Hà Nội

Kỷ niệm 89 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2019) Tuổi mẹ - tuổi đồng

20-10-2019 11:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không biết giữa mẹ và cánh đồng có sợi dây bí ẩn tâm linh nào đó mà tuổi mẹ lại gắn bó với tuổi đồng đến thế.

Tuổi mẹ là nói về thời gian nhưng không chỉ là tháng ngày, tuổi tác mà còn chứa đựng bao nỗi niềm thân phận, không chỉ đo bằng ngấn đốt thời gian như cây cau, cây mía mà còn xoắn vào trong thớ gỗ những đường tròn vân gỗ ôm bao bão lũ, gió mưa đã “điểm chỉ”, xuống căn cốt của bản “hộ chiếu” được dệt bằng cánh đồng của mẹ đan xen, xâu nối mũi chỉ đường kim như lớp lớp cỏ may trên vòng đê, vồng ngực của làng quê của văn minh lúa nước. Tuổi đồng không chỉ được tính bằng mùa cày, mùa cấy, mùa gặt mà còn là không gian bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Là khi: “Lúa gặt rồi  rơm rạ bó vào nhau” (thơ Nguyễn Minh Khiêm). Tuổi đồng còn là tuổi của ký ức miên man từ ngọn khói  đốt đồng hun chuột, đến ngọn khói thơm mùi cơm gạo mới. Tuổi đồng bao biến đổi từ những chân rạ chíu chít  đến xanh rì những thảm mạ tươi. Lúa qua thì con gái, qua thì căng mọng làm đòng ứa sữa. Và khi ngọn lúa còng lưng cúi xuống là lúc hạt thóc cộm căng vỏ trấu xì xù ôm trọn hạt gạo tròn đầy... Ôi, mẹ tôi có lúc nào yên ả, thanh thản đâu. Con đường từ cánh đồng về nhà là ngắn nhất. Con đường từ nhà ra cánh đồng là dài nhất bởi mở ra bao mênh mông, mở ra bao ước hẹn...

Trong tuổi mẹ tôi có tuổi của cánh đồng, trong tuổi cánh đồng mang theo bao tuổi mẹ...  (NNP)

Trong tuổi mẹ tôi có tuổi của cánh đồng, trong tuổi cánh đồng mang theo bao tuổi mẹ...  (NNP)

Tuổi mẹ không chỉ là tuổi đồng mà còn ghi dấu ấn tuổi chợ, tuổi chùa, tuổi cây đa mái đình, tuổi của giếng làng ao chuôm. Cả đời mẹ con đường đi bắt đầu từ nhà ra đồng, từ đồng  đến chợ, từ chợ lên chùa. Từ ồn ào đến tĩnh lặng, từ yên tĩnh đến ồn ào, tạo ra bao cung bậc thăng giáng buồn vui trong lòng mẹ. Mẹ mang sản phẩm làm ra từ cánh đồng để ra chợ bán mua. Bán thì bán cái tất bật nhọc nhằn, mua thì mua cái rộn ràng chào hỏi. Rồi mẹ đội thúng lên chùa vẫn áo nâu sồng như màu phù sa bùn đất. Mẹ đội cả bao quà chợ quê từ quả hồng mọng chín đến sum xuê nải chuối. Rồi bó hoa huệ, hoa cúc để dâng tặng phẩm đồng quê lên chùa, lên chốn tâm linh thâm nghiêm để mở ra bao ước vọng. Tay mẹ lần tràng hạt hay lần những tháng ngày đắp  đổi lần theo những tròn trĩnh  luân hồi như lần theo những bước đồng bước ruộng thập thững đêm hàn chập chờn trong đuốc lửa. Tiếng mõ gõ bài kinh  kệ của mẹ mà âm thanh cứ đều đều như rì rào tiếng lúa, như gió đồng miết xanh, như tiếng gàu múc nước chênh chao tát cả mùa nắng  gắt. Mẹ cứ bền bỉ, cứ âm thầm mà chăm, mà bón để tháng ngày cả bầu bí trong vườn cũng mang dáng mẹ khi mà: “Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên - Mà những bí những bầu thì lớn xuống - Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn - Nhỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi” (Thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Ôi, mẹ tôi tuổi càng mỏng đi rụng theo thưa thớt như sợi tóc sương ngược gió bời bời, như ngọn lửa rơm bùng lên rồi lịm tắt. Bóng mẹ in lên bức vách của tường, bức vách của cánh đồng. Bóng mẹ càng ngày càng gầy càng nhỏ lại thì cánh đồng lại càng mở ra, rộng ra theo tầm mắt. Trong tuổi mẹ tôi có tuổi của cánh đồng, trong tuổi cánh đồng mang theo bao tuổi mẹ...


Nguyễn Ngọc Phú
Ý kiến của bạn