Gần đây, nhiều bạn trẻ đang tự thắc mắc rằng tại sao mình có bằng cấp đầy mình, thông minh, thành tích chuyên môn tốt nhưng đã làm nhiều nơi không lâu bền hay xin việc khá chật vật dù nộp hồ sơ mọi nơi. Nhiều bạn đã đổ tại… thị trường lao động quá khó khăn, các ông bà chủ doanh nghiệp bắt chẹt, không nhìn ra tài năng của mình… Tuy nhiên, không mấy người hiểu rằng, họ chưa chuẩn bị kĩ hành trang hay nói đúng hơn là những kỹ năng mềm…
Kỹ năng quan trọng đang bị xem nhẹ
“90% sinh viên thiếu kỹ năng mềm”, đó là phát biểu của anh Trần Trọng Thương - Chủ tịch HĐQT Công ty ViNaPo tại buổi tọa đàm về nghề marketing với sinh viên Đại học Ngoại Thương. Theo kết quả khảo sát sinh viên từ các nguồn thông tin của các trường: Đại học Quốc Gia TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM và Đại học Nông Lâm TP.HCM, khảo sát của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP.HCM. Trong tổng số 25.000 sinh viên tham gia thì chỉ có 10% sinh viên cho rằng cần kỹ năng sống và 7% sinh viên cần kỹ năng thực hành để được tuyển dụng và làm việc hiệu quả. Còn lại phần lớn 54% sinh viên cho rằng doanh nghiệp chỉ cần kỹ năng chuyên môn. Điều đó cũng lý giải vì sao rất nhiều sinh viên có lực học giỏi lại không tìm được cơ hội việc làm bởi xu thế tuyển dụng ngày nay, các doanh nghiệp ngoài yêu cầu bắt buộc là kỹ năng chuyên môn cũng còn đòi hỏi vị trí tuyển dụng phải có các kỹ năng đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh doanh, quản trị...
Thật sự cần thiết
Kỹ năng mềm (hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội) là thuật ngữ liên quan đến trí tuệ cảm xúc dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như là giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian... Theo một con số thống kê thì có tất cả 28 kỹ năng mềm khác nhau.Năm 2007, Bộ Lao động Hoa Kỳ và nhóm Doanh nhân ưu tú Hoa Kỳ đã xác định được 7 kỹ năng mềm cần thiết cho một lao động của thế kỷ 21 - đó là: Kỹ năng thiết lập quan hệ xã hội; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng giải quyết các vấn đề; Tư duy phản biện; Sự say mê công việc; Tính chuyên nghiệp; Kỹ năng thuyết phục.
Khác với kỹ năng cứng là kỹ năng thường xuất hiện trong bản lý lịch - khả năng học vấn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn trong công việc, kỹ năng mềm chủ yếu là những thuộc tính về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm nhưng lại quyết định bạn có thể trở thành người lãnh đạo, nhà thương thuyết hay nhà quản trị kinh doanh... Kỹ năng mềm là một xu thế đào tạo trong tương lai.
Có một câu nói rất nổi tiếng: “Khi bạn có chuyên môn tốt, tôi sẽ tuyển dụng bạn, còn khi bạn có kỹ năng mềm tốt, tôi sẽ đề bạt bạn”. Thực tế cho thấy: 75% người thành đạt là những người có kỹ năng mềm tốt. Đối với các vị trí tuyển dụng hiện nay, kỹ năng mềm là một yêu cầu quyết định doanh nghiệp có nhận bạn hay không? Việc thiếu hụt kỹ năng mềm, đặc biệt là đối với sinh viên đã dẫn đến tình trạng nhiều người có năng lực chuyên môn tốt, bảng điểm đẹp nhưng lại không có nổi một công việc chỉ vì thiếu đi hành vi ứng xử. Chẳng hạn như mặc quần áo thể thao đi xin việc, tranh cãi với sếp hay không thể tốc ký biên bản một cuộc họp... Nhận thấy tầm quan trọng của kỹ năng mềm, tại một số trường tiểu học và trung học cũng đã bắt đầu đưa bộ môn kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy. Nhiều bậc phụ huynh hiện nay bắt đầu cho các con họ đi học các lớp kỹ năng mềm, kỹ năng sống từ rất sớm.
Tuy nhiên, phần đa sinh viên tại các trường đại học vẫn quá mải mê việc trau chuốt bảng điểm mà bỏ qua việc rèn luyện các kỹ năng mềm. Kỹ năng mềm tuy là các kỹ năng của trí tuệ cảm xúc thuộc về tính cách con người nhưng nó vẫn có thể được nâng cao nếu chúng ta chịu khó rèn luyện thông qua thực tiễn cuộc sống. Chỉ khi có được kỹ năng mềm thì chúng ta mới có thể tự hào là công dân hiện đại của thế kỷ 21 - một công dân toàn diện. Vì vậy, các bạn trẻ cần chuẩn bị hành trang cho mình là những kỹ năng mềm ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, bởi khi đã có những kỹ năng này, người ta có thể dễ dàng hoà nhập với những môi trường mới, say mê cập nhật những kiến thức cần thiết để có thể biến những công việc khó khăn thành đơn giản, đó chính là lý do có những người làm không hết việc, lại có những bạn không hợp với bất cứ việc gì cả.
Vũ Văn Ninh