Kỷ luật hàng loạt Thanh tra xây dựng có làm giảm các vụ vi phạm?

29-06-2018 12:00 | Xã hội

SKĐS - Chỉ trong vòng 7 tháng gần đây, TP. Hà Nội kỷ luật 34 thanh tra xây dựng, trong đó có 10 cá nhân hiện đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các đội Thanh tra xây dựng địa bàn.

Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ rằng việc này không làm cho công tác vi phạm trật tự xây dựng giảm khi mà càng kỷ luật cán bộ thì vi phạm về trật tự xây dựng càng tăng. Cần có một giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để chấn chỉnh công tác vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua.

Càng xử lý càng vi phạm

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản gửi HĐND TP báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện kết luận tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Đề cập về việc thanh tra công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc, lãnh đạo TP cho biết, từ tháng 10/2017 - 5/2018, Sở Xây dựng đã thành lập các hội đồng kỷ luật xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân thanh tra xây dựng có khuyết điểm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được giao phụ trách.

Theo đó, Sở Xây dựng đã ban hành 1 quyết định, đồng thời chỉ đạo Chánh Thanh tra Sở ban hành 33 quyết định để kỷ luật đối với các cá nhân có khuyết điểm. Cụ thể, khiển trách 29 trường hợp, cảnh cáo 5 trường hợp. Đồng thời yêu cầu 9 tập thể phải nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị về các tồn tại, hạn chế của đơn vị. Đáng chú ý, trong số 34 cá nhân bị áp dụng hình thức kỷ luật, có 10 cá nhân hiện đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bao gồm: 1 Phó Chánh Thanh tra Sở, 3 Đội trưởng và 6 Đội phó Thanh tra xây dựng các quận, huyện.

Kỷ luật hàng loạt Thanh tra xây dựng có làm giảm các vụ vi phạm?Chấn chỉnh công tác cấp phép xây dựng để lập lại nề nếp trong quản lý trật tự đô thị.

Đánh giá về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng có nguyên nhân chủ yếu là do buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng nhà sai phép, trái phép vẫn nở rộ. Trong đó, nhiều công trình biến tướng sai phép kiểu mới gây bức xúc dư luận, nhất là các quận nội thành.

Liên quan đến việc xem xét trách nhiệm của các cán bộ quản lý liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng, theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2014 đến nay, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở đã tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ đối với 30 Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Xử lý nghiêm các cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng.

Qua đó đã phát hiện, xem xét kỷ luật đối với 51 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng thuộc TTXD có vi phạm bằng các hình thức: khiển trách 34 người, cảnh cáo 8, hạ bậc lương 3. Đặc biệt, đã buộc phải giáng chức 2 và buộc thôi việc 4 người. Qua đó cho thấy mặc dù đã rất quyết liệt trong việc xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra sai phạm trên địa bàn được phân công phụ trách quản lý nhưng tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn không hề giảm.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2018, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 9.318 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 606 trường hợp vi phạm (223 trường hợp không phép; 139 trường hợp sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 32 trường hợp ảnh hưởng công trình lân cận; 212 trường hợp xây dựng công trình trên đất công, đất nông nghiệp). UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 582 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 5.113.630.000 đồng, thu về ngân sách nhà nước số tiền 4.819.100.000 đồng.

Làm gì để hạn chế?

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hoá, tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đã và đang là một vấn đề nóng trong thực tế các đô thị nước ta hiện nay. Hiện tượng xây dựng không phép, trái phép xảy ra ở thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… và có thể nhận thấy các công trình vi phạm trật tự xây dựng, phát triển đô thị ngày càng nhiều và đa dạng hơn. Mức độ không chỉ dừng lại ở mấy căn hộ tập thể cơi nới không xin phép hay nhà trong hang cùng, ngõ hẻm, đua ban công lấn chiếm không gian nữa mà nhà riêng sai theo kiểu nhà riêng, biệt thự sai kiểu biệt thự, các vi phạm về đất tập thể, sử dụng đất đai không đúng mục đích diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp.

Một trong những công cụ để quản lý trật tự xây dựng đô thị là cấp giấy phép xây dựng. Thực tế đã chứng minh nếu trình tự thủ tục cấp phép khoa học và có tính thực tiễn cao thì sẽ được tuân thủ nghiêm minh hơn, góp phần quản lý trật tự xây dựng nói riêng và công tác quản lý đô thị nói chung tốt hơn. Nếu việc cấp phép xây dựng được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả trong thực tế thì việc thực thi pháp luật và lập lại kỷ cương trong xây dựng và quản lý đô thị sẽ nhanh chóng vào nề nếp. Bởi chính việc gây khó khăn cho tổ chức, người dân trong việc cấp phép đã làm cho một số cán bộ Thanh tra xây dựng dung túng tiếp tay cho sai phạm tràn lan khó kiểm soát.

Vì vậy, để không xảy ra sai phép, không phép thì việc xin cấp phép xây dựng cần phải làm triệt để, khoa học, không gây phiền hà cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần phải quyết liệt hơn trong việc giám sát, bám sát địa bàn. Khi phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm, không thể để phạt cho tồn tại. Cần phải tháo dỡ, đập bỏ công trình để tránh việc cố tình vi phạm.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn