Hà Nội

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh GS. Nguyễn Xuân Nguyên (21/1/1907 - 21/1/2017): GS. Nguyễn Xuân Nguyên, người thầy của ngành mắt Việt Nam

23-01-2017 09:04 | Xã hội
google news

SKĐS - GS. Nguyễn Xuân Nguyên - người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc ngành mắt Việt Nam đã có công xây dựng và phát triển ngành mắt Việt Nam.

GS. Nguyễn Xuân Nguyên - người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc ngành mắt Việt Nam đã có công xây dựng và phát triển ngành mắt Việt Nam. Giáo sư là người thầy thuốc tận tụy, một nhà giáo mẫu mực, đức độ, một nhà hoạt động xã hội tích cực.

Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên sinh năm 1907 tại quê hương Thanh Hoá, trong một gia đình nhà nho, cụ thân sinh Nguyễn Xuân Trị là một lương y giỏi. Ông là con trai trưởng trong một gia đình tám anh chị em, có năm người là thầy thuốc.

Tháng 7/1935, ông tốt nghiệp bác sĩ chuyên ngành mắt loại xuất sắc, được giao phụ trách một phòng khám mắt thuộc Viện Nhãn khoa Đông Dương (nhân dân gọi là Nhà thương chữa mắt Hàng Gà) được thành lập từ năm 1915. BS. Nguyễn Xuân Nguyên là người thông minh, có tài tổ chức và giỏi chuyên môn nên Giám đốc Nha y tế Bắc Kỳ đã bổ nhiệm ông làm quyền Giám đốc Viện trong 6 tháng khi ông 31 tuổi (năm 1938). Năm 1942, chính quyền Pháp bổ nhiệm BS. Nguyễn Xuân Nguyên là người Việt đầu tiên làm Giám đốc Viện này.GS. Nguyễn Xuân Nguyên.

GS. Nguyễn Xuân Nguyên.

Thời kỳ đó, vị giám đốc trẻ chứng kiến nhiều đồng bào bị bệnh đau mắt, khắp các vùng đều có người bị mù loà. Rất đông người đến chữa trị nhưng cơ sở vật chất, dụng cụ khám chữa bệnh của Viện quá thiếu thốn. Ông đã vận động sự ủng hộ tiền của từ các nhà hảo tâm ở Hà Nội và các gia đình người bệnh đã sáng  mắt sau khi được chữa khỏi. BS. Nguyên đã xây thêm được một dãy nhà 2 tầng, bệnh viện thu dung thêm bệnh nhân, số giường bệnh tăng từ 90 lên 120. Đấy là tấm gương đầu tiên của việc xã hội hóa ngành y tế. Ông đã sáng lập ra Hội Bảo trợ trẻ em mù lòa và xuất bản sách “Muốn cứu trẻ em mù thì phải làm thế nào” năm 1944 để phổ biến rộng rãi việc phòng bệnh này.

Nhà hoạt động xã hội xuất sắc

Cách mạng Tháng Tám thành công, BS. Nguyễn Xuân Nguyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm cử làm Giám đốc y tế miền Duyên hải kiêm Giám đốc Bệnh viện Hải Phòng. Tháng 5 năm 1946, ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính Hải Phòng. Năm 1950, ông được Bác Hồ bổ nhiệm làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III,  giảng viên Trường Y sĩ liên khu III. Cuối năm 1953, Trường Y sĩ chuyển lên Tuyên Quang sáp nhập với Trường đại học Y Dược khoa. Tại đồi Cây Sấu (ở Lang Quán), ẩn nấp dưới cây rừng cành lá xum xuê là một Khoa Mắt với 20 giường bệnh, 1 phòng mổ, 1 giảng đường nhỏ.

Từ 1955-1975, Giáo sư là Giám đốc Viện Mắt kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Mắt - Trường đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá II và khoá III.

Người thầy thuốc tận tụy

Năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, GS. Nguyễn Xuân Nguyên từ Trường đại học Y Dược khoa (Chiêm Hoá, Tuyên Quang), cùng các cán bộ về đến Hà Nội ngày 28/10/1954. Tiếp tục cương vị  Viện trưởng Viện Mắt, Giáo sư đã ổn định tổ chức bộ máy hành chính, chuyên môn để sớm khôi phục sự hoạt động của Viện. Với phương châm “đâu cần trí thức có” và trong bối cảnh lúc bấy giờ “một nghèo, ba mươi trắng” -  “một nghèo” là Viện Mắt nghèo với nhân lực chuyên môn chỉ có 4  bác sĩ chuyên khoa Mắt, với cơ sở vật chất còn thua kém một khoa Mắt của một bệnh viện tỉnh bây giờ; “ba mươi trắng” là 30 tỉnh thành phố miền Bắc còn trắng về cơ sở chữa mắt, Giáo sư đã lãnh đạo Viện Mắt và toàn ngành Mắt đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tại tất cả các bệnh viện tỉnh, 30 Khoa Mắt được thành lập, cán bộ được đào tạo có thể mổ được các bệnh khó mổ đến các đại phẫu. Đã thành lập 30 Trạm Mắt cấp tỉnh, nhiều y sĩ chuyên khoa Mắt tại các bệnh viện huyện đã tích cực chỉ đạo công tác phòng chống mắt hột, an toàn trong lao động công nghiệp, nông nghiệp và y tế học đường. Tại Viện Mắt Trung ương, bằng đức độ và tài năng, Giáo sư đã xây dựng Viện Mắt trở thành  một tập thể đoàn kết với đội ngũ giáo sư, bác sĩ, cán bộ giỏi và có chuyên môn cao với  các khu nhà cao tầng được xây dựng mới, nhiều chuyên khoa sâu được triển khai, đã hoạt động tốt và phục vụ hiệu quả cho công tác chữa bệnh, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hai  mươi năm dưới sự lãnh đạo của giáo sư, Viện Mắt và ngành Mắt đã giải quyết được bệnh mắt hột tiến tới chống mù lòa thành công.

Từ 1958 - 1975, GS. Nguyên đã công bố hơn 40 công trình nghiên cứu, điều tra, khảo sát cơ sở chủ yếu về bệnh mắt hột. Viện trưởng Nguyễn Xuân Nguyên đã xây dựng được chương trình chiến lược phòng chống bệnh mắt hột, phổ cập đến tận mạng lưới y tế xã, phường, nhà trường, mẫu giáo, khắp vùng nông thôn đến vùng cao, vùng sâu... Năm 1972, giáo sư đã kêu gọi ngành Mắt: “Hãy tiến lên, mổ nhiều, mổ tốt hơn nữa đục thể thủy tinh để mang lại ánh sáng và hạnh phúc cho nhân dân!”. Toàn ngành và nhân dân hưởng ứng tích cực, những “đội quân” mổ đục thể thủy tinh tới tuyến huyện, liên tục “tấn công” vào những “điểm nóng”, ở vùng xa, vùng nông thôn, mang lại ánh sáng cho hàng vạn người, góp phần giải phóng sức sản xuất cùng các lợi ích kinh tế cũng như ý nghĩa chính trị - văn hoá.Năm 1948, GS. Nguyễn Xuân Nguyên đã chữa khỏi bệnh cho anh Dương Trọng Thạc (19 tuổi, nhân viên Phủ Thủ tướng) sau khi anh bị mù 2 tháng. Sau khi khỏi bệnh, anh đã đọc - viết được. Ảnh: TTXVN

Năm 1948, GS. Nguyễn Xuân Nguyên đã chữa khỏi bệnh cho anh Dương Trọng Thạc (19 tuổi, nhân viên Phủ Thủ tướng) sau khi anh bị mù 2 tháng. Sau khi khỏi bệnh, anh đã đọc - viết được. Ảnh: TTXVN

Một nhà giáo mẫu mực

Trải qua hơn nửa thế kỷ, hàng trăm bác sĩ nhãn khoa khắp mọi miền Tổ quốc đã được đào tạo từ Viện Mắt (nay là Bệnh viện Mắt Trung ương), các thế hệ học trò vẫn nhớ mãi người “thầy của các thầy”. GS. Nguyễn Xuân Nguyên là một thầy giáo có phương pháp sư phạm tốt và dày dạn kinh nghiệm. Thầy rất tích cực và nhiệt tình đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành. Thầy thường lặn lội về tận các Đội mắt hột để xem anh em mổ quặm, về các đơn vị mổ đục thể thủy tinh rút kinh nghiệm để về tổ chức lớp tập huấn.

Trên mọi lĩnh vực, GS. Nguyên đều có sáng tạo và đi đầu. Ở đâu ông cũng chia sẻ những khó khăn của nhân dân trong tư cách vừa là người thầy thuốc “từ mẫu” vừa là “công bộc của dân”. Ông đi nhiều nơi, lặn lội với công tác ngành, với hoạt động phòng chống bệnh mắt hột...

Sau ngày thống nhất đất nước, ngày 19/9/1975, Giáo sư đi công tác miền Nam để xây dựng Trung tâm chữa mắt tại TP. Hồ Chí Minh.

GS. Nguyễn Xuân Nguyên lâm bệnh đột ngột, đã từ trần ngày 1/10/1975, thọ 69 tuổi.

Những đóng góp lớn lao của Giáo sư cho ngành mắt và Y tế Việt Nam đã được Nhà nước và nhân dân trân trọng ghi nhận. Năm 1996, Chủ tịch nước đã truy tặng cố GS. Nguyễn Xuân Nguyên Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật. Thủ đô Hà Nội đã vinh danh Giáo sư  bằng việc đặt tên phố Nguyễn Xuân Nguyên thuộc quận Bắc Từ Liêm.

Các đồng nghiệp, các học trò theo gương GS. Nguyễn Xuân Nguyên với triết lý sống cao đẹp: “Chân lý là đem hết sự hiểu biết, đem hết trí tuệ và sức lực của mình để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng. Yêu nước là yêu khoa học, yêu hoà bình và yêu chủ nghĩa xã hội. Đó là chân lý cao cả nhất, xán lạn nhất”.


Trần Giữu
Ý kiến của bạn