Tiểu đoàn 59 – thuộc Trung đoàn 803, là đơn vị chủ lực cơ động, được thành lập tháng 6 năm 1950 tại Tam Kỳ - Quảng Nam để thực hiện phương châm do Bộ Tổng tham mưu đề ra: “Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung”, cơ động chiến đấu tại chiến trường miền Trung và Tây Nguyên. Tiểu đoàn 59 được huấn luyện lối đánh đặc công để có thể thọc sâu vào sau lưng địch, tiêu diệt những mục tiêu quân sự được xây dựng kiên cố, có trang bị hỏa lực mạnh…
Theo Đại tá Trương Công Vọng, cựu chiến binh Tiểu đoàn 59, sau khi chiến dịch Hè Thu 1952 tại Quảng Nam - Đà Nẵng kết thúc với những thắng lợi ở Điện Bàn, Kỳ Lam, Gò Nổi, Lệ Sơn, Đồn Nhất – Hải Vân Quan…vv, tháng 10/1952, Tiểu đoàn 59 về Hoài Nhơn - Bình Định huấn luyện.
Lúc này, quân dân Liên khu V phấn khởi thi đua tăng gia sản xuất, mùa vụ bội thu, khắp nơi nêu cao khẩu hiệu: “Thực túc binh cường, ăn no đánh thắng”, quyết tâm tập trung dồn sức người, sức của ra tiền tuyến. Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu V quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1952-1953.
Quãng thời gian cuối tháng 2/1953, được lệnh của Bộ Tư lệnh Liên khu V và Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 59 hành quân vào hoạt động ở Khánh Hòa, đánh ra Bắc Khánh rồi vô Đông Khánh, phía Tây Nha Trang. Đánh từ tháng 3 đến cuối tháng 5, tiêu diệt tháp canh Tân Phong và Nhĩ Sự ở Bắc Ninh Hòa, tiêu diệt trung tâm hành chính của địch ở Hội Bình.
“Lúc đó, chiến trường Bắc Khánh chỉ có Tiểu đoàn 59 là chủ lực quân, nhân dân tin yêu lắm nên trinh sát của Tiểu đoàn bám sát dân, đánh trận nào thắng trận đó”- Đại tá Vọng nhớ lại.
Trung tá Lữ Tấn Xa (còn gọi bằng tên Lữ Xa), một cựu chiến binh khác của Tiểu đoàn 59 cho biết: Lúc đó, với phương châm: “Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung”, cơ động chiến đấu ở từng mặt trận, từng khu vực, sau 3 năm hoạt động, Tiểu đoàn 59 đã đánh nhiều trận lớn, lập chiến công xuất sắc, mỗi khi kết thúc chiến dịch, lại về Hoài Nhơn (Bình Định) để huấn luyện chiến thuật, kĩ thuật và chỉnh huấn, chỉnh quân.
Ông Lê Vĩnh Đề, một cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 không giấu được sự xúc động khi nhớ lại những ngày tháng hào hùng cách đây 7 thập niên: "Tháng 9 năm 1945, tôi tham gia nhập ngũ, ở Đại đội độc lập của Quảng Nam – Đà Nẵng, tham gia nhiều trận đánh. Đến năm 1950, Bộ Tư lệnh Liên khu yêu cầu thành lập một đơn vị chủ lực cơ động, huấn luyện lối đánh đặc biệt để có thể thọc sâu vào sau lưng địch, tiêu diệt những mục tiêu được xây dựng kiên cố, có hỏa lực mạnh. Tôi được điều về Tiểu đoàn 59, đúng ngày thành lập đơn vị.
Là người duy nhất ở đơn vị có bằng Primaire, nói được tiếng Pháp, biết xem bản đồ, sử dụng bộ đàm nên tôi được giao làm Trợ lý tác chiến cho đồng chí Nguyễn Lựu – Tiểu đoàn trưởng. Ngày đó, chúng tôi mới ngoài 20 tuổi, nhưng tuân thủ kỷ luật chiến trường, mệnh lệnh người chỉ huy và tuyệt đối trung thành với tổ chức, ai biết công việc của người đó” - ông Đề nói.
Theo hồi tưởng của ông Lê Vĩnh Đề, những tháp canh ở Khánh Hòa, khác với ở Quảng Nam – Đà Nẵng ở chỗ: Giặc bắt dân ngủ ở đồn, bốt, lô cốt để làm lá chắn nên bộ đội gặp nhiều khó khăn khi tấn công mục tiêu. Nhưng sau đó, đợi đêm xuống, người dân đã ám hiệu cho trinh sát của ta vào đánh, phá tan đồn, bốt, tháp canh của giặc.
Sau khi đánh xong đồn bốt, cán bộ chỉ huy vào tuyên truyền cho đồng bào, cả lính hương dõng về đường lối kháng chiến của Cụ Hồ, dặn dò đồng bào, không nộp lúa, không đi lính cho Pháp.
“Nhân dân một lòng tin tưởng, khí thế cách mạng lên cao, du kích được tiếp sức, tiếp lực, lớn mạnh dần lại. Nhân dân Khánh Hòa vì lẽ đó, rất quý bộ đội chủ lực, họ đã cho chúng tôi rất nhiều lương thực, cả vũ khí họ lấy được của giặc cũng đem tặng bộ đội” - ông Đề cho biết.
Theo lời kể của những cựu binh Tiểu đoàn 59 mà chúng tôi được gặp, ngày mới thành lập, Tiểu đoàn 59 chỉ có đồng chí Nguyễn Lựu là chỉ huy, sang đến cuối năm 1951, có thêm đồng chí Phạm Đạo, sau đó, đầu năm 1952 có thêm Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Anh.
“Đơn vị của chúng tôi, có lối đánh đặc công, kín đáo, bí mật là do ảnh hưởng nhiều từ tính cách của Thủ trưởng. Chúng tôi ít nói về mình, đánh xong là thôi, im lặng không khoa trương để đảm bảo bí mật”- ông Đề nhớ khá chi tiết khi kể về Tiểu đoàn của mình.
Nhớ về vị Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, ông Đề kể: Thủ trưởng của ông hành quân đi đánh giặc, có túi xà cột đeo chéo, đựng cơm vắt và đồ tư trang. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đánh diệt viện ở đường số 7, đi Cheo Reo. Lúc đó có cả một đoàn xe thiết giáp hành quân, lính bộ binh đi hai bên, ta phục kích tại đó để chờ giặc đến. “Đợi đoàn xe đi vào trận nội, Thủ trưởng Lựu rút súng ngắn đứng thẳng bắn ba phát đạn vào tốp đi sau cùng, đó cũng là hiệu lệnh để Đại đội tôi nã hỏa lực vào giữa đoàn xe. Trận đó, nhờ hiệu lệnh kịp thời nên chúng tôi đã tiêu diệt hơn mười xe cơ giới, một trung đội bộ binh, thu nhiều vũ khí”- ông Đề nhớ lại.
Theo Đại tá Trương Công Vọng, khi về Khánh Hòa, Tiểu đoàn 59 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, khi đó ông đã 40 tuổi, dày dạn kinh nghiệm trận mạc; đồng thời, chỉ huy Trung đoàn 803 phụ trách Tiểu đoàn là Trung đoàn phó Hà Vi Tùng đã từng chiến đấu nhiều năm ở Khánh Hòa - thông thạo địa hình và nắm bắt rõ tình hình cơ sở. Hai vị chỉ huy lừng lẫy này đã làm kẻ thù khiếp sợ, bởi tiếng kèn xung trận của Tiểu đoàn 59 vang lên ở trận nào thì kẻ thù sẽ thua đau ở trận đó.
“Lúc bấy giờ, tôi là Đại đội phó nên có lúc theo Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đi họp chỉ huy, ông Lựu thường mặc bộ đồ bà ba đen, cổ đeo miếng vải đỏ. Sau này anh em đều theo ông, đeo khăn đỏ, quyết tử chiến. Đó cũng là một hình ảnh suốt đời tôi không quên về vị thủ trưởng của mình”- Đại tá Vọng xúc động nói.
Theo các cựu binh của Tiểu đoàn 59, mỗi khi ra trận, mấy ai nghĩ ngày về nên mỗi người thường kiếm cho mình miếng vải đỏ, cảm tử quân, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Có thể nói rằng, Tiểu đoàn 59, đặc biệt là chân dung vị Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu có một sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ, mỗi một chiến công của Tiểu đoàn mà dấu vết còn lưu lại trên khắp dải đất miền Trung và Tây Nguyên luôn chứa đựng những sự thật lịch sử về sức mạnh của lòng yêu Tổ quốc ở những người nông dân áo vải mấy chục năm về trước – chính họ, với trí tuệ, lòng dũng cảm, ý chí kiên định đã làm nên chân dung của người lính – anh Bộ đội Cụ Hồ của Khu V anh hùng.