Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công: Sống mãi dòng nhạc đỏ

18-08-2017 15:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhạc đỏ (còn được biết đến là nhạc cách mạng) ở nước ta vẫn có được sức sống mãnh liệt dù chịu sự tác động của thời buổi giải trí, âm nhạc bùng nổ như hiện nay.

Trong những thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước, nhiều ca khúc nhạc đỏ đã cổ vũ, động viên quân và dân ta có thêm sức mạnh để đánh đuổi kẻ thù. Mừng hơn nữa, dù nhiều ca khúc nhạc đỏ ra đời cách đây nhiều thập kỷ nhưng vẫn được các ca sĩ trẻ, công chúng thời nay yêu mến.

Đỉnh cao của nhạc đỏ

Theo các nhạc sĩ gạo cội, nhạc đỏ chính là những bài hát sáng tác ở Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập. Các ca khúc nhạc đỏ thường để cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ kháng chiến, khuyến khích tình yêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, và những bài hát trữ tình cách mạng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao động, xây dựng, tinh thần lạc quan, yêu đời, cống hiến và có tính cộng đồng.

Khác với các dòng nhạc thường khai thác tình yêu cá nhân, nhạc đỏ không có tình yêu cá nhân tách rời xã hội. Tình yêu cá nhân trong nhạc đỏ phải gắn với tình yêu quê hương, đất nước, cộng đồng, thậm chí mở lòng ra cả nhân loại, gắn với chiến đấu, lao động, học tập và chỉ có tình yêu chung thủy, đợi chờ, tình cảm không bị chi phối bởi vật chất, không có thất tình, cô đơn, yếu đuối. Các ca khúc nhạc đỏ thường rất chặt chẽ về tư tưởng. Nhạc đỏ ở nước ta được chia theo các giai đoạn và gắn với tiến trình lịch sử. Trong đó, từ trước 1945 đến khi đất nước hoàn toàn độc lập, nhạc đỏ phát triển mạnh mẽ và có nhiều nhạc phẩm đỉnh cao ra đời.

Chỉ tính riêng giai đoạn 1945 trước, trong và sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công tới năm 1954, nhạc đỏ phát triển mạnh mẽ và có nhiều nhạc phẩm đỉnh cao, đồng bào cả nước biết đến như Thanh niên Việt Nam, Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy; nhạc sĩ Đỗ Nhuận có Du kích sông Thao, Áo mùa đông, Nhớ chiến khu. Cũng trong thời kỳ này, nhạc sĩ Hoàng Vân cho ra đời Hò kéo pháo, Văn Chung viết Quê tôi giải phóng, Lê Yên viết Bộ đội về làng, Nguyễn Đức Toàn có Quê em miền trung du... Đồng thời, nền âm nhạc xuất hiện hàng loạt ca khúc đến nay vẫn được người dân thuộc nằm lòng như Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Lên ngàn (Hoàng Việt), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí), Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội (Văn Cao)...Trong dòng nhạc đỏ, nhiều nhạc sĩ ở nước ta đã khẳng định được tên tuổi thông qua những sáng tác, trong đó phải kể đến các “cây đại thụ” như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phạm Tuyên, Huy Du, Hoàng Việt, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn, Phạm Minh Tuấn, Văn Chung, Xuân Hồng, Thuận Yến, Trần Hoàn, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Thương,... Khi các ca khúc nhạc đỏ vang lên thì tất cả người nghe được sống trong một không gian âm nhạc với nhiều cảm xúc thiêng liêng, dạt dào tình yêu Tổ quốc và sáng ngời niềm tin, tự hào dân tộc...Tam ca nhạc đỏ ở nước ta hiện nay (từ trái qua: ca sĩ Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn).

Tam ca nhạc đỏ ở nước ta hiện nay (từ trái qua: ca sĩ Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn).

Và thế hệ trẻ vẫn đam mê tiếp nối

Thực tế cho thấy, nhạc đỏ đã đóng một vai trò và có ý nghĩa lớn đối với đời sống tinh thần người Việt trong nhiều chục năm qua, kể từ khi các tác phẩm xuất hiện. Tuy nhiên, khi xã hội không ngừng phát triển, các loại hình âm nhạc và giải trí thời đại mới bùng nổ như hiện nay ít nhiều ảnh hưởng đến việc tiếp nối, nâng tầm và lan tỏa dòng nhạc này với công chúng. Nhưng đáng mừng, nền âm nhạc hiện nay vẫn có nhiều ca sĩ trẻ dấn thân và tìm đến nhạc đỏ để khẳng định tài năng, tạo bản sắc riêng cũng như đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Đứng cùng nhau trên sân khấu cách đây gần 20 năm, ca sĩ Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn đã gây ấn tượng mạnh với người yêu nhạc khi trình bày ca khúc nhạc đỏ nổi tiếng Việt Nam trên đường chúng ta đi của nhạc sĩ Huy Du. Và cũng từ đây, “tam ca nhạc đỏ” trở thành một nhóm hát không thể thay thế. Những phần thể hiện của “tam ca nhạc đỏ” giúp cho các ca khúc nhạc đỏ mãi ấm nóng, làm khán giả trào dâng nỗi nhớ, đong đầy trong ký ức với bất kỳ ai đã hoặc chưa từng đi qua những năm tháng đau thương khói lửa.

Ngoài ra, nhiều ca sĩ trẻ ở nước ta thời gian qua vốn được biết đến với dòng nhạc hiện đại, sôi động, trữ tình như Mỹ Tâm, Cẩm Ly, Đoan Trang, Đức Tuấn... cũng đã có nhiều lần hát nhạc đỏ thành công, ấn tượng. Với việc không ngừng được kế thừa, tiếp biến... từ các nghệ sĩ trẻ kể trên, công chúng tin rằng nhạc đỏ sẽ luôn đồng hành, sống mãi với công chúng yêu nhạc các thế hệ hôm nay và mai sau!


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn