Kỷ niệm những ngày sống gần Bác

26-06-2019 07:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau khi tốt nghiệp Trường Y vào năm 1941, tôi ở lại Hà Nội vì một người anh vợ giàu có đã mua hẳn tờ báo “Tin Mới” và giao cho tôi làm giám đốc của tờ báo này.

Chính qua tờ báo đó, tôi mới hiểu biết được nhiều vấn đề chính trị và cũng qua đó, tôi mới quen được nhiều anh em cảm tình với Việt Minh. Ngày 30/6/1944, tôi tham gia thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, đứng đầu là Dương Đức Hiền. Là một bác sĩ nên khi tham gia Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi đề nghị với đồng chí Võ Nguyên Giáp cho tôi làm cục quân y với chức vụ Phó trưởng Cục Quân y. Đầu năm 1946, Bác Hồ cho gọi một cách thân mật rằng: “Chú nên làm tuyên truyền vì trước đây chú có làm báo”. Tôi đắn đo suy nghĩ và thưa với Bác: “Bác ạ, cháu không làm được đâu, vì cháu có phải là đảng viên Đảng Cộng sản đâu”. Nhưng Bác vẫn khuyên bảo “Đây là nhiệm vụ cách mạng, chú phải gánh” và Bác Hồ đã trực tiếp cử tôi làm Tổng giám đốc Nha thông tin, nhưng có một số người xung quanh không cảm tình cho lắm vì tôi không phải là đảng viên mà lại đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Nhà nước. Nhà tuyên truyền này nằm trong Bộ Nội vụ, lúc đó do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng. Cụ Huỳnh cũng không phải là Cộng sản mà là một nhà yêu nước cương trực. Khi mới bắt đầu cuộc kháng chiến, đầu năm 1947, cụ Huỳnh mất ở Thanh Hóa, Bác Hồ liền mời cụ Phan Kế Toại (trước kia ông làm khâm sai đại thần của Bảo Đại trong Chính phủ Trần Trọng Kim) lên thay. Phan Kế Toại lên làm Bộ Nội vụ thì nhiều người cũng không đồng ý và Bác mời cả Phạm Khắc Hòe - đồng lý văn phòng của Bảo Đại làm Chánh văn phòng của Bộ nội vụ... Đó chính là chính sách đại đoàn kết của Bác Hồ. Sau này, Hội Liên Á cũng là chứng minh cho chính sách ấy. Trong Chính phủ liên hiệp, có những người không phải là đảng viên Đảng Cộng sản nhưng Bác Hồ vẫn tuyển dụng nhưng chính những người đó thực sự là những người rất trung thành với Tổ quốc, với nhân dân vì trung thành với Bác vì chính Bác đã thu phục nhân tâm của họ và giao phó những trọng trách như: cụ Nguyễn Văn Tố làm Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Phan Anh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... Trong thời kỳ đầu có những người được Bác tập hợp xung quanh mình là những người tài giỏi có uy tín lớn như các ông: Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa... Tuy Bác là một vị Chủ tịch nước, đứng đầu Bộ Chính trị nhưng sinh hoạt chi bộ rất đều đặn và nghiêm túc.

Bác Hồ với thiếu nhi.

Bác Hồ với thiếu nhi.

Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn. Chính phủ vừa mới họp đêm hôm trước ở đó và lập tức triển khai phân tán ra hết. Tôi cũng đang có mặt ở Bắc Kạn. Lúc đó còn kẹt lại 2 người là đồng chí Trường Chinh và cụ Nguyễn Văn Tố, nhưng đồng chí Trường Chinh thoát được còn cụ Tố bị chúng bắt và giết chết.

Khoảng 7 giờ, bọn Pháp nhảy dù vào Nha thông tin chúng tôi đang ở Bắc Kạn, chỉ có một bộ phận sơ tán ở hồ Ba Bể. Sau đó, cả Nha thông tin chạy về Thái Nguyên, cũng may lúc đó đang là mùa ổi nên suốt 7 ngày đường chỉ ăn ổi để trừ cơm, thật gian khổ nhưng rất đoàn kết, luôn luôn lạc quan và dốc lòng cùng nhau củng cố lại Nha thông tin tuyên truyền. Vì đặc điểm riêng của cơ quan nên chúng tôi phải đóng ở bất cứ chỗ nào không có đồng bào để tránh tai mắt của địch.

Năm 1947, từ Thái Nguyên, Nha thông tin quay về Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, châu Tự Do (có suối Ngòi Thia) và ở đây khá lâu, khoảng 1 năm rưỡi. Trong thời gian này, tôi có điều kiện gần gũi nhiều với Bác để kịp thời xin chỉ thị... Lúc này, Bác thường hay đến nhà tôi chơi, có một lần Bác đến, nghe vợ tôi kể rằng đứa con trai út của tôi chỉ biết ăn rau, không biết ăn thịt, thế mà Bác nhớ mãi. Cho đến năm 1955, khi tôi từ Trung Quốc về, gặp Bác Hồ trong kỳ họp ở Quốc hội, thấy tôi, Bác liền hỏi: “Này, chú Trọng, cháu bé đã ăn được thịt chưa?”. Tôi cảm thấy ngạc nhiên và xúc động biết bao vì tôi nghĩ đấy chỉ là một chi tiết nhỏ trong cuộc sống đời thường của mình mà Bác lại không quên.

Nhân dịp sinh nhật lần 60 (năm 1950) của Bác, tôi cùng mọi người có sang nhà Bác và dự lễ mừng thọ của Người. Bác có bài thơ:

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc khỏe,/Trần mà như thế kém gì tiên”.

Trong nhóm người bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Bác có đồng chí Lê Văn Chánh, ông Đặng Văn Cáp và một số đồng chí khác. Bác thường sử dụng thuốc Nam của ông Cáp. Có thời kỳ ở lán Nà Lừa, Bác bị bệnh sốt rét và tưởng chừng như bó tay, nhưng may thay có một người dân tộc cho Bác uống thuốc của lá rừng và khỏi bệnh nên Bác luôn luôn căn dặn chúng tôi: “Phải kết hợp thuốc Đông và thuốc Tây”.

Ở chiến khu, thỉnh thoảng vẫn gặp Bác đi dọc đường. Có lúc tôi đang đi xe đạp, thấy Bác, tôi định xuống xe và hỏi thăm Bác. Bác liền che mặt và nói: “Đi, đi”. Cùng sống thường xuyên với Bác Hồ có 8 anh là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Trong đó, anh Chiến là người thường đưa các cháu nhà tôi đến chơi với Bác. Nó rất nghịch ngợm đến nỗi có lần về khoe: “Bác có ấm pha nước sâm, tụi con uống hết”.

Năm 1955, khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác cho gọi các cháu thiếu nhi trong khu học xá đến. Đứa con của tôi được Bác Hồ bế vào trong lòng, nó lập tức lén nhổ một sợi râu của Bác để đem về làm kỷ niệm.

Cũng trong năm 1955, tôi trở về Trường Y dạy học. Thời gian này tôi có tham gia vào Ban Thường vụ Quốc hội (trong 12 năm), đồng thời tham gia vào Ban Sửa đổi Hiến pháp do Bác Hồ là người chủ trì, bên cạnh có các cụ: Tôn Đức Thắng và Phạm Văn Bạch... Ban Sửa đổi Hiến pháp làm việc rất căng thẳng và kéo dài hơn 1 năm rưỡi mới xong cho nên vào những giờ giải lao trong các cuộc họp ấy, chúng tôi hay bông đùa. Một hôm, tôi mạnh dạn hỏi vui Bác một câu: “Bác ơi, người ta gọi Bác là ông đồ Nghệ phải không?”, Bác mới đùa lại: “Bác là dân cá gỗ” và Bác nói tiếp: “Ở quê Bác người ta không phân biệt được cá và cà nên mới phân ra cá có đuôi, cà có cuống”. Khi về thăm quê, Bác Hồ nói chuyện với bà con nhân dân xứ Nghệ, các đồng chí cùng đi với Bác nghe không được vì Bác nói rặt tiếng Nam Đàn - Nghệ An. Có thời kỳ Bác Hồ đang ở Hà Nội, bà Thanh (chị ruột của Bác) ra thăm. Hai chị em nói chuyện với nhau, những người xung quanh không ai hiểu chi hết. Mặc dù xa rời quê hương đã nhiều năm, ít có dịp về thăm nhưng Bác vẫn giữ được tiếng nói đặc trưng riêng địa phương mình và nhớ những chi tiết nhỏ như cây phật thủ sau nhà.

Cũng chính trong những giờ nghỉ giải lao trong các buổi họp ấy trong không khí cởi mở và vui vẻ, có một số anh em đã tranh thủ tìm hiểu thêm về cuộc đời hoạt động của Bác, trong đó có đồng chí Trần Duy Hưng là người rất gần gũi với Bác đã mạnh dạn hỏi: “Thưa Bác, thời kỳ Bác đi làm cách mạng, Bác có yêu ai không?”, Bác chân tình kể rằng: “Có một người nhưng Bác không có điều kiện để lập gia đình”. Câu chuyện này là có thật, tôi muốn kể ở đây không phải có ý làm phật lòng những người trước đây cho Bác là một vị thánh cao siêu được giáng xuống trần mà đó là một con người có trái tim bình thường, có tình yêu nhưng vì sứ mệnh của đất nước luôn nặng gánh trên vai, Bác đã hy sinh tình yêu và hạnh phúc của riêng mình để đem đến một tình yêu bao la rộng lớn hơn cho chúng ta, để có được ngày hôm nay là: Độc lập - Tự do.

Nói đến Bác Hồ thì chúng ta có thể nói mãi, nói hoài không hết. Bác là một con người bình dị nhưng vĩ đại. Được gần Bác, sống với Bác càng thấm thía, càng cảm phục và kính yêu Bác vô hạn. Đi theo con đường của Bác Hồ dù nay đã tuổi già, sức yếu, tôi nguyện đem hết tâm trí của mình phục vụ cho sự nghiệp y học của nước nhà và cố công đào tạo bồi dưỡng thế hệ những cán bộ trẻ có đủ tài năng, đức độ nối tiếp bước của các thế hệ đàn anh.

Ngày 12/11/1957

Người ghi: TRẦN THỊ MẠO -  NGUYỄN HẢI HỒNG

Tài liệu gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

TRẦN GIỮU sưu tầm và giới thiệu


GS. NGUYỄN TẤN GI TRỌNG (1913-2006) - Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn