Tại buổi thông tin báo chí, ông Nguyễn Đức Ninh - Phó giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, hiện cả nước có 147 nhà máy điện truyền thống có công suất đặt từ 30 MW trở lên.
Đối với các nhà máy điện mặt trời, ngày 23/4/2019, mới có 4 nhà máy; đến ngày 17/5, có 27 nhà máy; dự kiến cuối tháng 6/2019 sẽ có 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện và vận hành thành công.
Đây là một kỷ lục trong suốt lịch sử ngành điện lực Việt Nam về số lượng các nhà máy điện mới đóng điện, hòa lưới lần đầu tập trung trong một khoảng thời gian ngắn (chỉ trong 3 tháng), góp phần đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, phục vụ kinh tế quốc dân.
Ông Ninh cho biết, cơ chế khuyến khích đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực điện năng, giảm áp lực về việc thu xếp vốn xây dựng các công trình nguồn điện của Chính phủ, các tập đoàn Nhà nước; qua đó góp phần tăng cường an ninh cung ứng điện quốc gia. Với đặc điểm khí hậu phù hợp, các dự án điện mặt trời điện gió chủ yếu tập trung tại khu vực miền Nam và Nam Trung Bộ là khu vực có tỷ trọng phụ tải chiếm khoảng 50% so với toàn quốc. Vì vậy với việc đưa vào các dự án năng lượng tái tạo phần nào sẽ giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng tại miền Nam qua đó tăng cường an ninh cung ứng điện và giảm căng thẳng trong công tác vận hành hệ thống điện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số khó khăn trong vận hành nguồn điện mặt trời như: vấn đề đầy, quá tải; tính bất định công suất phát; vấn đề chất lượng điện năng (sóng hài); các vấn đề liên quan đến cơ chế giảm nguồn khí phát thải, tiêu chuẩn kỹ thuật; tiêu chuẩn vận hành...
Theo thông tin từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phụ tải 4 tháng đầu năm 2019 đạt 74.35 tỷ kWh, cao hơn 628 triệu kWh so với kế hoạch năm, tăng trưởng 11% so với năm 2018.
Mặc dù có nhiều yếu tố khách quan, gây bất lợi kéo dài như nhu cầu phụ tải tăng cao (lưu lượng nước về miền Trung và miền Nam thấp, đến thời điểm hiện tại sản lượng thủy điện tích trong hồ của hai miền chỉ khoảng 2 tỷ kWh tương đương tổng phụ tải toàn quốc trong 3 ngày làm việc; khả năng cung cấp than, khí không đảm bảo nhu cầu huy động...), tuy nhiên, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, hệ thống điện vẫn đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho nền kinh tế quốc dân trong giai đoạn đã qua của mùa khô cũng như các tháng còn lại của năm 2019.
Về kế hoạch vận hành các tháng còn lại năm 2019, Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, dự kiến, tháng 5 và 6, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao theo chu kỳ hàng năm, ở mức 42.8 tỷ kWh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Công suất cực đại dự kiến ở mức 37.000-39.000 MW, tăng 11%-14% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của Elnino, dự báo nước về các tháng 5 và 6 tiếp tục kém tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các tháng còn lại lưu lượng nước về tần suất 70%.
Để đảm bảo cung ứng điện tháng 5, 6, EVN đề xuất các giải pháp: Yêu cầu các đơn vị phát điện thuộc EVN nâng cao khả dụng tổ máy, sẵn sàng huy động khi hệ thống có nhu cầu. Điều chỉnh huy động thủy điện linh hoạt theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, đảm bảo khả dụng đến cuối mùa khô. Dự kiến phương thức huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí khu vực miền Nam, giám sát liên tục đường dây truyền tải để tăng cường công suất từ Bắc vào Nam.
Đảm bảo khả dụng các nhà máy nhiệt điện dầu và tuabin khí chạy dầu, sẵn sàng huy động khi hệ thống có nhu cầu. Tăng cường công tác điều chỉnh phụ tải điện, hạn chế công suất trong cao điểm. Có sự chung tay với các đơn vị ngoài ngành điện về việc tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả và sự phối hợp của các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông...