“Kỳ nhân” của làng Vũ Đại... ngày nay

24-01-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Bây giờ thì làng có tên chính thức rất đẹp, làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, tỉnh Hà Nam. Trước đây làng mang tên Ðại Hoàng

Bây giờ thì làng có tên chính thức rất đẹp, làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, tỉnh Hà Nam. Trước đây làng mang tên Ðại Hoàng, nhưng “làng Vũ Ðại ngày ấy” được nhiều người biết đến vì nó gắn đến tên bộ phim đình đám một thời, với mối tình “đôi lứa xứng đôi” Chí Phèo - Thị Nở. Mà phim ấy lại dựa theo những tác phẩm nổi tiếng Chí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn của cố nhà văn Nam Cao.

Nhà văn Từ Thiết Linh khổ luyện tập viết để sáng tác.

Dù là Vũ Đại, Đại Hoàng, hay Nhân Hậu, thì cái làng mang toàn họ Trần này có biết bao nhiêu chuyện lạ, xưa đã vậy và nay cũng vậy, thu hút khách phương xa đến lạ lùng tìm xem. Chỉ khác, chuyện lạ xưa do cố nhà văn Nam Cao, xuất phát từ cuộc sống quẩn quanh không lối thoát của người quê mình mà tưởng tượng, nhào nặn thêu dệt nên, hư hư thực thực lẫn lộn. Một Chí Phèo suốt ngày say, say khi thức, say cả lúc ngủ. Khi say thì rạch mặt, ăn vạ, đem cả làng Vũ Đại ra mà chửi. Thị Nở thì xấu tới mức “ma chê quỷ hờn”. Cụ Bá Kiến “đa mưu, túc kế”, biết “già nắn, rắn buông”, “nắm kẻ có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu”, loại trừ nhau, thỏa sức đè nén con em... Còn chuyện lạ ngày nay, được nhân dân tự hào tôn là “kỳ nhân”, do chính con người bình thường mà vĩ đại, tự thân vận động tạo nên bằng sự nỗ lực bản thân, vượt qua chính số phận bất hạnh của mình sáng tạo nên có thật 100%. Đó chính là đồng nghiệp của Nam Cao - Thầy lang,  nhà văn Trần Đức Mô, bút danh Từ Thiết Linh nức tiếng trong cả nước.

Ông Trần Đức Mô, nhà ở xóm 2, làng Vũ Đại. Hồi còn cắp sách đến trường, Bắc Lý quê hương ông có phong trào thi đua “ Tiếng trống Bắc Lý”, con chim đầu đàn của ngành giáo dục miền Bắc. Ông học sáng dạ, thông minh, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ông ôm ấp bao ước mơ, dự định, muốn được tiến thân trên con đường công danh bằng chính tài năng của mình. Nhưng đất nước còn chiến tranh, ông xếp bút nghiên, tạm cất ước mơ của mình, lên đường làm nghĩa vụ của người thanh niên 3 sẵn sàng: “Nước còn giặc, còn đi đánh giặc”. Đôi dép lốp của anh bộ đội tên lửa Trần Đức Mô đã in dấu trên mọi nẻo đường chiến tranh, để bảo vệ vùng trời Tổ quốc thân yêu.

Đất nước độc lập, thống nhất, trọn niềm vui. Ông rời quân ngũ, tiếp tục cắp sách đến giảng đường đại học. Sau khi ra trường, ông công tác tại Trường trung cấp Xây dựng Nam Định, tiếp đó là Công ty Công nghệ thực phẩm Hà Nam Ninh (cũ). Cuộc đời mỉm cười với ông. Ông có một gia đình hạnh phúc, vợ hiền, con ngoan, công việc thu nhập ổn định. Nhưng bỗng tai họa ập xuống, vào một buổi sáng chủ nhật định mệnh, ông đang đổ bê tông trên tầng thượng xây nhà giúp người bạn thương binh, đồng đội cùng quê thì dính phải đường điện cao thế hất ông ngã ngửa bất tỉnh nhân sự... Khi tỉnh dậy, ông thấy cả hai cánh tay bị cắt cụt gần đến nách, băng cuốn chặt phần còn lại. Bác sĩ cho biết, hai cánh tay ông bị điện giật, hoại tử hết, buộc phải cắt bỏ. Các cụ đã dạy: “Giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay”, mất đôi bàn tay lao động, ông tưởng như mất hết tất cả. Bóng đen cuộc đời phủ kín trước mắt ông. Nhiều lúc, thấy vợ con khổ vì mình, ông vô vọng, đã nghĩ đến cái chết để giải thoát cho mình và gia đình. Nhưng nhìn vợ dại, sức khỏe không tốt cùng đàn con thơ đang tuổi ăn, tuổi học, ông không đành nhắm mắt buông xuôi, khuất phục số phận. Ông tự bảo: Phải sống, sống có ích! Rồi cơ duyên đến với ông trong một lần có người bạn làm bác sĩ trên tỉnh đến thăm ông, biếu ông cuốn sách “Các bài thuốc chữa bệnh bằng Đông y”. Từ hôm đó, ông dùng chân lật từng trang sách để đọc. Mỗi ngày vài trang, tích tiểu thành đại. Đọc, nghĩ, nghiền ngẫm hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, ông “vỡ” ra nhiều điều. Ông mê, rồi theo ngành y từ lúc nào cũng không biết. Ông vùi đầu nghiên cứu các loại thuốc, phát minh công thức bào chế thuốc. Nhiều người bảo ông “gàn”, chưa lo được bản thân, còn lo chuyện bao đồng. Không nản lòng trước những lời đàm tiếu, ông kiên nhẫn mầy mò, tìm tòi, cuối năm 1986, ông chế thành công mẻ thuốc đầu tiên chữa cảm cúm, kiết lỵ, đau bụng đi ngoài... Tiếng lành đồn xa, nghe tin thuốc của ông lang Mô chữa bệnh có hiệu quả, rẻ tiền, nhiều người dân trong vùng tìm đến chữa bệnh. Ông bốc thuốc miễn phí cho người nghèo, người già cả neo đơn. Ông đến thăm bệnh tại nhà cho bệnh nhân bất kỳ sớm tối, nếu bệnh nhân yêu cầu. Hơn 20 năm chữa bệnh cho bà con trong và ngoài tỉnh, ông không thể nhớ hết tên những người ông đã giúp. Nhiều người nghèo tỉnh xa đến chữa bệnh, ông còn tặng họ cả tiền làm lộ phí đi đường, hộp sữa, bánh kẹo, hoa quả để họ bồi dưỡng. “Kỷ niệm nhớ nhất của tôi - ông Mô kể - là một lần chữa bệnh thoái hóa cột sống cho một bà cụ trên 80 tuổi. Sau đó một tuần, cụ đến thăm và tặng tôi một rổ khoai lang luộc nóng hổi. Cầm củ khoai cụ cho, tôi xúc động thưa với cụ, thế là cháu vẫn còn có ích cho đời”. Bà Trần Thị Lý, hàng xóm nhà ông Mô góp chuyện: “Tôi bị căn bệnh đau nhức xương khớp cả chục năm, nhưng chưa một lần đi chữa vì không có tiền. Ông Mô nghe tôi kể bệnh tình, ông bắt mạch, bốc cho tôi mấy thang thuốc về sắc uống, lại không lấy tiền. Hai tháng sau tôi khỏi bệnh, đi lại thoải mái, hết đau nhức. Nhiều lần tôi xin được trả ông tiền thuốc, ông đều cười và gạt đi”.

​Thầy lang Trần Đức Mô bằng đôi tay tàn tật làm thuốc chữa bệnh cứu người.

Đôi tay bị cụt đến tận khuỷu, ngoài cái nghề nhân đạo là bốc thuốc trị bệnh, cứu người. Người dân quê vùng đồng trũng, nước trong còn tự hào biết ông cần mẫn rèn luyện tinh thông một nghề nữa: viết văn, làm thơ, với bút danh Từ Thiết Linh. Ông viết văn, làm thơ để gửi gắm niềm tâm sự của riêng mình, nhắc nhở động viên mình phải “Sống để dạy bảo các con/ Để mà quy tụ trông nom gia đình/ Chăm cho con lớn, con xinh/ Để đời đỡ phải bất bình đắng cay”.

Cái khó của ông Mô - nhà văn Từ Thiết Linh là cầm bút thế nào khi hai bàn tay không còn. Ông Mô chia sẻ: “Thời gian đầu vất vả lắm. Mấy tháng liền, chỉ có việc tập cầm bút bằng hai cùi tay sao cho không rơi bút đã đổ biết bao mô hôi, nước mắt. Khổ luyện rồi cũng thành, mãi rồi cũng điều khiển được nét bút theo ý mình”. Vợ ông, bà Trần Thị Nguyệt rơm rớm nước mắt, nói về chồng mình: “Nhiều tuổi rồi, mà ngày nào cũng thấy ông hì hục tập viết như một đứa trẻ, nghĩ mà thương. Ngay cả khi đưa thìa cơm lên miệng còn rơi vãi hết. Cầm chén nước không nổi. Thương ông, muốn đỡ đần, nhưng ông nhất quyết không cho. Ông cần mẫn tập, dần dần, ông cầm được bút viết chữ rõ nét, đẹp, còn làm được nhiều việc trong nhà”.

Nhà văn Từ Thiết Linh, sinh ra, lớn lên tại cái “Làng Vũ Đại ngày ấy”, có truyền thống văn chương. Ông máu mê viết lách, cộng với có chút năng khiếu văn chương. Ông có tâm hồn đa cảm, yêu quê hương. Ông trăn trở, đau đáu về cuộc sống của người dân quê. Ông lấy đó làm nguồn cảm hứng sáng tác để sáng tạo nên những tác phẩm văn học được mọi người đón đọc, bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao. Năm 2000, ông được giải Khuyến khích, với truyện ngắn Bến lỡ do Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nam trao tặng. Truyện Tôi là công nhân, đoạt giải Nhất về văn xuôi trong cuộc thi sáng tác do Liên đoàn Lao động và Hội VHNT Hà Nam tổ chức năm 1999 - 2000.

Năm 2009, ông xuất bản tập thơ Hương đất, viết về cảnh đẹp, con người đồng đất quê ông. Thơ ông toát lên tâm hồn lạc quan, tin yêu cuộc sống như chính cuộc đời ông vậy. Nhìn nét chữ nghiêng nghiêng, hoa lá, thật nét, ít ai biết rằng những dòng chữ ấy được viết ra từ cùi tay của một người tàn tật. Ông đã ngoài 70, ban ngày thầy lang Trần Đức Mô bốc thuốc, khám chữa bệnh cho dân. Tối, nhà văn Từ Thiết Linh lại miệt mài “cày ải” trên cánh đồng văn chương. Ông đang tập trung viết cuốn tiểu thuyết dày 500 trang...

Bài, ảnh: Lê Sỹ Tứ

 

 


Ý kiến của bạn