Kỷ lục: 15 ca ghép tạng chỉ trong 1 tuần

19-08-2019 15:27 | Thành tựu y khoa

SKĐS - Lần đầu tiên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân, gồm: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân). Như vậy là có 6 bàn mổ ghép tạng cùng lúc (1 lấy, 5 ghép).

Người đàn ông giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối được ghép phổi thành công

Cách đây hơn 8 tháng, vào ngày 12/12/2018, ca ghép hai phổi từ người cho đa tạng chết não đầu tiên của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho một bệnh nhân 17 tuổi đã được thực hiện thành công, với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện, được Bộ Y tế vinh danh là 1 trong 9 sự kiện y tế nổi bật năm 2018.

Tới nay phổi ghép vẫn hoạt động tốt và bệnh nhân tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng hô hấp và điều chỉnh các rối loạn thường gặp sau ghép phổi. Thành công này đã mở ra cơ hội sống cho người mắc bệnh phổi giai đoạn cuối có chỉ định ghép phổi hoặc cả tim và phổi tại Việt Nam.

Với một sự trùng lặp ngẫu nhiên, cũng vào ngày 12/8/2019 - tức là đúng 8 tháng sau ca ghép thứ nhất, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức và thực hiện thành công ca ghép hai phổi thứ 2 từ người cho đa tạng chết não. Người hiến tạng còn trẻ và các tạng hiến đều có chất lượng rất tốt. Người nhận phổi là ông N.V.K. 38 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối - có chỉ định ghép phổi tuyệt đối. Bệnh khởi phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ, 10 năm nay diễn biến nặng, gần đây liên tục nằm viện với máy thở và ôxy hỗ trợ.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ca mổ lấy - ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4 giờ chiều 12/8 tới 6 giờ 30 phút ngày 13/8. Ghép hai phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng. Sau mổ 6 giờ bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, và máy hỗ trợ phổi (ECMO) được dừng và rút sau mổ hơn 2 ngày.

Kết quả kiểm tra chất lượng phổi ghép bằng xét nghiệm khí máu, soi phế quản, siêu âm mạch phổi, cấy vi trùng đường thở, đều cho kết quả tốt. Chức năng tim và thận của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường. Như vậy tiến triển sau ghép của bệnh nhân là thuận lợi và hy vọng có thể tự thở hoàn toàn trong một vài ngày tới.

Thành công của ca ghép hai phổi thứ 2 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức càng khẳng định rõ hơn năng lực của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên - khích lệ đội ngũ thầy thuốc tự tin hơn, dám nghĩ dám làm, mở ra cơ hội phát triển để đưa ghép phổi trở thành một phẫu thuật thường qui tại bệnh viện giống như ghép tim và các tạng khác.

Trong 1 tuần, từ ngày 12/8 đến ngày 18/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công 15 ca ghép tạng (10 ca ghép tạng từ người cho chết não: (phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) và 05 ca ghép tạng từ người cho sống (1 gan, 4 thận).

Lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân

Một điểm đặc biệt nữa của ca ghép phổi này là lần đầu tiên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân, gồm: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân). Như vậy là có 6 bàn mổ ghép tạng cùng lúc (1 lấy, 5 ghép).

Điều này đòi hỏi công tác tổ chức phải hết sức tốt, đông đảo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao trên nhiều lĩnh vực, và sự phối hợp rất đồng bộ của các chuyên khoa - một điều rất khó thực hiện ở đa số các trung tâm ghép tạng trên thế giới. Cho đến hôm nay, tất cả 5 bệnh nhân ghép tạng đề có diễn biến thuận lợi.

Đáng chú ý, trong gần 1 tuần (từ 12/8 tới 18/8) - “tuần ghép tạng”, được sự hỗ trợ và phối hợp rất nhịp nhàng của Trung tâm Điều phối - Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Hãng hàng không, và sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện đã thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não (phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) với nguồn hiến đa tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (2 ca) và Bệnh viện Chợ Rẫy (1 ca). Tất cả các ca ghép đều cho kết quả thuận lợi.

Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn tiếp tực thực hiện 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống (1 gan, 4 thận). Như vậy có tới 15 ca ghép tạng trong 6 ngày. Chưa bao giờ hoạt động ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lại sôi động đến vậy. Điều đó thể hiện năng lực và tầm vóc của bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, đồng thời cho thấy hiệu quả rất rõ rệt của công tác tuyên truyền, vận động hiến tạng của các cơ quan, đoàn thể trên mọi miền đất nước.

Các thành tựu này chắc chắn sẽ được phát huy, củng cố trong thời gian tới để đưa ngành ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục gặt hái những thành tựu lớn hơn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 - 230 triệu. Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ 1- 1,5 tỷ đồng.
"Chi phí rẻ, ngày càng nhiều tấm lòng sẵn sàng hiến tạng nếu không may mất đi, bác sĩ Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng, chúng tôi hi vọng những danh sách dài dằng dặc chờ đợi được ghép tạng sẽ dần được rút ngắn, sẽ không có những người bệnh chờ mỏi mòn đến khi nhắm mắt vì không có nguồn tạng hiến, trong khi tỉ lệ bệnh nhân sau tai nạn chết não rất nhiều.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, dù trong 1-2 năm qua, nhận thức của người dân về hiến ghép mô tạng đã thay đổi nhiều nhưng số ca chết não hiến tạng vẫn rất khiêm tốn, dù thực tế mỗi ngày có ít nhất 4-5 ca.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2009-2019 đã có 57 bệnh nhân chết não hiến tạng. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ghép tim cho 25 trường hợp, ghép phổi cho 2 trường hợp, ghép gan cho 54 trường hợp và ghép thận cho 99 trường hợp
Hiện tại, Việt Nam có hơn 26.000 bệnh nhân chạy thận, nhưng số ca ghép thận từ năm 1992 đến nay mới được 3.500 ca, tương tự, cả nước có hơn 10.000 ca ung thư gan và xơ gan có chỉ định ghép tạng mỗi năm, nhưng trong gần 3 thập kỷ mới ghép được 150 ca.


Lê Nguyên-Thái Bình
Ý kiến của bạn