Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Xác định danh tính liệt sĩ, góp phần làm dịu nỗi đau chiến tranh

27-07-2016 15:09 | Thời sự
google news

SKĐS - 40 năm sau chiến tranh, chúng ta đang sống trong hòa bình hạnh phúc, đất nước đã trọn niềm vui, nhưng hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh để có được đất nước thái bình như ngày hôm nay.

“40 năm sau chiến tranh, chúng ta đang sống trong hòa bình hạnh phúc, đất nước đã trọn niềm vui, nhưng hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh để có được đất nước thái bình như ngày hôm nay. Hàng chục ngàn liệt sĩ vẫn chưa xác định danh tính, đang để lại nỗi khắc khoải trong lòng những người thân và mỗi chúng ta, đòi hỏi cần phải có trách nhiệm, nỗ lực hơn nữa để đáp lại sự hy sinh to lớn đó”. Đó là điều mà Trung tướng Lê Văn Hân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay là Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam (Hội HTGĐLS Việt Nam) luôn trăn trở khi trò chuyện với phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống nhân dịp Kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Trung tướng Lê Văn Hân.

PV: Thưa Trung tướng, điều gì thúc giục Hội HTGĐLS Việt Nam thành lập?

Trung tướng Lê Văn Hân: Chúng ta đều biết rằng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh, đất nước trọn niềm vui nhưng trong mỗi gia đình đó chưa phải đã trọn niềm vui. Trên 556.000 gia đình liệt sĩ, họ đang trăn trở, khắc khoải, đang chờ đợi Đảng, Nhà nước và cả xã hội chúng ta phải trả lời rằng người thân của họ, người chồng, người cha, người con, người em của họ hy sinh đang ở đâu? Đây là nỗi trăn trở mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu suốt 70 năm nay. Dù vậy, chúng ta hiện nay đã nỗ lực, cố gắng để tri ân, đền đáp lại sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Chúng ta vẫn còn nợ một cái nợ rất thiêng liêng mà chưa trả lời được cho các gia đình liệt sĩ một cách cụ thể là hiện nay còn đến 30 vạn hài cốt liệt sĩ, đã quy tập vào nghĩa trang mà chưa có tên; khoảng 20 vạn hài cốt liệt sĩ đang còn nằm rải rác tại các chiến trường trong và ngoài nước như Lào và Campuchia chưa tìm được. Điều trăn trở này đã thúc giục chúng tôi để hình thành nên Hội HTGĐLS Việt Nam ra đời từ năm 2010.

PV: Được biết Hội HTGĐLS Việt Nam là tổ chức xã hội, các thành viên tự nguyện tham gia. Vậy từ khi ra đời đến nay hội đã làm được những gì để hỗ trợ các thân nhân, gia đình liệt sĩ làm xoa dịu nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại?

Trung tướng Lê Văn Hân: Hội HTGĐLS Việt Nam ra đời đáp ứng sự mong mỏi của hàng chục vạn gia đình liệt sĩ, của toàn dân và của toàn xã hội. Hội ra đời để chung vai gánh vác cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chăm lo cho các gia đình liệt sĩ. Vì vậy, tôn chỉ mục đích hoạt động của hội là tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ...Sau gần 6 năm hoạt động, kể từ khi thành lập, hội đã tập trung về vấn đề chủ yếu giúp gia đình liệt sĩ tiếp cận với các chính sách mới của Đảng, Nhà nước; thu nhập thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó chú trọng thông tin về liệt sĩ từ các gia đình liệt sĩ, các Ban liên lạc Cựu chiến binh, đồng đội cùng chiến đấu và nhân dân địa phương nơi xảy ra chiến sự. Qua đó phân tích, đối chiếu để cung cấp, tư vấn và hướng dẫn cho hàng nghìn gia đình đi tìm mộ liệt sĩ. Ngay từ năm 2011, Hội đã phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y Quân đội, Viện Pháp y Quốc gia để tiến hành giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ (bằng nguồn xã hội hóa). Được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ, năm 2013, Hội phối hợp với Cục Người có công và một số cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu sinh phẩm trên 1.000 thân nhân liệt sĩ ở 36 tỉnh, thành phố trong cả nước để giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ, Cục Người có công đã tổ chức 3 đợt trao kết quả giám định đúng tới hàng trăm gia đình liệt sĩ. Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ theo nhóm mộ liệt sĩ để giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Đến nay, Hội đã tiếp nhận và giám định hơn 500 trường hợp đạt kết quả 76%, tổ chức 29 đợt trao kết quả giám định đúng cho gia đình liệt sĩ.

PV: Hội HTGĐLS Việt Nam sẽ làm gì để góp phần kết nối các phương thức, các tổ chức để đẩy nhanh công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ?

Trung tướng Lê Văn Hân: Là một tổ chức xã hội, bằng các kết quả hoạt động trong 6 năm qua, hội đã thật sự là cầu nối giữa gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ với Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Quán triệt Chỉ thị số 09/CT-TW ngày 14/2/1996 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia tìm kiếm, phát hiện các phần mộ của liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc...”. Trong Chỉ thị 24/CT-TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “...Vận động các tổ chức, cá nhân và kiều bào ta ở nước ngoài cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, hỗ trợ và phối hợp tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Theo đó, hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội tham gia có hiệu quả Đề án 150 và Đề án 1237 của Chính phủ, góp phần làm dịu nỗi đau mất mát do chiến tranh để lại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Trần Lâm (thực hiện)
Ý kiến của bạn