Hà Nội

Kỷ niệm 90 năm sinh nghệ sĩ lớn đa tài Văn Cao (15/11/1923 - 2013)

16-11-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sáng ngày 12/11/2013 đã diễn ra lễ kỷ niệm 90 năm sinh nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao do Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức tại 51 Trần Hưng Đạo.

Sáng ngày 12/11/2013 đã diễn ra lễ kỷ niệm 90 năm sinh nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao do Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức tại 51 Trần Hưng Đạo. Buổi lễ trang nghiêm mà ấm tình đồng nghiệp bởi một phần do hội trường nhỏ, số giấy mời lại phân cho 3 hội nên ta thấy phần đông là những mái đầu đã bạc, bên cạnh tình đồng nghiệp còn tình đồng chí những năm đầu cách mạng...

Sau 5 bài hát tiêu biểu của Văn Cao do nhóm ca sĩ Quang Thọ, Lan Anh... trình bày, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ thay mặt ban tổ chức, vừa thay mặt Hội Nhạc sĩ đọc bản tham luận mở đầu; nhà thơ Vũ Quần Phương thay mặt Hội Nhà văn đọc bài phân tích khá kỹ thơ của thi sĩ Văn Cao với nhiều chi tiết trí tuệ, tinh tế... mà thính giả mong được đọc bằng mắt trên trang báo nào đó để thẩm thấu rõ hơn. Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật kể về những bước đi từ giai đoạn đầu của họa sĩ Văn Cao và những tác phẩm hội họa tiêu biểu của ông. Chỉ tiếc do đặc tính thể loại khó phổ cập, dù được dẫn ra tên một số họa phẩm tiêu biểu, người nghe cũng không thể hình dung ra, vì nếu ở ngoài giới họa, sẽ rất ít người được tiếp xúc với chúng. Họa phẩm nhiều người biết của Văn Cao có lẽ là bìa các tập thơ do Văn Cao trình bày vào trước và sau thập niên 60 của thế kỷ trước, phần lớn là các tập thơ của các nhà thơ thế hệ Thơ Mới (1932 - 1945) đi với cách mạng và thế hệ các nhà thơ kháng chiến chống Pháp. 

Kỷ niệm 90 năm sinh nghệ sĩ lớn đa tài Văn Cao (15/11/1923 - 2013) 1
 Cố nghệ sĩ Văn Cao

Không thể loại gì dễ phổ cập bằng âm nhạc, một em học sinh trung học cũng có thể nhớ được hàng chục bài hát tiêu biểu của Văn Cao: Làng tôi, Trường ca sông Lô (1947), Thăng Long hành khúc, Tiến về Hà Nội (1949), Ngày mùa (1948), Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1950), Mùa xuân đầu tiên... Bố mẹ, ông bà của các em thì vẫn lưu luyến với Buồn tàn thu (1939), Thiên thai, Đêm sơn cước, Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941), Suối mơ, Thu cô liêu (1942)... Đặc biệt, khi đạt đến đỉnh lãng mạn giai đoạn đầu, Văn Cao vẫn tìm được những nét nhạc gần gụi với dân tộc, với phương Đông, không chịu ảnh hưởng từ nhạc cổ điển phương Tây hoặc những ca khúc Pháp đang phổ biến thời ấy (nhạc sĩ Trọng Bằng đã nhận định trong bài phát biểu sau đó). Chất lãng mạn của Văn Cao khi đi với Cách mạng vẫn còn nhưng ông chuyển hướng nó sang nội dung, tình cảm hiện đại với tráng chí tự cường gửi gắm vào lòng mong ước của cả dân tộc với những chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam khi ta chưa có lấy một chiếc máy bay, một chiếc... ca-nô có vũ trang... Nói cách khác, những bản nhạc vừa kể là những tráng ca của cách mạng, thể hiện lòng yêu nước mang yếu tố lãng mạn mà giai đoạn trước 1944 phần lớn công sức ông đặt vào các bản tình ca.  

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từ độ đi sâu vào lĩnh vực âm nhạc, không những tham gia viết được một số nhạc phẩm bạn bè khen ngợi, ông còn thật hữu ích cho Hội Nhạc sĩ khi viết lịch sử âm nhạc mà khó có nhạc sĩ nào chịu bỏ công sức như ông trong lĩnh vực này! Ông đọc bản tham luận công phu về lịch sử, môi trường và quá trình sáng tạo của cố nhạc sĩ Văn Cao. 

Ông Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923, tại Hải Phòng. Quê quán thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Thuở nhỏ, học ở TP. Hải Phòng, qua bậc tiểu học rồi trung học, sau đó lên Hà Nội học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Về nhạc, ông tự học và sớm trở thành nổi tiếng, 16 tuổi đã có Buồn tàn thu... Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia cả bằng hoạt động thực tế như trừ gian và làm báo, viết báo, vừa làm báo vừa sáng tác thơ, nhạc...        

Gia đình nhạc sĩ Văn Cao có mặt bà Băng - phu nhân nhạc sĩ, sức khỏe của bà xem ra đến được với lễ kỷ niệm đã là một cố gắng. Hai người con trai đã phần nào đi tiếp con đường của bố, tương đối rõ nét là thơ và họa. Nhà thơ Văn Thao - trưởng nam thay mặt gia đình cảm ơn những lão nghệ sĩ còn đến được buổi lễ này, cảm ơn thế hệ tiếp nối đang giữ những trọng trách của 3 hội cùng những người đến dự. Nhà thơ Nghiêm Bằng khiêm tốn từ bước đi đầu tiên qua tên hai tập thơ Hạt (1992) và Nụ (1996), nay tóc đã hoa râm. Cử tọa, từng nhóm nhỏ có bình luận riêng, kính trọng và nhớ tiếc một thiên tài nhạc và thơ đều ở mức thượng thừa, sau âm nhạc Văn Cao là thơ Văn Cao. Tác phẩm thơ của ông in không nhiều: Những người trên cửa biển (trường ca,1956), (1988), Tuyển tập Văn Cao (1994), Thơ Văn Cao (2013)... Nhiều người nhớ lại và tấm tắc khen bài thơ Chiếc xe xác đi qua phường Dạ lạc mang một sắc thái đặc biệt cả về nội dung lẫn cách biểu hiện, Những người trên cửa biển lại là một sáng tạo cách khác... Thơ Văn Cao cũng như nhạc Văn Cao không bao giờ cũ bởi những cách thể hiện rất riêng của một tài năng lớn!                           

  Phương Nguyên
Với Văn Cao
 
Đỗ Chu

Sẻ xù lông xúm xít đậu bên nhau

làm lá cho cây cơm nguội tả tơi cành cao cành thấp

và lá nguyện làm chim

trong rét mướt mưa dầm chấp chới lượn nghiêng

mong manh rơi vào quên lãng

Chiều vắng như chẳng còn muốn nhớ

thư viện nghèo thị xã

lặng lẽ mở Văn Cao

những lời nhắn buồn đắng ruột

có lúc đi giữa rừng sâu một mình không sợ cọp

có đêm rùng mình nằm nghe tiếng chân người

bước nhẹ ngoài hiên

Thằng bé tôi mười hai tuổi

hẹn một ngày làm thơ

để hát Trường ca Sông Lô

và để khóc

cùng ông bâng quơ hỏi

ai biết Hải Phòng là đâu

sinh ra tôi đã có Hải Phòng

đầu nhà mới trồng cây mận...

Địa chỉ thời gian mù mờ

nỗi nhớ hoài thai

kiếp chúng sinh sông Lấp cầu Rào

biết bao giờ tìm trả về ông cây mệnh ấy

Mảng tường tối quạnh hiu

ông gửi lại

bức chân dung bà vợ héo gầy

áo bạc màu mận chín

góc buồng đặt cây dương cầm

bức vẽ chàng trai vùng núi Bắc Sơn ôm khèn lên hội

ngời ngợi ngây thơ dắt theo chú ngựa tơ

Nhạt nhòa tháng năm

đất trời tháng năm ngạt ngào hoa mận nở

Tháng 8/2012


Ý kiến của bạn