa ra những luận cứ nhằm minh oan toàn bộ những việc làm của ông Tạ Đình Đề, bởi lẽ, những điều đó xuất phát từ tấm lòng nhân ái, từ lương tâm của một con người không mảy may vụ lợi tư túi cá nhân, do vậy, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào khép tội một người đáng được tôn trọng như ông Tạ Đình Đề. Thêm một lần nữa, chủ tọa phiên tòa đã tuyên tha bổng ông Tạ Đình Đề!
Nghe những lời tâm sự được ông bộc bạch, chúng tôi thật sự nhói lòng. Ôm chặt tấm thân gầy guộc của ông, chúng tôi thật sự xúc động và cảm thông sâu sắc về nỗi đau mà ông từng trải qua, rồi cùng nhau bàn bạc tìm mọi cách bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe để ông sớm hồi phục. Ông cảm động nói lời cảm ơn và tâm sự rằng, cuộc gặp gỡ hôm nay thật đáng ghi nhớ, đúng với ý nghĩa câu nói “Niềm vui sướng chia đôi, thành hai niềm vui sướng; Nỗi đau thương sẻ nửa, thành nửa nỗi đau thương”...
Cách đây ít năm, thực hiện công cuộc cải cách tư pháp của Nhà nước ta, với mục tiêu phòng tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, được sự quan tâm chủ động của Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cùng đứng ra tổ chức Hội thảo về cuốn sách “Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời” (của TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - người đã sáng tác 3 tác phẩm văn học mà cuốn sách về huyền thoại Tạ Đình Đề là tiêu biểu, có sức cuốn hút mạnh mẽ không chỉ với giới hành pháp, tư pháp mà còn có sự quan tâm của dư luận xã hội). Cuộc hội thảo mang tính lịch sử này có sự tham gia của nhiều vị chức sắc của ngành kiểm sát, tòa án và nhà văn, tướng lĩnh quân đội. Tất cả đều có chung một nhận xét, đánh giá phẩm chất cao quý đầy tình người và cống hiến của huyền thoại Tạ Đình Đề. Đồng thời các đại biểu tham dự hội thảo đã nêu lên những bài học quý giá cho những người “cầm cân nảy mực”, nắm giữ cán cân công lý trong khi tác nghiệp, nhằm mục tiêu không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự.
Một sự trùng lặp lịch sử ngẫu nhiên, ông Tạ Đình Đề là người khởi xướng khoán sản phẩm trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp bị hàm oan, lại cùng thời với ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị phê phán nặng nề vì là người đi tiên phong trong khoán 10 đối với nông nghiệp, mà mãi sau khi qua đời, ông mới được minh oan và ghi công!
Ngày 17/1/1998, ông Tạ Đình Đề ra đi, về với tổ tiên với 80 tuổi đời, 53 tuổi Đảng.
Đến dự đám tang ông, có nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, bạn bè, đồng đội, nhiều người đã được ông cưu mang trong cảnh hoạn nạn và đông đảo người dân. Cảm động biết bao, trong số những người đến dự tang lễ, có đến 50 người dân thường đã xin gia đình cho chịu tang, để ghi nhớ công ơn ông chỉ huy họ phá kho thóc bị quân Nhật chiếm giữ, để cứu đói cho nhân dân vào mùa thu năm 1945.
Sự kiện về vụ án oan sai mang tên Tạ Đình Đề đã đi vào quá khứ, nhưng nó vẫn còn để lại dư âm trong tâm khảm của hàng trăm gia đình lao động mang ơn ông cứu sống và mở ra hướng đi đúng đắn trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; đồng thời, điều đó vẫn luôn mang tính thời sự, những bài học sâu sắc cho không chỉ ngành kiểm sát, mà còn đối với toàn bộ quá trình điều tra, tố tụng của cơ quan hành pháp và tư pháp, với các cấp, các ngành và các địa phương trong cả nước về lĩnh vực này.
Nhân quyền đã được ghi rõ trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Việc khắc phục những hệ lụy trong những vụ án oan sai trong thời gian qua, luôn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ quan chức năng và cho người dân nước Việt đang phấn đấu vì mục tiêu xây dựng nước ta ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hà Nội, những ngày hè nóng bỏng như đổ lửa năm 2017.