Kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2015): “Người yêu Hà Nội bền bỉ và lặng lẽ...”

09-10-2015 11:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đó là nhận định của giáo sư sử học Phan Huy Lê về nhà nghiên cứu Giang Quân tại Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đó là nhận định của giáo sư sử học Phan Huy Lê về nhà nghiên cứu Giang Quân tại Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội. 89 tuổi, nhà nghiên cứu Giang Quân - “Cuốn từ điển sống về Hà Nội” được Hội đồng Giám khảo giải thưởng trên vinh danh ở hạng mục quan trọng nhất: “Giải thưởng Lớn”.

Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2015 nhận xét: “Nhà nghiên cứu Giang Quân là một cuốn từ điển sống về Hà Nội”. Tuy sinh ra ở Hải Dương nhưng nhà nghiên cứu Giang Quân đã đến với Thủ đô từ những năm 50 của thế kỷ trước, gắn bó với Hà Nội đến tận bây giờ. Và cũng từ khi đặt chân đến Hà Nội, nhà nghiên cứu Giang Quân tập trung viết về vùng đất này bởi ông đã “phải lòng văn hóa Hà Nội”.

Kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2015): “Người yêu Hà Nội bền bỉ và lặng lẽ...”

Nhà nghiên cứu Giang Quân nhận “Giải thưởng Lớn” Vì tình yêu Hà Nội năm 2015.

Nhà nghiên cứu Giang Quân từng làm thơ, viết kịch và đã có nhiều tác phẩm đăng báo khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau này, ông về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội nên có điều kiện đi, gặp gỡ những con người, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Hà Nội. Tính đến nay, nhà nghiên cứu Giang Quân đã viết hơn 30 cuốn sách chuyên khảo về Hà Nội cùng hàng ngàn bài báo về đất và người Thăng Long. Những tác phẩm của ông đều có giá trị đặc biệt, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao, đón nhận. Nổi bật trong số đó là cuốn Từ điển đường phố Hà Nội xuất bản năm 2009 và tới đây, cuốn sách này sẽ được tái bản lần thứ 8.

Chỉ cần cầm Từ điển đường phố Hà Nội của nhà nghiên cứu Giang Quân trên tay, lật từng trang sách, bạn đọc trong và ngoài nước dễ dàng cảm nhận đầy đủ thông tin về Hà Nội gồm các đường, phố, ngõ, ngách một cách chi tiết, tỉ mỉ và được trình bày rất khoa học. Bởi thế, cuốn sách cho đến nay được xem như khối tư liệu vô giá của nhiều người để tìm hiểu lịch sử, địa lý Hà Nội; đồng thời là tài liệu quý để nghiên cứu quản lý, quy hoạch đô thị và phát triển thành phố Hà Nội nói riêng, các thành phố lớn ở nước ta nói chung. Cuốn sách đặc biệt về Hà Nội ấy cho thấy sự tâm huyết của tác giả đối với Thủ đô ngàn năm văn vật.

Ngoài Từ điển đường phố Hà Nội, nhà nghiên cứu Giang Quân còn có nhiều tác phẩm khác về mảnh đất Thủ đô được công chúng đón nhận, yêu mến: Thủ đô Hà Nội, Trò chơi trò diễn dân gian vùng Hà Nội; Hà Nội phố phường; Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ; Văn hóa gia đình người Hà Nội... Trong số này, cuốn Thủ đô Hà Nội ra đời dịp Hà Nội kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng (năm 1984) được đánh giá là cuốn “cẩm nang” đầu tiên về Hà Nội khi tác giả đề cập đến yếu tố địa chí như sông suối, đường thủy, đường bộ, chợ... cho đến yếu tố văn hóa là nghề truyền thống, những đặc sản của Thủ đô Hà Nội. Sau này, cuốn sách đã được ông bổ sung thông tin, chi tiết để phù hợp với những đổi thay của Hà Nội.

Dường như mỗi cuốn sách của nhà nghiên cứu Giang Quân khi hoàn thành và ra mắt công chúng đều như một cuốn “từ điển” về Hà Nội. Ngoài những cuốn sách đặc sắc trên, nhà nghiên cứu Giang Quân còn có Ký sự địa chí Hà Nội - cuốn sách được ông viết khi Hà Nội chưa mở rộng. Ở đó, mỗi trang sách cho độc giả thấy các quận, huyện của Hà Nội trước đây là một chương đã và đang tồn tại những vốn cổ dân gian, ca dao, di tích, nhân vật nổi tiếng... Những cuốn sách của nhà nghiên cứu Giang Quân, ngoài nội dung cuốn sách truyền tải, công chúng còn nhận thấy sự dày công nghiên cứu, tâm huyết với công việc của ông theo từng con chữ. Bởi lẽ, hầu hết những sản phẩm sáng tạo trí óc của nhà nghiên cứu Giang Quân là quá trình ông lặn lội, điền dã đến tận các địa danh, vùng đất để khảo sát một cách tỉ mỉ để có đầy đủ tư liệu, số liệu đảm bảo tính chính xác.

Bước sang tuổi xưa nay hiếm, thời gian qua có một số lần gặp tai biến và phải nằm trên giường bệnh, tuy nhiên nhà nghiên cứu Giang Quân vẫn ấp ủ những việc làm, bền bỉ dành trọn tình yêu cho Hà Nội - mảnh đất dường như ông đã gắn bó cả cuộc đời. Trong dịp nhận “Giải thưởng Lớn” Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vừa qua, nhà nghiên cứu Giang Quân hào sảng cho biết, ông sắp “trình làng” cuốn sách viết về phong tục, tập quán lễ hội vùng Hà Nội. Những chia sẻ của ông khiến công chúng rất bất ngờ lẫn nể phục, bởi không ai dám nghĩ ở tuổi 89, nhà nghiên cứu Giang Quân, qua một số lần bạo bệnh nay liệt nửa người còn sắp xếp được thời gian, dành tâm sức để nghiên cứu và viết sách.

Thực tế cho thấy bệnh tật có thể khiến nhà nghiên cứu Giang Quân phải ngồi trên xe lăn như hôm nay, chịu những cơn đau về thể xác nhưng tình yêu của ông đối với Hà Nội vẫn không ngừng nghỉ, như ông đã nói: “Tôi phải lòng văn hóa Kẻ Chợ, si mê văn hiến Thăng Long từ ngày đó” (1950 - PV). Trong mỗi tác phẩm, công trình của nhà nghiên cứu Giang Quân, công chúng nhận thấy ông yêu Hà Nội một cách thắm thiết và ông luôn xem những đóng góp, việc làm cho Hà Nội là một niềm hạnh phúc không gì sánh nổi. Với ông, những địa danh Hà Nội đến nay đều trở nên thân thương và gần gũi thì khi còn có thể làm điều gì đó tốt đẹp cho Hà Nội, ông luôn sẵn sàng vì đó là niềm đam mê, hạnh phúc. Bởi thế, giáo sư sử học Phan Huy Lê cho rằng: “Cả một đời người, ông đã viết sách và có hàng ngàn bài viết gắn với Thủ đô, nhà nghiên cứu Giang Quân là người yêu Hà Nội bền bỉ và lặng lẽ!”.           

Nhà nghiên cứu Giang Quân tên thật là Nguyễn Hữu Thái, sinh năm 1927 tại Hải Dương. Đến nay, hơn 60 năm gắn bó với Hà Nội, ông đã có nhiều tác phẩm chuyên khảo về đất và người Hà Nội có hàm lượng giá trị và là gương mặt gần gũi, thân quen với giới hoạt động văn hóa văn nghệ ở Hà Nội. Năm 2011, với những tác phẩm xuất sắc về Hà Nội, ông được thành phố Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”.

  Huy Ngọc

 

 


Ý kiến của bạn