Thuốc lá, thuốc giảm béo và nhịn ăn
Judy Garland (1922-1969) - tác giả tượng vàng Oscar từ tuổi vị thành niên, 2 Quả cầu Vàng (trong đó 1 Quả cầu Vàng Cecil B. DeMille cho sự nghiệp diễn xuất) từng phải “ép xác” để tỏa sáng.
Judy xinh đẹp vui sướng đăng quang giải Oscar dành cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất sau phim The Wizard of Oz (1939) lần đầu thử sức sắm vai chính trong phim Every Sunday (1936) khi người nổi tiếng mới 14 tuổi. Lúc ấy, thiếu nữ hoàn toàn không đáp ứng khuôn mẫu sao Hollywood tương lai do các chủ xưởng phim áp đặt.
Theo các nhà sản xuất, Judy “nguyên bản” không khác gì “nàng heo mập có đôi bím tóc”. Vậy nên, họ quyết định ép cô gái giảm béo. Người ta thuê chuyên gia dinh dưỡng tính chính xác con số calorie cho từng bữa ăn và dứt khoát từ chối những món ăn ngoài chương trình. Hơn một lần các ông chủ thô thiển quăng vào thùng rác món ăn vặt khoái khẩu cô gái trẻ lén mang vào trường quay.
Năm Judy bước vào tuổi 18, mệt mỏi vì nỗ lực liên tục giám sát “heo mập” háu ăn, các chuyên gia giảm béo bổ sung thực phẩm chức năng vào thực đơn của nàng. Nhiều ngày nghệ sĩ trẻ buộc phải uống thuốc ngủ, sau vài giờ người ta đánh thức để thực hiện vai diễn. Thêm vào đó, sao tương lai còn phải “đốt” tối thiểu 40 điếu thuốc lá/ngày và số lượng không nhỏ ly rượu mạnh. Tác giả đoạt tượng vàng Oscar năm 17 tuổi tự tin với tạo dáng thon thả, song đã phải trả giá bằng chứng bệnh viêm gan nặng.
Judy Garland từng phải “ép xác” để tỏa sáng.
Nhổ bỏ răng để có gò má ưng ý
Trước Judy Garland nhiều năm, Joan Crawford (1904-1977) - huyền thoại màn bạc Mỹ đầu thế kỷ XX, thời trẻ cũng buộc phải thực hiện những đòi hỏi khắt khe của chuyên gia sắc đẹp. Trước khi ký hợp đồng điện ảnh với hãng Metro-Goldwyn-Mayer (1925), sao màn bạc bậc nhất nước Mỹ thập niên 1930, chủ nhân tượng vàng Oscar dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất sau phim Mildred Pierce (1945) đã bị sự can thiệp của công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ.
Lý do: nhà sản xuất chê thiếu nữ có cặp gò má quá cao, vậy nên ông chủ ra lệnh, phải nhổ bỏ một số cặp răng hàm. Và thực tế, nhờ sự can thiệp của dao, kéo, cặp gò má của Joana Crawford ưa nhìn hơn. Tuy nhiên, cái đẹp nhân tạo gây không ít hệ lụy. Tác dụng phụ của ca phẫu thuật là sự xuất hiện tình trạng viêm nướu lợi triền miên. Tệ hơn, giải pháp y học đau đớn còn làm biến dạng khóe miệng của người đẹp. Cũng may, Joan che lấp có hiệu quả khiếm khuyết này bằng thủ pháp trang điểm thích hợp.
Tẩy trắng làn da
Màu da một số nghệ sĩ cũng là rào cản đối với các ông chủ. Rita Hayworth (1918-1987) là thí dụ điển hình. Xuất hiện trong 61 bộ phim sau 37 năm, được Viện phim Mỹ xếp thứ 19 trong tổng số 50 nữ huyền thoại màn bạc của lịch sử điện ảnh, Rita từng làm rung động trái tim nhiều triệu mày râu bởi diện mạo “quả bom sex” tóc nâu có nước da trắng nhợt đã phải cam chịu không ít đau đớn để thỏa mãn chuẩn mực sắc đẹp thời ấy. Bởi Rita (tên thật là Margarita Cansino) một nửa là người đẹp Tây Ban Nha. Nữ nghệ sĩ trẻ vốn có nước da màu nâu nhạt và mái tóc đen đậm.
Các ông chủ hãng phim Columbia Pictures quan tâm hình ảnh “thích hợp” của ngôi sao tương lai đã đầu tư vào nhiều hạng mục, trong đó có kỹ thuật liên tục cạo sạch trán Rita. Nhờ thế, chân mái tóc nữ diễn viên khác hẳn đường nguyên thủy (tiếp theo mái tóc được nhuộm màu nâu đỏ). Người nổi tiếng cũng buộc phải trải qua hàng loạt công đoạn tắm trắng làn da hết sức nguy hiểm.
Buộc phải phá thai
Theo quy định của giới chủ Hollywood, sao nữ đang ở đỉnh cao nổi tiếng cần làm việc 18 giờ/ngày cho đến thời điểm sự nghiệp dần tàn lụi. Vậy nên, ngay khi phát hiện Jean Harlow (1911-1937) - biểu tượng sex của thập niên 1930 có thai, ông chủ tập đoàn Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) lập tức thuyết phục nữ nghệ sĩ trẻ đến bệnh viện phụ sản với lý do “nghỉ dưỡng” để các bác sĩ tiến hành công việc phá thai.
Giải pháp phá thai nghiệt ngã y hệt cũng được giới chủ áp dụng với không ít nữ minh tinh màn bạc khác như Bette Davis (1908-1989), Joan Crawford hoặc Jeanette McDonald (1903-1965). Trường hợp từ chối, chủ hãng lập tức hủy bỏ hợp đồng đã ký với người đẹp hoặc cắt giảm thậm tệ tiền lương.
Để duy trì cả sự nghiệp và con cái, một số nữ nghệ sĩ buộc phải xoay sở bằng mọi cách. Loretta Young (1913-2000, tác giả tượng vàng Oscar 1947, 2 Quả cầu Vàng, 3 giải Emmy) cặp bồ với bạn diễn Clark Gable. Khi có thai, Loretta buộc phải trốn sang châu Âu để né tránh các phương tiện truyền thông sở tại. Hơn nửa năm sau, người nổi tiếng bí mật trở về Los Angeles để sinh con và lập tức gửi con vào trại trẻ mồ côi. Tiếp theo, nữ nghệ sĩ chính thức làm thủ tục “nhận con nuôi”, nhờ thế, suốt nhiều năm không ai nghi ngờ Lorreta là mẹ đẻ của bé gái.