Vậy bạn có phải là một người lo lắng quá mức? Dưới đây là kỹ năng đối phó với lo lắng căng thẳng quá mức.
Lo lắng, căng thẳng quá mức có biểu hiện như thế nào?
Trên thực tế, tại các phòng khám có nhiều bệnh nhân đến khám vì triệu chứng lo lắng, trằn trọc khó ngủ, cảm giác sợ hãi kèm ngộp thở ép ngực, lạnh tay chân, thậm chí phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa hay khoa tim mạch. Đây là những triệu chứng điển hình của các rối loạn lo âu.
Người mang tâm lý sợ hãi, hoảng hốt và cảm thấy không thoải mái, cảm giác lo lắng, không an toàn hoặc có điều gì đó nguy hiểm với mình thường có vấn đề về giấc ngủ như: Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu... cảm giác bồn chồn, không giữ được bình tĩnh, thở nông, thở nhanh hơn so với bình thường (tăng thông khí), nhịp tim nhanh, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng… thường xuyên bất an.
Các rối loạn lo âu có thể đẩy người bệnh vào tình trạng cố gắng tránh các tình huống kích hoạt triệu chứng hoặc làm nặng các triệu chứng lo âu. Khi bị các rối loạn lo âu thường dẫn đến kết quả làm việc giảm sút, học hành kém đi cũng như các mối quan hệ bạn bè ít dần.
Cần làm gì để đối phó với lo lắng, căng thẳng quá mức
Không nên hoảng hốt, mất bình tĩnh một cách quá mức, điều này sẽ không giải quyết được tình trạng hiện tại mà chỉ làm tình hình tệ hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải có tâm lý vững vàng, bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra.
Nếu bạn lo lắng về điều gì, cần tìm hiểu nhờ bạn bè và các mối quan hệ uy tín có thể trợ giúp tư vấn. Cần đọc thông tin ở các phương tiện chính thống, không hoang mang bởi những tin đồn, thông tin không chính xác.
Dành thời gian đi bộ, vận động thể dục, đọc sách báo, nghe nhạc, xem một bộ phim hay, điều này sẽ giúp bạn thoải mái hơn.
Để giảm lo lắng, cần tự chăm sóc bản thân. Ngủ đầy đủ, ăn chế độ ăn cân đối, tập luyện và dành thời gian để thư giãn. Tránh cà phê và thuốc lá vì có thể làm triệu chứng lo âu thêm trầm trọng. Tuyệt đối không sa đà vào rượu và các loại thuốc cấm.
Nếu bạn lo lắng, cần tham gia vào các hoạt động tập thể, tuyệt đối không nên ở một mình. Khi để sự lo âu cách ly bạn khỏi những người thân yêu và những hoạt động bổ ích, sẽ càng khiến bạn lo lắng hơn nữa.
Gần gũi những người khác mang đến cho bạn một sự chuyển hướng lành mạnh. Hãy giữ liên lạc với bạn bè, người thân và thường xuyên trò chuyện với họ. Có thể liên hệ với các trung tâm tư vấn tâm lý từ xa để được hỗ trợ khi cần. Đây là một biện pháp hữu hiệu.
Nếu bạn mắc bệnh, cần phải tuân thủ chặt chẽ kế hoạch điều trị. Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Hãy tái khám đúng hẹn. Sự kiên trì sẽ giúp kế hoạch điều trị của bạn tiến triển tốt.
Khi tình trạng lo lắng, căng thẳng quá mức, để tránh tình trạng bệnh nặng khó kiểm soát, nên gặp bác sĩ để khám và được tư vấn. Nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội