Giáo sư Tôn Thất Tùng trút hơi thở cuối cùng lúc 11 giờ 45 phút ngày 7/5/1982, thọ 70 tuổi. Ông qua đời đúng vào ngày kỷ niệm 28 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng mà ông từng góp phần với tư cách một nhà phẫu thuật lớn có mặt tại lán mổ Mường Phăng, tự tay cầm dao mổ cho mấy trăm thương binh nặng. Tối hôm trước, 6/5, nhân kỷ niệm chiến thắng, giáo sư Tùng và vợ là bà Vi Nguyệt Hồ còn mời cơm thân mật những người thân: Võ Nguyên Giáp, Hồ Đắc Di, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước…
Nhận được một cú điện thoại từ Đại học Y Hà Nội, chỉ mấy phút sau, tôi đã đạp xe đến ngôi nhà quen thuộc của giáo sư Tùng ở phố Lê Thánh Tông nhìn sang vườn hoa Tao Đàn.
Trên chiếc giường rộng đặt giữa gian phòng ngủ ở tầng trệt, lót nệm, trải vải hoa, giáo sư nằm thẳng người, hai tay buông xuôi, đắp tấm vỏ chăn màu xanh da trời đến ngang ngực, đầu ngả trên chiếc gối bông trắng xốp kê cao, mái tóc màu bạch kim buông dài bên thái dương, hai mí mắt khép lại như đang thiêm thiếp ngủ...
Đài phát thanh, truyền hình chưa loan tin, thế mà hàng nghìn người thân, bạn bè, học trò và cả bệnh nhân đã lũ lượt kéo đến ngôi nhà bên cạnh Trường Y, để vĩnh biệt con người yêu quý ấy. Các bác sĩ trẻ, sinh viên ngồi chật lối đi trong vườn nhà, trên bậc thềm, thảm cỏ, hay đứng xếp hàng phía ngoài giậu sắt chờ đến lượt mình được bước vào phòng, nhìn một lần cuối người thầy kính mến vừa ra đi...
Tác giả Hàm Châu và GS. Đỗ Tất Lợi (bên trái ảnh). |
Nhiều người bệnh được giáo sư tự tay cứu sống, từ ngày hôm ấy, đã kính cẩn đặt ảnh giáo sư lên bàn thờ gia tiên. Có người còn xây miếu trong vườn nhà để quanh năm hương khói.
Ít hôm sau, đọc sổ tang, các bức điện chia buồn bằng nhiều thứ tiếng khác nhau từ Liên Xô, CHDC Đức, Pháp, Mỹ và đặc biệt, đọc bài báo của bác sĩ Jean-Michel Krivine, chủ nhiệm Khoa phẫu thuật, Trung tâm Bệnh viện Émile-Roux, Paris, nhan đề Cái chết của Tôn Thất Tùng - một nhà phẫu thuật lớn đã ra đi in trên tờ Témoignage (Bằng chứng), tờ báo của giới y học Pháp, tôi càng thấy rõ hơn sự nghiệp lớn lao của giáo sư Tùng.
Tôi vội ghi tức thì, tỉ mỉ, chính xác từng hình ảnh, lời nói, chép tay lại những tư liệu vừa mượn được (lúc bấy giờ ở Hà Nội máy photocopy chưa sẵn), đọc đi đọc lại cuốn tiểu sử tự thuật do GS. Tùng viết Đường vào khoa học của tôi và một số công trình nghiên cứu của ông, ôn lại những lần từng gặp gỡ, chuyện trò với ông. Rồi ngồi viết bằng bút mực (chưa có máy tính) một mạch suốt ngày đêm bài Tưởng nhớ một danh nhân trên căn gác xép 16m2 ngột ngạt đầu phố Tràng Thi. Bản thảo dài hơn 10.000 từ, gửi đến báo Hà Nội mới. Những tưởng chỉ được trích đăng một phần, nào ngờ Tổng biên tập Hồng Lĩnh và Phó tổng biên tập Dương Linh cho in toàn văn trên ba số báo liên tiếp! Anh Dương Linh chỉ gọi điện trao đổi ý kiến với tôi (lúc bấy giờ tôi làm Phó tổng biên tập tạp chí Tổ quốc) để sửa lại một vài từ tôi dịch gấp từ tiếng Pháp mà, theo anh, hơi "bay bướm" quá.
Bài báo gây tiếng vang tốt trong dư luận xã hội, cũng như trong giới đồng nghiệp làm báo. Các nhà báo Thép Mới, Hồng Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hữu Thọ ở báo Nhân Dân; Lê Điền, Thái Duy ở báo Đại Đoàn Kết; Hoàng Phong, Ngô Quân Miện ở báo Độc Lập... có lời khen. Giáo sư phẫu thuật nổi tiếng Phạm Biểu Tâm từ TP. Hồ Chí Minh gửi thư ra hoan nghênh.
Ngay sau đó, tôi viết tiếp bài thứ hai, dài 7.000 từ, cũng về GS. Tôn Thất Tùng, đăng trên tạp chí Tổ quốc, tờ "báo nhà" nhan đề Một người anh hùng, một nhà bác học. Bài báo này cũng được hoan nghênh. Chính vì vậy, sau đó không lâu, bài báo mới được Hội Nhà báo Việt Nam trao Giải Nhất báo chí toàn quốc.
Trong mấy thập niên vừa qua, tôi đã viết hàng trăm bài ký chân dung về các nhà khoa học Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo Dục đã tập hợp nhiều bài ký của tôi để in thành bộ sách Người trí thức quê hương gồm 3 tập (đã phát hành hai tập).
Sau khi Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, rồi đợt 2, tôi viết một loạt ký chân dung nhiều nhà khoa học đoạt giải in trên báo Nhân Dân và nhiều báo khác như Văn nghệ, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Khuyến học và Dân trí, Sức khỏe và Đời sống, ... thí dụ: Nguyễn Xiển - nhà khoa học kẻ sĩ; Tạ Quang Bửu - một trí tuệ quảng bác; Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học anh hùng; Hồ Đắc Di - nhà y học, triết nhân; Phạm Ngọc Thạch - người thầy thuốc tận tuỵ vì dân; Tôn Thất Tùng vẫn sống với trường phái do ông sáng lập; Đỗ Xuân Hợp - người thầy về giải phẫu học; Đỗ Tất Lợi - nhà bác học thuốc nam; Lê Văn Thiêm - nhà toán học tận tâm vì nước; Nguyễn Văn Hiệu - nhà vật lý tiên phong; Lê Tâm - người sáng chế súng chống tăng trong rừng sác; Hà Văn Tấn - nhà học giả kiến văn thâm hậu...
Thời trẻ, tôi từng say mê đọc bộ Sử ký của Tư Mã Thiên (135-93 trước CN). Tôi cho rằng sở dĩ bộ sử này hấp dẫn người đọc nhiều nước suốt hơn hai nghìn năm qua là do tác giả không chỉ ghi chép một cách đầy đủ các sự kiện lớn từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc đến mấy triều đại đầu nhà Hán, mà còn - qua phần bản kỷ và phần liệt truyện - vẽ nên những bức chân dung sống động, nhiều chi tiết về những con người nhào nặn nên lịch sử, những vị hoàng đế, vương hầu, công khanh, đại phu, cũng như những bậc trí thức lẫy lừng "trước thư lập ngôn" trong thời đại ấy như Khổng Tử, Lão Tử, Khuất Nguyên, Trang Tử, Tôn Tử - Ngô Khởi (tác giả Tôn - Ngô binh pháp),...
Không đủ vốn sống và tư liệu để viết về những danh nhân chính trị, quân sự lỗi lạc của nước Việt Nam hiện đại, tôi thầm nghĩ, nếu mình viết ký chân dung thật hay, thật sống động về những người trí thức, những nhà khoa học Việt Nam ưu tú ở thời đại mới, thì may ra cũng có thể góp phần ghi lại đôi nét bóng dáng của lịch sử ánh xạ qua số phận những con người tiêu biểu ấy. Những bài ký như vậy, theo tôi nghĩ, phải có "chất văn" cũng như "chất sử", nghĩa là ngôn từ phải uyển chuyển, trau chuốt, có tính nghệ thuật, thế nhưng tình tiết, tư liệu phải chân thực, chính xác.
Tâm niệm vậy thôi, chứ đạt được ý nguyện đến mức nào, thì còn phụ thuộc vào hiểu biết và tài năng...
Hàm Châu