La Doncella
La Doncella còn có tên khác là Maiden, là xác ướp còn nguyên vẹn tuyệt hảo của một cô gái Inca, 15 tuổi, cô được cho là nạn nhân của một vụ hiến tế cách đây hơn 500 năm. Xác ướp được tìm thấy tại ngọn núi lửa Llullaillaco (Argentina), có độ cao trên bề mặt nước biển 6.700m. Xác của La Doncella cùng với xác ướp 2 trẻ em Inca khác đã được tìm thấy vào năm 1999. Trước khi chết, La Doncella được cho là đã mắc bệnh lao hoặc viêm phổi mạn tính. Người ta tin rằng, cô gái đã chết vì thân nhiệt hạ thấp. Khám nghiệm dạ dày của La Doncella còn tìm thấy bột ngô, một vài mảnh lá côca trong miệng. Được biết, người Inca thời xưa có thói quen nhai lá côca để chống say độ cao.
Chuyến thám hiểm những xác ướp Franklin
Năm 1850, khi một đoàn thám hiểm tình cờ đi ngang qua hòn đảo Beechey đã phát hiện 3 ngôi mộ bí ẩn, bên trong các nấm mồ là nơi an nghỉ của John Torrington, John Hartnell và William Braine. Hơn 100 năm sau đó, vào năm 1984, một nhóm các nhà nhân chủng học đã đến đảo Beechey để tiến hành các xét nghiệm pháp y trên các bộ xương bí ẩn. Sau khi khai quật, họ sững sờ khi nhận ra cả 3 cái xác đều được bảo quản nguyên vẹn nhờ một phần từ lớp băng vĩnh cửu trong vùng lãnh nguyên. Vì bảo quản nguyên vẹn nên các nhà nhân chủng học đã giải mã nguyên nhân cái chết của 3 người đàn ông đã chết cách đó 138 năm. Ngoài các dấu hiệu của bệnh lao và viêm phổi, họ còn tìm thấy một lượng chì trong các xác chết. Lượng chì thật đáng kinh ngạc, ước tính mỗi người đã tiêu thụ khoảng 3,3 miligram/ngày trong suốt 8 tháng liên tục.
Xác ướp cô gái 500 năm tuổi tại La Doncella. |
Dashi-Dorzho Itigilov
Lúc sinh thời, Dashi-Dorzho Itigilov là một thiền sư. Một đêm vào năm 1927, Itigilov dặn dò các đồ đệ rằng thời gian này ông sắp chuyển sang một cuộc sống khác và yêu cầu họ thiền định với mình. Trong khoảng giữa buổi thiền định, thiền sư Itigilov lặng lẽ qua đời. Ngay sau đó, thiền sư được chôn cất theo tư thế ngồi thẳng tọa thiền hoa sen và phủ lên nhục thể của nhà sư một cái hộp làm bằng gỗ thông. Vài năm sau, người ta khai quật xác của nhà sư mới khám phá ra rằng, xác của ngài vẫn còn nguyên vẹn và vẫn đang trong tư thế tọa thiền hoa sen. Sau đó, người ta tái an táng nhục thể của thiền sư, quan tài của ngài được bọc một lớp muối. Lần gần đây nhất, trước sự chứng kiến của các nhà khoa học và chuyên gia pháp y, người ta lại khai quật mộ của thiền sư, và thật kỳ lạ, nhục thể của ngài vẫn còn nguyên vẹn. Qua phân tích các mẫu da và tóc của thiền sư Itigilov cho thấy, các tế bào của ngài vẫn còn khá tốt như của người mới chết trong vòng 36 giờ, trong khi ngài đã qua đời cách đó 100 năm.
Xác ướp ướt
Vào năm 2011, các công nhân xây dựng ở Trung Quốc trong lúc đang đào móng để chuẩn bị xây dựng một tuyến đường mới đã phát hiện xác ướp của một phụ nữ sống cách đây khoảng 600 năm, vào đời nhà Minh. Bất chấp việc đã chết hàng trăm năm và dù được chôn xuống lòng đất ẩm ướt, thế nhưng xác vẫn được bảo quản một cách nguyên vẹn. Có vài món đồ trang sức tinh xảo được tìm thấy ngay trên xác ướp của bà, bao gồm một chiếc nhẫn ngọc bích khá lớn được đeo ở ngón tay giữa của bà và một chiếc trâm cài tóc bằng bạc vẫn còn đính trên đầu. Xác ướp này quả là điều bí ẩn. Nó không giống với bất kỳ xác ướp nào được tìm thấy ở Trung Quốc từ trước đó và theo nhà khảo cổ học Victor Mair, xác ướp phụ nữ thuộc về một tầng lớp cao quý trong xã hội phong kiến. Đáng ngạc nhiên hơn khi xác chết trở thành xác ướp hết sức tự nhiên, ngay tại hố nước nơi bà đã được an nghỉ. Trong nước có chứa rất ít ôxy, có lẽ vì vậy mà nó đã làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn trên xác, đồng thời giúp cho xác được bảo tồn nguyên vẹn.
Công chúa Ukok
Trong khi bản thân cái xác đã không được bảo quản tốt thì những hình xăm còn lưu lại trên da là thứ rất đáng quan tâm. Những hình xăm vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp chủ nhân đã chết cách đây hơn 2.500 năm. Khi qua đời, công chúa Ukok mới 25 tuổi. Qua nghiên cứu hình xăm cho thấy, nó bao gồm các hình động vật như hươu nai. Con hươu trong hình xăm là loài nai gạc Capricorn và cái mỏ y như của con quái vật mình sư tử đầu chim. Các nhà nghiên cứu tin rằng, Ukok là một thành viên của bộ lạc Pazyryk, một cộng đồng sinh sống trong rặng núi Siberia. Những cư dân du mục này có niềm tin sâu xa rằng các hình xăm giúp cho họ tìm thấy nhau sau khi sang thế giới bên kia. Vì lý do này mà hình xăm của họ thường khá cầu kỳ, tinh xảo trong thế giới thời đó.
Ramesses III
Ngoài những công trình kiến trúc kim tự tháp đồ sộ thì ấn tượng khiến cho cả thế giới hết sức ngưỡng mộ khi nói đến Ai Cập chính là những xác ướp được bảo tồn một cách nguyên vẹn, mở cánh cửa để đi vào quá khứ. Trong thời kỳ đó, có một vài xác ướp khá nổi tiếng, chẳng hạn như vua Tut và Seti I, song đáng quan tâm nhất là xác ướp của Ramesses III, cũng là xác ướp bí ẩn nhất. Ramesses III từng trị vì Ai Cập trong suốt triều đại thứ 20. Trong suốt hơn một thiên niên kỷ, các học giả đã tranh luận khá gay gắt về nguyên nhân nào đã dẫn đến cái chết của Ramesses III. Rất may là nhờ vào những phương pháp khác nhau trong việc bảo quản xác mà thi hài của nhà vua đã được bảo tồn nguyên vẹn. Nhiều câu hỏi đã được trả lời ngay sau khi lăng mộ của Ramesses III được khai quật. Thông qua chụp CT cho thấy, có một vết cắt sâu trên cổ họng ông, dài 7cm và ngay xương sống của nhà vua. Vết cắt này không chỉ gây tổn hại cho các mạch máu chính mà còn ảnh hưởng cả khí quản và thực quản, làm chấm dứt mạng sống của một trong những vị pharaoh hùng mạnh nhất Ai Cập. Nhiều người tin rằng, Ramesses III đã bị hạ sát bởi chính những người con trai của ông.
Nguyễn Thanh Hải (Theo LV)