Kỷ nguyên số và những đột phá trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

31-12-2020 22:34 | Thông tin dược học

SKĐS - Sự thay đổi toàn diện và đồng bộ của những tiến bộ của khoa học công nghệ 4.0 đã mở ra một trang mới của kỷ nguyên số. Mang lại nhiều tiện ích thiết thực trong đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói riêng.

4.0 trong chăm sóc sức khỏe

Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động rất lớn đến toàn xã hội. Trong đó, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng không nằm ngoài sự thay đổi đó. Trên thế giới, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)... đang được ứng dụng sâu rộng hơn vào các nghiệp vụ ngành y. Giúp y, bác sỹ thu thập và xử lý dữ liệu nhanh hơn trong việc khai thác dữ liệu hố sơ bệnh án, thiết lập kế hoạch trị liệu, phát minh thuốc,v.v.. Bên cạnh đó, các chatbot, robot còn là những “trợ thủ” đắc lực cho các y, bác sỹ trong chẩn đoán, điều trị, tìm kiếm thông tin bệnh nhân...

Những thay đổi này đã mang đến nhiều tiện ích to lớn. Thông qua sự theo dõi, phân tích của các thiết bị theo dõi sức khỏe, cùng sự tổng hợp thông tin quá các hệ thống dữ liệu lớn (Big data) cùng sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như nhiều thành tựu tiên tiến khác. Nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư đã được chẩn đoán, phát hiện sớm hơn so với trước đây, giúp việc theo dõi và điều trị hiệu quả. Các thiết bị công nghệ hiện đại giúp phát hiện các tổn thương mà trước đây khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường, các ca phẫu thuật được tiến hành dễ dàng hơn nhờ sự trợ giúp của robot. Ngày càng có nhiều ứng dụng giúp bệnh nhân hội thoại trực tiếp với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu, hình thành mô hình “bác sỹ 24/7”. Sinh mệnh của hàng triệu người cũng sẽ được cứu nhờ thế hệ xe cứu thương thông minh, khi phân tích dữ liệu về các tai nạn đã được số hóa trước đó, cũng như tự xác định lộ trình nhanh nhất đi đến bệnh viện.

Kỷ nguyên số

Công nghệ giúp phòng, chống và kiểm soát dịch hiệu quả

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật được áp dụng trên hầu hết tất cả các lĩnh vực trên thế giới. Tuy nhiên, trong mỗi lĩnh vực, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, sự phát triển, việc triển khai các kỹ thuật, khoa học công nghệ cũng có những sự thay đổi khác nhau tương ứng, có thể một phần hoặc toàn diện.

Ứng dụng CNTT trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ở Việt Nam trong những năm đã có bước phát triển quan trọng, đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với ba trục chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Người dân bước đầu được hưởng lợi từ các thành tựu CNTT trong hoạt động y tế.

Tại nước ta, cuộc cách mạng khoa học 4.0 cụ thể trong lĩnh vực chăm sóc sức đã và đang có những thay đổi về chất. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã có bước phát triển quan trọng, đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với ba trục chính: phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Người dân bước đầu được hưởng lợi từ các thành tựu CNTT trong hoạt động y tế.

Nhiều bệnh viện ở nước ta đã ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, y tế từ xa (telemedicine), xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí…, giúp quá trình quản lý bệnh viện được minh bạch, tối giản thủ tục hành chính. Rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, chờ khám, mua thuốc, thủ tục xuất viện…

Trong giai đoạn trước, khi dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong xã hội thì với lĩnh vực y tế, COVID-19 không chỉ mang đến những thách thức mà còn là cơ hội cho sự chuyển đổi nhanh chóng và mạnh mẽ với nhiều ứng dụng, nhằm thay đổi thích để ứng với thực tiễn.

Điện thoại thông minh trong chống dịch: Theo một số thống kê, thị trường Việt Nam hiện nay có đến 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh trên tổng dân số 97,4 triệu dân, đạt tỷ lệ 44,9%, điều này cho thấy điện thoại thông minh đang có “độ phủ” cao trong người dân, là một kênh thông tin hiệu quả. Trong cuộc chiến chống dịch hiện nay, yêu cầu về thông tin nhanh chóng, hiệu quả chính xác đến người dân là một trong những nhiệm vụ khó khăn, nhiều thách thức. Sự phát triển của các ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh đã góp phân giải quyết bài toán khó này. Các ứng dụng như Ncovi, Bluezone… giúp việc khai báo y tế, truy vết… được thực hiện nhanh chóng, chính xác, giúp công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả.

Kỷ nguyên số

Khám, chữa bệnh từ xa: Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch của một mô hình mới – khám, chữa bệnh từ xa – trên cơ sở phát huy ích lợi của công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số. Mô hình này không chỉ là giải pháp cho đợt khủng hoảng này mà sẽ là một trong những kết quả còn tồn tại lâu dài. Khám, chữa bệnh từ xa mang lại nhiều lợi ích, giảm tải bệnh viện tuyến trên. Người bệnh chỉ cần ở tuyến dưới cũng được khám, chữa bệnh với các bác sỹ có kinh nghiệm, ít tốn kém, bớt thời gian đi lại và chờ đợi. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nặng, cấp cứu không kịp chuyển tuyến, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên sẽ tiến hành hội chẩn và tư vấn trực tuyến từ xa cho người bệnh.

Không dừng lại ở việc khám, chữa bệnh, với hệ thống cơ sở hạ tầng, phần mềm… được phát triển song hành với sự phát triển của khám chữa bệnh từ xa còn là cơ sở, tiền đề cho sự phát triển, triển khai các hoạt động khác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như: chỉ đạo tuyến, họp, hội chẩn trực tuyến, công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tập huấn chuyên môn… Giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, trình độ… để người dân nhận được kết quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Tiềm năng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  gần như vô hạn. Những ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong cuộc cách mạng này đang là bước khởi đầu cho những đột phá tiếp nối, mang tính bước ngoặt trong một tương lai gần.

MỘT SỐ ỨNG DỤNG CỦA CÔNG NGHỆ NHÂN TẠO (AI) TRONG LĨNH VỰC CHĂM SÓC SỨC KHỎE:
- Hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh bệnh lý giúp việc phát hiện chẩn đoán nhanh chóng và dễ dàng hơn.
- Hỗ trợ phân tích, kiểm tra xét nghiệm.
- Robot hỗ trợ các ca phẫu thuật đạt độ chính xác cao.
- Hỗ trợ nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư mới nhất.
- Phân tích dữ liệu điều trị để lựa chọn ra các loại thuốc phù hợp trong điều trị bệnh.


HOÀNG NGỌC
Ý kiến của bạn