Hà Nội

Kỷ niệm về chuyến kiểm tra bệnh viện phía Nam

07-12-2017 17:17 | Xã hội
google news

SKĐS - Công tác kiểm tra hoạt động tại các cơ sở khám chữa bệnh là một trong những nội dung công tác trọng tâm cuối năm của Vụ Điều trị vào những năm 80-90 của thế kỷ trước.

Tại Hà Nội, hàng tuần, chúng tôi thường tiến hành hai buổi tối, đến kiểm tra đột xuất các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô, từ bệnh viện (BV) tuyến Trung ương đến các BV của thành phố và các phòng y tế phường, nhằm cập nhật tình hình, đồng thời giúp các cơ sở phát huy mặt mạnh, khắc phục những khiếm khuyết của cơ sở mình. Cuối năm, Vụ Điều trị tổ chức các cụm kiềm tra chéo các BV tuyến tỉnh (bao gồm đơn vị được kiểm tra và 2 đơn vị tham gia của các tỉnh bạn) để làm cơ sở xếp loại thi đua các BV, đưa vào thông báo cuối năm của hệ thống khám chữa bệnh.

Cuối năm 1993, Bộ Y tế chủ trương tổ chức kiểm tra một số cơ sở khám chữa bệnh của TP. Hồ Chí Minh. Các cán bộ là chuyên viên thuộc Vụ Điều trị cùng các vụ, ban như Dược chính, Vệ sinh phòng dịch, Thanh tra... đi xe ôtô xuyên Việt, cán bộ cấp vụ vào TP. Hồ Chí Minh bằng máy bay, có lẽ nhằm giảm chi phí đi lại. Chúng tôi đi trên xe ôtô Toyota 10 chỗ ngồi, rong ruổi gần 4 ngày đường, có dịp gặp lại nhiều đồng nghiệp công tác tại các cơ sở y tế suốt dải đất miền Trung, được ngắm cảnh non sông đất nước và tiếp xúc với con người ở nhiều tỉnh, thành, mang phong cách chân thành, bình dị và mến khách, nên vơi đi sự mệt nhọc. Lái xe tuyến đường dài dằng dặc trên ngàn cây số năm ấy là anh Tuyên trẻ (để phân biệt với anh Tuyên lái xe cao tuổi), có sức vóc vạm vỡ, tính tình vui vẻ, cởi mở. Do không có lái phụ đi kèm, nên anh chị em phân công tôi ngồi cạnh, mang theo túi kẹo cao su và mấy chai nước lọc để tiếp sức và tỉnh thoảng nói chuyện để anh Tuyên tỉnh táo, và khi thấy anh mệt mỏi thì khuyên anh dừng lại ít phút bên đường. Trên xe, may mắn anh bạn ở Vụ Vệ sinh phòng dịch có tài kể chuyện tiếu lâm rất duyên không biết mệt mỏi, kể hết câu chuyện này đến câu chuyện khác không nhịn được cười, tạo nên không khí vui nhộn cho cả đoàn trên suốt chuyến đi dài năm đó. Đến Văn phòng 2 Bộ Y tế đặt tại số nhà 51 Phạm Ngọc Thạch, thuộc quận 3 TP. Hồ Chí Minh vào chiều muộn; rất may do sử dụng nhiều và liên tục, cái còi xe vừa bị cháy, không phát ra âm thanh được, đã được các anh ở đây giúp đỡ khắc phục sớm, nếu không thì dễ bị phạt khi đi đường, cũng như tránh được tai nạn khi vượt phải dùng đến còi ôtô... Kỳ này, Đoàn sẽ đến kiểm tra hoạt động một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố mang tên Bác thuộc tuyến Trung ương, thành phố, quận huyện để có cách nhìn nhận tương đối cụ thể về chất lượng hoạt động của các đơn vị này sau một năm phấn đấu, có hướng củng cố và phát triển trong thời gian tiếp theo...

Siêu âm cho bệnh nhân ở Bệnh viện Q.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Siêu âm cho bệnh nhân ở Bệnh viện Q.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Tranh thủ ngày nghỉ trước khi bước vào kiểm tra, tôi đề nghị lãnh đạo Văn phòng 2 giúp cho chuyến xe đi tìm mộ BS. Nguyễn Văn Điển, cùng học tại Trường Cán bộ Y tế Trung ương (1956-1959) và là đồng hương Nam Định, đi B từ năm 1966, hy sinh năm 1974 tại Lộc Ninh. Biết tin, BS. Vỹ công tác ở Ban Thanh tra của Bộ cùng đoàn, xin đi cùng. Được BCH quân sự tỉnh Tây Ninh nhiệt tình giúp đỡ, chúng tôi đã tìm được ngôi mộ em họ chị an táng tại Nghĩa trang Đồi 82, thật may mắn. Riêng phần mộ Liệt sĩ Nguyễn Văn Điển, chúng tôi không thể tìm thấy, vì không có tên anh trong các cuốn sổ đăng ký hơn 10 nghìn phần mộ liệt sĩ được an táng tại nơi đây. Tôi rất buồn. Thật cảm động, khi các đồng chí bộ đội quản trang tại đây đã kể câu chuyện mang ý nghĩa tâm linh, là tại hồ sen rộng lớn tỏa hương thơm ngát ở ngay mặt trước nghĩa trang, về đêm khuya, các anh thường nghe thấy những tiếng sóng vỗ như các liệt sĩ hiện về, đằm mình trong lòng hồ mát rượi, mang đậm hương vị hoa sen hòa chung với nhịp sống của đồng ngũ thân thương đang ngày đêm chăm sóc giấc ngủ các anh yên bình nơi chín suối... Chúng tôi không cầm được nước mắt, thắp những nén hương thơm mang từ Hà Nội vào, khấn cầu vong linh các anh, với tấm lòng biết ơn sâu xa...

Buổi sáng sớm trước ngày bắt đầu đợt kiểm tra, BS. Đồng, Phó Chánh Thanh tra Bộ, trưởng đoàn công tác, gặp tôi nói, Thứ trưởng Đoàn Thúy Ba đặc trách các tỉnh phía Nam cần gặp tôi, trước khi có quyết định cơ cấu của đoàn kiểm tra.

Sau lời chào hỏi thăm chân tình (tôi được biết BS. Đoàn Thúy Ba khi chị công tác tại Khoa Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng - với tên là Đoàn Hồng Hoa - từ năm 1958, được chị tận tình hướng dẫn lâm sàng khi về thực tập trước khi chúng tôi thi tốt nghiệp Y sĩ khóa 7). Chị cùng tôi ôn lại kỷ niệm xa xưa, nhắc đến BS. Hồ Tấn Phi - người Chủ nhiệm khoa khi đó, quê xứ Huế - với tình cảm quý trọng về đức độ và tài năng của ông. Hai chị em cùng bùi ngùi khi biết tin ông qua đời ít năm trước đó do tuổi cao, trên cương vị Chủ nhiệm khoa Y học Dân tộc tại Bệnh viện Trung ương Huế sau ngày giải phóng, tôi đã viết bài “Một vị bác sĩ đáng kính trọng”, đăng tải trên báo SK&ĐS).

Thứ trưởng Đoàn Thúy Ba hỏi tôi : “Trưởng đoàn kiểm tra đã đề cử cậu làm tổ trưởng kiểm tra chuyên môn, vậy ý cậu thế nào?”. Tôi thưa: “Cảm ơn Thứ trưởng đã gặp và hỏi ý kiến cá nhân. Em đã tham gia nhiều cuộc kiểm tra ở các tỉnh phía Bắc, trong thâm tâm, mỗi cuộc kiểm tra là một dịp hiểu biết được những thành công và khó khăn của các đơn vị và các đồng nghiệp, và đó chính là những bài học quý giá mà em chưa có được từ ghế nhà trường. Thực lòng, em chỉ mong muốn là một thành viên bình thường của đoàn, mong Thứ trưởng yên tâm, rằng em sẽ cùng các đồng nghiệp hoàn thành tốt công việc, để mỗi dịp kiểm tra, các đơn vị cũng như bản thân sẽ trưởng thành hơn về nhận thức, nâng cao trách nhiệm trước người bệnh, để từ đó có được tình cảm và sự đoàn kết giữa chúng em sẽ tốt hơn, cùng nhau đóng góp phần tích cực của mình vào công việc chung của ngành, đạt mục tiêu và kết quả tốt nhất”. Thứ trưởng Đoàn Thúy Ba mỉm cười và nhẹ nhàng chúc cuộc kiểm tra đạt được kết quả tốt nhất.

Đoàn chúng tôi đến làm việc tại BV huyện Thủ Đức (nay là quận Thủ Đức). Đây là một huyện ngoại thành không xa trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ban lãnh đạo cùng các phòng nghiệp vụ, các khoa lâm sàng và cận lâm sàng đã được tổ chức ổn định. Đội ngũ thầy thuốc và điều dưỡng viên của BV này bao gồm những anh chị có tuổi và lớp trẻ tuổi, được đào tạo từ thời chính quyền Sài Gòn, một số tu nghiệp ở nước ngoài về, còn số đông tốt nghiệp sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Nhìn chung, trình độ chuyên môn của các anh chị em làm việc ở đây đều khá giỏi, nhất là khả năng ngoại ngữ. Phần lớn đều sinh ra và lớn lên tại các tỉnh miền Đông hoặc miền Tây Nam Bộ, một số ít quê tại TP. Hồ Chí Minh, có phong cách giao tiếp cởi mở, bộc trực và chân thành. Cơ sở của BV khang trang, bề thế, khung cảnh thoáng đãng và môi trường sạch sẽ, phong quang. Trang phục của người bệnh đồng nhất với màu xanh dịu, gọn gàng. Đoàn kiểm tra được chia làm nhiều tổ, theo nội dung chuyên môn khác nhau. Tôi đăng ký là tổ viên tổ chuyên môn, trong nhóm đọc hồ sơ bệnh nhân tử vong để hồi cứu. Đây là công việc có phần “khô khan” và thầm lặng, do phải ngồi lì trong thời gian khá dài. Tôi được giao việc chọn lựa hồ sơ tử vong theo phương pháp chọn lựa ngẫu nhiên những hồ sơ tử vong trước đó 1 năm. Một bác sĩ trong tổ hỏi tôi vì sao lại chọn hồ sơ tử vong trước đó ít nhất 1 năm? Tôi trả lời, rằng những bệnh án tử vong trước đó 1 năm hoặc có thể lâu hơn một chút nữa là những bệnh án bệnh nhân tử vong đã được hoàn chỉnh về mọi mặt. Khi nghiên cứu, chúng ta sẽ thu nhận được những bài học cần thiết. Căn cứ vào thời gian kiểm tra là 2 ngày, chúng tôi thống nhất lựa chọn 30 bệnh án bệnh nhân tử vong rồi cùng nhau nghiên cứu và đưa ra nhận xét thống nhất. Trên bệnh án bệnh nhân tử vong thể hiện toàn bộ các chế độ, quy tắc chuyên môn đã được Bộ Y tế quy định, từ ghi chép thủ tục hành chính trên hồ sơ bệnh án khi vào viện đến suốt quá trình thăm khám, chẩn đoán, xét nghiệm, chiếu chụp Xquang đến việc hội chẩn, kê thuốc, cấp cứu, chăm sóc hộ lý cấp 1, 2, chế độ dinh dưỡng... Có thể nói, bệnh án bệnh nhân tử vong là tấm gương phản chiếu một cách khách quan, trung thực và đầy đủ các hoạt động phục vụ bệnh nhân của mỗi cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, đó cũng là sự phản ánh cụ thể năng lực và các mặt khác của cán bộ y tế, nhân viên phục vụ người bệnh. Nó cũng là văn bản có cơ sở pháp lý khi xảy ra khiếu kiện; mặt khác, là nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

Mỗi khi gặp điều khúc mắc hoặc chưa hiểu rõ trong bệnh án, chúng tôi đều trao đổi, bàn bạc với các đồng nghiệp trong tổ để làm sáng tỏ. Khi đọc bệnh án, nếu phát hiện những sai sót, chúng tôi thường dùng bút chì đen vạch nhẹ bên lề, rồi đưa bác sĩ của BV bạn cùng xem và cho biết ý kiến, sau khi thống nhất, đưa tổ trưởng tổng hợp. Sau mỗi ngày làm việc, chúng tôi dành khoảng nửa giờ, cùng nhau bàn luận, rút kinh nghiệm. Bản thân tâm sự với hai bác sĩ trong đoàn kiểm tra chỉ đến với BV thời gian rất ngắn ngủi, mà một năm có đến 365 đêm ngày dài vất vả, người thầy thuốc và nhân viên phục vụ đã căng sức cứu chữa bệnh nhân, vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, cứu sống sinh mạng cho họ, vì vậy phương châm ghi nhớ là cần hết sức cảm thông với những khó khăn của đơn vị được kiểm tra, không nên “bới lông tìm vết, bới bèo ra bọ”, cũng không qua loa đại khái. Khi thực hiểu được điều đó, chúng ta mới đồng cảm, phát huy được nội lực của từng đơn vị, góp phần khắc phục, hạn chế những khiếm khuyết trong hoạt động của mỗi cơ sở y tế trước nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Không khí làm việc tuy khẩn trương, nghiêm túc, nhưng với sự cảm thông, chân tình giữa chúng tôi đã tạo lập được tình cảm đồng nghiệp, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong mỗi thành viên của đoàn kiểm tra, xóa đi sự khác biệt, ngăn cách giữa các vùng miền, tuổi tác và nguồn đào tạo...

Kết thúc cuộc kiểm tra, BV huyện Thủ Đức đạt tiêu chuẩn là bệnh viện loại tốt một cách thuyết phục. Các cơ sở khám chữa bệnh khác trong đợt kiểm tra này cũng được đánh giá khá tốt. Đó là tín hiệu đáng mừng, những kết quả đáng ghi nhận của các đơn vị sau một năm phấn đấu không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Buổi liên hoan tổng kết đợt kiểm tra năm đó được lãnh đạo thành phố và Sở Y tế tổ chức chu đáo, thân tình và tràn ngập niềm vui, có sự hiện diện với những lời phát biểu ấn tượng của Thứ trưởng Đoàn Thúy Ba.

Chúng tôi trở lại Hà Nội vào cuối năm, cận kề ngày 23 tháng Chạp -  ngày ông Công, ông Táo chầu Trời - như để báo cáo lên Thiên đình một năm có nhiều niềm vui, những kỷ niệm đẹp đẽ từ các cơ sở y tế của thành phố mang tên Bác, với niềm tin và hy vọng một năm mới có nhiều thành công mới, mang sắc màu rực rỡ hơn nữa so với những tháng năm đã đi qua...

TP. Hồ Chí Minh, tháng 12/1993; Hà Nội, tháng 12/2017.


BS. Lâm Đức Hùng
Ý kiến của bạn