Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi tới bạn đọc hình ảnh và ấn tượng về một người thầy đầy tâm huyết, đồng thời, ông cũng là một vị lãnh đạo liêm chính, tận tụy và kiên trung của ngành y tế - GS.BS. Đỗ Doãn Đại.
Bức ảnh ghi lại cuộc kiểm tra thực địa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau những trận bom Mỹ hủy diệt Bệnh viện Bạch Mai, tháng 12/1972. GS.BS. Đỗ Doãn Đại mặc áo blouse trắng, thứ 2 từ phải sang. Nguồn: Internet
Mùa hè năm 1956, Trường Cán bộ Y tế Trung ương, tọa lạc tại số nhà 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội, khai giảng năm học mới. Hàng ngàn học viên, đủ mọi thành phần, đến từ nhiều vùng miền của Tổ quốc: miền Nam tập kết, từ các chiến trường còn vương lại khói lửa chiến tranh, các học sinh từ Việt Bắc về, ở vùng tạm chiếm cũ đến, tất cả, đều hướng tới ngày khai trường năm học mới sau ngày hòa bình lập lại chưa lâu. Dưới sự lãnh đạo của thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp, bác Nguyễn Thiện Chân, vị lão thành cách mạng là Bí thư Đảng ủy cùng đội ngũ giáo viên quân, dân y giàu tâm huyết. Trong số học viên, Lớp Y sĩ khóa 7 dài hạn chiếm số đông nhất, có gần 500 người bao gồm các cán bộ nhiều ngành: bộ đội chuyển ngành, thanh niên xung phong thời kỳ chống thực dân Pháp và đông đảo nhất là lớp học viên trẻ tuổi khắp Bắc, Trung, Nam. Đội ngũ giáo viên để lại ấn tượng nhất với chúng tôi là các sĩ quan quân y, mang quân phục tề chỉnh, áo đại quân bốn túi, trên hai cầu vai là 36 đường chỉ khâu máy đan chéo mà các vị hay gọi vui là “36 đường gian khổ”. Trong số đó, thầy Đỗ Doãn Đại được phân công dạy môn Dược lý có phong cách ấn tượng nhất. Ông dong dỏng cao, với đôi mắt sáng và giọng nói nhẹ nhàng, ấm cúng dễ gần. Thầy Đại luôn chú ý gắn kiến thức với thực tế giường bệnh. Một trong những ví dụ đến giờ chúng tôi luôn nhớ, khi thầy dạy về thuốc phiện và các chế phẩm của nó. Thầy nhấn mạnh, loại cây thuốc này có tác dụng mạnh, gây ức chế cảm giác đau, làm giảm nhu động các cơ đường tiêu hóa..., nên khi sử dụng phải cân nhắc cẩn thận, khi bệnh nhân có những cơn đau bụng cấp, nôn mửa hoặc rối loạn tiêu hóa. Nếu vội sử dụng morphin - một chế phẩm từ cây thuốc phiện - khi chưa chẩn đoán loại trừ với bụng ngoại khoa như viêm ruột thừa cấp, thủng ruột, thủng dạ dày... - nó sẽ xóa hết các triệu chứng lâm sàng, dẫn đến chẩn đoán sai lệch, làm cho căn bệnh tiến triển nặng lên, tiên lượng rất khó khăn, nhiều khi đe dọa tính mạng người bệnh. Mặt khác, nếu sử dụng kéo dài, morphin nói riêng và các thuốc chiết xuất từ thuốc phiện, mà nay ta gọi là ma túy, sẽ gây nghiện ngập kèm theo các rối loạn nhân cách rất khó khắc phục.
Sau khi đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, từ năm 1969, GS.BS. Đỗ Doãn Đại được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện đa khoa lớn nhất nước. Ông không chỉ quan tâm đến công tác quản lý điều hành, phục vụ người bệnh mang tính thường quy, mà còn để tâm đến những việc nhỏ nhất. Nhiều người vẫn nhắc lại việc ông luôn nhắc nhở anh chị em y công chú ý chống tắc cống thoát nước, giữ gìn vệ sinh ở từng khoa, giảm thiểu nhiễm trùng tại buồng bệnh, đồng thời, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của bệnh nhân. Ông nhắc nhở CBCNV cần có tình cảm thương yêu quý trọng người bệnh, biết cách sẻ chia niềm vui, nỗi buồn của bệnh nhân.
Một ấn tượng còn lưu lại trong tâm trí mọi người là hình ảnh GS.BS. Đỗ Doãn Đại vẫn trụ vững tại bệnh viện trong suốt những ngày cuối năm 1972, khi Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra ác liệt, cùng quân dân Thủ đô đánh thắng cuộc ném bom hủy diệt 12 ngày đêm. Dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, ông luôn có mặt ở những nơi hiểm yếu nhất. Ông đã cùng mọi người khẩn trương cứu sập, cứu sống nhiều đồng nghiệp và bệnh nhân trong đường hầm bị bom Mỹ đánh sập. Trên đống gạch ngói ngổn ngang sau trận bom, ông báo cáo tình hình bệnh viện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng xuống trực tiếp kiểm tra hiện trường, được Đại tướng biểu dương và động viên rất thân tình. Trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài, khi họ hỏi, rằng đây có phải là sự nhầm lẫn của máy bay Mỹ(?!), GS.BS. Đỗ Doãn Đại thẳng thắn khẳng định, rằng nếu đó chỉ là 1 lần, nhưng đã 4 lần bệnh viện bị không lực Hoa Kỳ dội cả trăm quả bom, thì chắc chắn là một hành động độc ác dã man của kẻ xâm lược với chủ định muốn làm nhụt ý chí nhân dân ta. Những hành động đó cần phải bị lên án mạnh mẽ và trừng phạt thích đáng.
Ông thật sự là anh Bộ đội Cụ Hồ kiên trung, là nhân chứng sống mà nhân dân hết mực kính trọng, bạn bè quốc tế nể phục, kẻ thù phải sợ hãi.
Hòa bình lập lại, ông cùng mọi người bắt tay xây dựng lại bệnh viện trên đống đổ nát. Là người có tâm sáng và tầm nhìn xa, cùng lãnh đạo của ngành và bệnh viện, ông chủ trương phát huy mạnh mẽ nội lực, đồng thời chú trọng việc hợp tác quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều khu vực của bệnh viện đã được xây dựng lại và mở rộng như Khoa Tim mạch, các Khoa Nội, Truyền nhiễm, Tâm thần kinh và nhiều khoa lâm sàng và cận lâm sàng, mở rộng sự hợp tác có hiệu quả với các nước XHCN và các nước Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Ý..., để bệnh viện trở thành trung tâm y học hiện đại, bề thế như ngày nay.
Năm 1981, đến từ Bệnh viện Bạch Mai, BS. Ngô Đức Bảo cùng là chuyên gia y tế ở Algérie đã nói với tôi về ấn tượng tốt đẹp của anh đối với GS.BS. Đỗ Doãn Đại cùng phu nhân của ông là BS. Phạm Thị Hoan. Anh Bảo kể, ông bà luôn thể hiện sự liêm khiết của người thầy thuốc, nhà lãnh đạo trong sạch, khi từ chối quà cáp biếu xén, được mọi người nể trọng.
Vào những năm 1990, GS.BS. Đỗ Doãn Đại đảm nhiệm cương vị Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo (nay là Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế). Ông là vị lãnh đạo gương mẫu trong công việc, luôn biết lắng nghe ý kiến anh chị em trong Vụ, gần gũi chân tình với mọi người, tạo được sự đoàn kết gắn bó và sức vươn lên mạnh mẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng Vụ trở thành đơn vị thi đua hàng đầu của cơ quan Bộ.
Gặp ông trong đám tang của người anh chúng tôi. Trong sổ tang, ông viết lời chia buồn chân tình, sâu sắc; tôi được biết ông từng học phổ thông với anh tôi và đều là học trò gần gũi của GS. Nguyễn Văn Hiếu. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng tình cảm giữa hai người vẫn chân tình sâu sắc như thuở xa xưa. Trong tang lễ GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, tôi được gặp thầy Đại với tình cảm đầy ắp tình người rất mực trong sáng.
Sinh hoạt đời thường của GS.BS. Đỗ Doãn Đại thật bình dị. Dù đã ở tuổi 93, ông vẫn thường đi xe đạp đến dự các cuộc họp được Trường đại học Y Hà Nội mời, hoặc thăm hỏi bạn bè, đồng nghiệp cao tuổi và cũng là để rèn luyện sức khỏe. Ông còn tự tay giặt quần áo, mà không dùng đến máy giặt! Vào ngày cuối tuần, tại ngôi nhà nhỏ trên phố Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, gia đình Giáo sư luôn giữ nếp gặp mặt đoàn viên.
Phát huy truyền thống gia đình, một trong những người con của ông bà, GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Đỗ Doãn Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia hàng đầu của Viện Tim mạch học Việt Nam - một nhà khoa học có tâm, có tài, là niềm vui và tự hào không chỉ riêng của GS.BS. Đỗ Doãn Đại và BS. Phạm Thị Hoan, mà còn là nguồn vui và niềm tự hào của ngành y tế nước ta.
Xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn và kính chúc thầy sức khỏe. Kính chúc thầy cùng gia đình an vui, tiếp tục đóng góp những việc thiện nguyện cho đời.
25 năm ấy vẫn còn vẹn nguyên
Tặng 12A4 và các học trò cũ
25 năm mới lại gặp nhau
Vẫn phảng phất nét thơ ngây thuở nào
Bao gian khó, khổ đau, bươn trải
Không làm vẩn đi dòng sáng buổi đầu.
Có phải vì ta yêu cuộc sống,
Yêu con người, yêu đất nước chúng ta
Và chính ta bằng trái tim, khối óc
Đã làm cho cây cỏ cũng thăng hoa?
12A4 ơi, tình yêu thầy cô, mái trường, bè bạn
Vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim Em.
Cũng như tôi, mái đầu bạc trắng
Mà tim tôi vẫn thắm đỏ nhiệt tình
Những bài văn, bài thơ đã là minh chứng
Cho tình yêu tôi với cuộc sống và Em
Cho đến khi tôi không còn sống
Thì những vần thơ vẫn hát mãi ân tình.
Sự sống của tôi được truyền mãi từ Em.
7/10/2019