Kỹ năng sơ cấp cứu cần thiết cho mọi người

14-09-2019 20:57 | Tin nóng y tế

SKĐS - Sáng ngày 14/9, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2019 tại thành phố Đà Nẵng.

Tham dự buổi lễ có bà Trần Thị Hồng An - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; đại diện UBND thành phố Đà Nẵng, các ban, ngành thành phố, cùng 500 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng.

Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm nay có chủ đề “Sơ cấp cứu cho những người dễ bị tổn thương” với các thông điệp: Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo; Sơ cấp cứu, không để ai bị bỏ lại phía sau; Tất cả mọi người mọi lứa tuổi đặc biệt là những người dễ bị tổn thương đều có thể học sơ cấp cứu và tham gia cứu người.

Ngày Sơ cấp cứu thế giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ tai nạn thương tích và tai nạn giao thông; xác định tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong các tình huống khẩn cấp, khuyến khích người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học sơ cấp cứu; đồng thời huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội và cộng đồng trong truyền thông phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông.

Bà Trần Thị Hồng An - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Tại Lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Hồng An - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi mọi người cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu, để cứu sống mình và hỗ trợ những người xung quanh trong các tình huống khẩn cấp trước khi có thể tiếp cận được các nhân viên y tế hoặc các cơ sở y tế. Điều đó làm giảm thiểu rủi ro, tăng cơ hội sống khỏe mạnh cho mỗi người dân, tạo nên một cộng đồng an toàn, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi tình huống.

Bà Trịnh Thu Hà - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết: Tai nạn giao thông đang là vấn đề xã hội bức xúc mang tính toàn cầu, là thách thức lớn đối với Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới. Bên cạnh các giải pháp nhằm giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn phương tiện, thì công tác sơ cấp cứu đúng lúc, kịp thời, hiệu quả có thể cứu nạn nhân và giảm thiểu chấn thương nghiêm trọng. Đồng thời, bà Trịnh Thu Hà cũng cảm ơn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã luôn đồng hành với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong công tác tuyên truyền và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt trong việc giảm tai nạn thương tích.

Các tình nguyện viên sơ cấp cứu cho người bị nạn tại thao diễn.

Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối với với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tiếp tục củng cố và phát triển mô hình Trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tại các điểm đen về tai nạn giao thông; xây dựng mô hình “đội lái xe an toàn” thông qua đào tạo, phổ biến kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho các lái xe, tình nguyện viên và người dân tại cộng đồng để sẵn sàng tham gia sơ cứu trong các trường hợp cần thiết; cung cấp dịch vụ huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động tại các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải, giáo viên, học sinh, sinh viên trong trường học và người dân tại cộng đồng; phối hợp với các ngành chức năng, đối tác để tăng cường các hoạt động truyền thông phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông.

Dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng 21 túi sơ cấp cứu cho 21 điểm sơ cấp cứu tại Đà Nẵng. Tại buổi lễ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng phát động hội viên, tình nguyện viên tham gia nhắn tin hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt.

Việt Nam là một trong số các nước có tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế, năm 2018 cả nước có 1.226.704 trường hợp tai nạn thương tích, trong đó có 9.745 trường hợp tử vong, chiếm tỉ lệ 0,73% so với tổng số tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 47,91%, tiếp theo là đuối nước 12,31%, tự tử 11,45%, tai nạn lao động 6,81%.
Tính đến hết năm 2018, toàn Hội có trên 400 Trạm, Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ được ngành y tế cấp phép hoạt động; trung bình mỗi năm trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho hàng trăm ngàn người; tham gia hỗ trợ sơ cứu cho hàng nghìn nạn nhân bị tai nạn thương tích, trong đó nạn nhân bị tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ lớn. Hoạt động đào tạo và phát triển mạng lưới tập huấn viên, hướng dẫn viên và tình nguyện viên sơ cấp cứu trong hệ thống Hội được chú trọng. Hiện toàn Hội có 10 Trung tâm/cơ sở huấn luyện sơ cấp cứu Chữ thập đỏ thuộc Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội.


Lê Mai
Ý kiến của bạn