Hà Nội

Hồi sinh nhiều sự sống mong manh nhờ làm chủ hoàn toàn ghép gan cho trẻ, xứng đáng với sự 'phó thác'...

27-02-2023 07:06 | Y tế

SKĐS - Ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật. Thế nhưng, các thầy thuốc Bệnh viện Nhi TW bằng sự tận tâm, tận trí và tận lực trau dồi chuyên môn đã thực hiện thành công 17 ca ghép gan cho trẻ, hồi sinh nhiều sự sống mong manh...

Trong 'Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/02/1955', Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Người bệnh phó thác tính mệnh của mình nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang…". Thấm nhuần lời dạy của Bác, cùng với toàn ngành y tế nỗ lực vượt khó từ giữa những ngày căng thẳng của đại dịch COVID-19 cho đến hôm nay, các thầy thuốc của Bệnh viện Nhi TW bằng bàn tay, trí óc và sự lặng thầm cống hiến của mình đã làm chủ nhiều, rất nhiều các kỹ thuật cao của y học, trong đó có ghép gan cho trẻ em... 

Chính họ cùng với toàn ngành y tế cả nước chứng minh cho chúng ta thấy lực lượng "chiến sĩ áo trắng" đã trọn vẹn xứng đáng với sự "phó thác" mà Bác đã viết trong thư...

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): Hồi sinh nhiều sự sống mong manh nhờ làm chủ hoàn toàn ghép gan cho trẻ, xứng đáng với sự 'phó thác'... - Ảnh 1.

Các thầy thuốc Bệnh viện Nhi TW thực hiện ca ghép gan cho trẻ.

"Các y bác sĩ ở đây coi như đã sinh ra con em lần thứ 2" 

Tháng 3/2022, giữa những ngày Hà Nội đang căng thẳng với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, các thầy thuốc Bệnh viện Nhi TW đã thông tin đến cộng đồng một tin vui, đó là cùng với chống dịch, Bệnh viện đã làm chủ hoàn kỹ thuật ghép gan cho trẻ em-  một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng. 

Bệnh nhi là bé trai 9 tháng tuổi, ở Lâm Đồng. Vào thời điểm nhập viện, tình trạng của bệnh nhi nặng 8,2 kg đã khá nặng do bị xơ gan mật tiến triển của trẻ teo mật bẩm sinh. Do tình trạng thiếu máu và rối loạn đông máu nặng, trẻ thường xuyên phải sử dụng các chế phẩm máu và thuốc điều trị hỗ trợ. Để cứu sống bệnh nhi, ghép gan là phương pháp duy nhất.

Đây là ca ghép gan thành công thứ 25 tại Bệnh viện Nhi TW và là ca ghép gan được thực hiện hoàn toàn bởi các y bác sĩ của Bệnh viện.

Theo TS Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng Khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi TW, teo mật bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật. Tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 1/10.000 trẻ sơ sinh sống. Đây là bệnh khiến toàn bộ hệ thống đường mật trong và ngoài gan đều bị tổn thương gây xơ gan mật với các hậu quả nặng nề. Tuy được phẫu thuật nối mật - ruột (phẫu thuật Kasai), một số trẻ teo mật bẩm sinh vẫn có tình trạng xơ gan mật tiến triển và cần có chỉ định ghép gan điều trị.

Ca ghép gan được chuẩn bị với sự phối hợp của nhiều chuyên gia ở các khoa Gan mật, Ngoại tổng hợp, Gây mê, Hồi sức ngoại, Trung tâm xét nghiệm cận lâm sàng, Ngân hàng máu, chẩn đoán hình ảnh…

Ngày 14/3/2022, ca đại phẫu được tiến hành, sau 9 giờ căng thẳng, PGS.TS Phạm Duy Hiền- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TW  là người trực tiếp thực hiện và chỉ đạo kỹ thuật ca ghép gan của bệnh nhi và  ekip phẫu thuật Bệnh viện Nhi TW đã ghép gan cho bé thành công. Bệnh nhi được hồi sinh nhờ sự quyết tâm của y bác sĩ cùng sự yêu thương của gia đình, đặc biệt là cha em, người đã hiến một phần gan để cứu sống con mình.

Kể lại câu chuyện với chúng tôi vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, PGS.TS Phạm Duy Hiền cho biết, ca ghép gan này được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp với rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, vượt qua các khó khăn trong đại dịch, để cứu bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo, không đơn thuần là sự làm chủ kĩ thuật ghép tạng và hồi sức của các bác sĩ trong ê kíp, mà còn có sự sẻ chia của các nhân viên y tế khác của Bệnh viện, của cộng đồng.

 "Trong 2 ngày, sau lời kêu gọi của Ban chấp hành Đoàn TNCS Bệnh viện Nhi TW, hơn 506 đơn vị máu đã được các y bác sĩ của Bệnh viện cùng đoàn viên thanh niên Câu lạc bộ phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện Công an TP Hà Nội, một số đơn vị, cá nhân trong cộng đồng chia sẻ cho ca ghép và những bệnh nhi khác đang cần phẫu thuật" - PGS.TS Phạm Duy Hiền nhớ lại.

 Sự tận tận tâm, tận lực của các thầy thuốc Bệnh viện Nhi TW trong những ca ghép gan đã giúp hồi sinh nhiều sự sống của trẻ đang mong manh như ngọn đèn trước gió.... Và chính họ cùng với toàn ngành y tế cả nước chứng minh cho chúng ta thấy lực lượng "chiến sĩ áo trắng" đã trọn vẹn xứng đáng với sự "phó thác" mà Bác Hồ đã viết trong 'Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/02/1955'.

Sau thành công của ca ghép gan này, các thầy thuốc của Bệnh viện Nhi TW tiếp tục tự tin chinh phục các ca ghép gan cho nhiều bệnh nhi khác, có những trường hợp mắc bệnh lý phức tạp hơn, rồi có trường hợp ít tháng tuổi hơn với nhiều khó khăn, trở ngại về mặt giải phẫu

Hơn 3 tháng, bé gái tên P. ở Bắc Giang đã phát hiện căn bệnh về gan mật mà theo các bác sĩ ghép gan chính là giải pháp cuối cùng. Bố mẹ đưa P đến Bệnh viện Nhi TW thăm khám và làm các thủ tục để có thể tìm ra người thân trong gia đình có chỉ số phù hợp hiến 1 phần gan nhằm tiến hành ca ghép. May mắn cậu của P. có chỉ số phù hợp và đã tình nguyện hiến 1 phần cơ thể của mình để mang lại sự sống cho cô cháu gái...

Ca phẫu thuật kéo dài nhiều tiếng liền, xuyên cả trưa và tối với sự tham gia của hơn 30 y bác sĩ các chuyên khoa của Bệnh viện Nhi TW. Mẹ của P. chia sẻ "con em có được như ngày hôm nay là nhờ các y bác sĩ của Bệnh viện Nhi TW rất nhiều. Các y bác sĩ ở đây coi như đã sinh ra con em lần thứ 2".

"Mỗi một ca ghép gan cho trẻ là một cuộc chiến của thầy thuốc..."

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi TW, từ năm 2005, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Bệnh viện Nhi TW đã tiến hành những ca ghép gan trẻ em đầu tiên với sự giúp đỡ của rất nhiều các cá nhân, tổ chức, chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và gần đây nhất là sự giúp đỡ nhiệt tình từ các chuyên gia đến từ Bệnh viện TW Quân đội 108.

Đầu năm 2021, Bệnh viện Nhi TW được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ và chính thức cho phép triển khai kỹ thuật lấy, ghép gan. Đây là thủ tục cần thiết để Bệnh viện triển khai kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh trẻ em phù hợp với các quy định pháp lý, tiến tới trở thành quy trình kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện. Đến nay, ngoài hơn 20 ca thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, Bệnh viện Nhi TW đã tự chủ hoàn toàn thực hiện thành công 17 ca ghép gan cho trẻ có kết quả tốt.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): Hồi sinh nhiều sự sống mong manh nhờ làm chủ hoàn toàn ghép gan cho trẻ, xứng đáng với sự 'phó thác'... - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi TW và Lãnh đạo Bệnh viện cùng các Khoa, Phòng, Trung tâm... giao ban, trao đổi về chuyên môn với tuyến dưới.

"Với số lượng ca ghép gan này, Bệnh viện Nhi TW hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Trong những ca ghép này, Bệnh viện đã thực hiện các ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như bất đồng nhóm máu, ghép gan cho trẻ ung thư gan, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp" – Giám đốc Bệnh viện Nhi TW Trần Minh Điển nói, đồng thời nhấn mạnh thêm: Việc các thầy thuốc "made in" Bệnh viện Nhi TW là chủ kỹ thuật cao không chỉ giúp người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị tiên tiến, tiết kiệm thời gian, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí đi lại, sinh hoạt so với việc thực hiện ở nước ngoài mà còn giúp người bệnh thuận lợi hơn trong quá trình tái khám sau ghép…

Thành công này không chỉ mang lại niềm vui cho người bệnh, người nhà người bệnh mà còn là niềm vui và hạnh phúc của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi TW.

"Mỗi một ca ghép gan cho trẻ là một cuộc chiến của thầy thuốc vì đòi hỏi nhiều khâu, từ sàng lọc trước mổ để lựa chọn được mảnh ghép phù hợp với gan của trẻ, rồi chăm sóc hậu phẫu, hồi sức tích cực sau ghép thế nào... Ngoài nỗ lực của từng cá nhân, của ekíp ghép gan đã không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, thì tinh thần đoàn kết và năng lực tổ chức hoạt động nhóm giữa Khoa, Phòng, đơn vị liên quan, cùng với sự quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã góp phần làm nên thành công của các ca ghép gan cho trẻ ở Bệnh viện Nhi TW"- PGS.TS Phạm Duy Hiền chia sẻ.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận thăm khám khoảng 4.000- 5.000 bệnh nhân ngoại trú, trong đó có khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú. Trong số bệnh nhân nội trú điều trị thường xuyên có hơn 100 trường hợp phải thở máy, gần 200 ca thở oxy.

"Số lượng bệnh nhân nặng thường xuyên duy trì như vậy và gia tăng là gánh nặng rất lớn cho bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối. Điều này đòi hỏi sứ mệnh và trách nhiệm của chúng tôi phải làm chủ ngày càng nhiều hơn nữa các kỹ thuật cao để mang lại sức khoẻ, cứu tính mạng các cháu. Ngoài làm chủ ghép gan, các chuyên gia của chúng tôi đã ghép thận, ghép tế bào gốc ngoại vi, tế bào gốc tự thân... cứu sống nhiều trẻ mắc các bệnh trọng khác"- PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cũng chia sẻ thêm: Bệnh viện đã cố gắng cung cấp tương đối đủ vật tư và hóa chất để các thầy thuốc yên tâm có đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật cao. Các chuyên gia của Bệnh viện cũng đã nỗ lực để xây dựng quy trình kỹ thuật tương đối cho nhóm bệnh nặng, nhóm bệnh lây nhiễm… với quyết tâm "Tận tâm, chất lượng vì sức khoẻ trẻ em Việt Nam", làm sao để ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho các bệnh nhi...

Xúc động câu chuyện các gia đình trong hành trình cùng con 'chiến đấu' với bệnh hiếmXúc động câu chuyện các gia đình trong hành trình cùng con "chiến đấu" với bệnh hiếm

SKĐS - Bệnh hiếm vốn được gọi là bệnh "mồ côi", đây là các bệnh có tỷ lệ mắc thấp trong cộng đồng nhưng lại là thách thức lớn về mặt tiếp cận chẩn đoán và điều trị vì có tới 80% các bệnh hiếm là bệnh di truyền, tức là biểu hiện bệnh suốt đời mặc dù các triệu chứng có thể không xuất hiện ngay.

Thái Bình
Ý kiến của bạn