Trong khuôn khổ "Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam 2024", tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, phối hợp Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam, Hội Ghép tạng Việt Nam và Học viện Quân y tổ chức Hội thảo Khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ hai.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 11-12/10 thu hút 300 đại biểu tham dự đến từ các bệnh viện trong cả nước, các chuyên gia đến từ các nước có số lượng tạng hiến từ người chết cao nhất, có tốc độ phát triển nguồn hiến từ người chết tăng nhanh trên thế giới và khu vực như: Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia.
Việt Nam đã thực hiện và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật ghép các tạng trên người
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia, hiện nay Việt Nam đã thực hiện và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật ghép các tạng trên người như: ghép thận, ghép gan, ghép phổi, ghép tim, ghép tụy.
Mặc dù tTỷ lệ đăng ký hiến tặng của người dân và tỷ lệ hiến tặng sau chết của Việt Nam có tăng dần, tuy nhiên nguồn mô, tạng hiến chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, ghép tạng ngày càng tăng.
Đáng mừng, với sự nỗ lực của ngành Y tế, đến nay cả nước đã có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó có 27 bệnh viện ghép thận, 8 bệnh viện ghép gan, 5 bệnh viện ghép tim, 4 bệnh viện ghép phổi và 2 bệnh viện ghép được tụy. Các bệnh viện đã tiến hành ghép tạng cho hàng trăm bệnh nhân thời gian qua.
Theo ghi nhận từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, số lượng ca chết não hiến mô tạng trong 9 tháng đầu năm 2024 là 25 ca (năm 2023 chỉ có 14 ca chết não hiến mô tạng), góp phần làm tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép (đạt tỷ lệ 10,49%). Đây cũng được coi là số kỷ lục của Việt Nam, vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng từ 5% đến 6%.
Còn gặp rất nhiều khó khăn trong vận động, hiến - ghép tạng
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong công tác vận động mô, tạng ở Việt Nam thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết: Tính đến tháng 7/2024, số người đăng ký hiến mô, tạng tại Việt Nam vào khoảng 101.000 người.
Trong khi đó, nguồn hiến mô, tạng tại Việt Nam trong giai đoạn 1992- 2023, từ chết não chỉ đạt 6%. Ngược lại, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, đa phần tạng đến từ nguồn người cho chết (từ 90% đến 95%), nguồn người cho sống chỉ chiếm từ 5% đến 10%.
"Thực tế người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên"- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.
Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp lý cho việc hiến ghép tạng, hiến xác, nhưng theo PGS.TS Nguyễn thị Kim Tiến, thực tế cho thấy còn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này.
Khó khăn về quan niệm, nhận thức của người dân về hiến tạng sau chết não: Quan niệm chết phải toàn thây, e ngại đụng vào thân thể người thân sau chết, sợ gia đình, chưa thấy hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và tư bi với cộng đồng.
Khó khăn về cách thức đăng ký hiến tạng: Cần hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận cho người thân; các quy định về pháp luật hiện hành cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết; chế độ cho người hiến tạng và gia đình; có chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép.
Bên cạnh đó, truyền thông không nên chỉ tập trung vào việc đưa tìn về các ca ghép tạng thành công, mà cần hướng tới tuyên truyền, vận động các tầng lớp người dân về tính nhân văn, nghĩa cử cao đẹp này.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, để hoạt động hiến mô tạng tại Việt Nam phát triển mang tính bền vững, cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chức sắc tôn giáo từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan truyền thông.
Cùng đó, các bệnh viện sớm thành lập các đơn vị, phòng, tổ tư vấn hiến tạng sau chết não và điều phối hiến tạng; thành lập các chi hội vận động hiến mô tạng tại các bệnh viện; tôn vinh, tri ân kịp thời người hiến tạng chết não và gia đình của người hiện tạng. Mặt khác, các địa phương cần xây dựng mặng lưới hội vận động hiến mô, tạng; tổ chức tập huấn kiến thức, thực hành và truyền thông vận động hiến mô, tạng tại cộng đồng.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và các kỹ thuật mới trong lĩnh vực hiến mô, tạng tại đơn vị, quốc gia mình như: Phát hiện và đánh giá người hiến tạng tiềm năng; phân tích ảnh hưởng của hệ thống đến việc hiến và ghép tạng từ người hiến sau chế; kỹ thuật thu, gom mô tạng; chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng; xây dựng các mô hình điều phối ghép tạng trong các bệnh viện.
Trong khuôn khổ Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam 2024, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã tổ chức các khóa đào tạo các lớp như: Lớp điều phối viên hiến tạng cơ bản; lớp chẩn đoán và hồi sức chết não hiến mô tạng nâng cao, với tổng số học viên tham gia đào tạo là 335 học viên đến đến từ một số bệnh viện miền Bắc, miền Nam và miền Trung.
Trong khóa đào tạo, các học viên được các chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành trong nước đến từ Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 103, Bệnh viện 108, Học viện Quân Y hoc, các chuyên gia đến từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khi nhân có dấu hiệu chết não tiềm năng được tiếp cận kịp thời.