Kỳ lạ thạc sĩ trốn vào hang đá ngày đêm niệm chú

15-12-2014 14:34 | Thời sự
google news

Đang có một công việc đáng mơ ước tại một cơ quan lớn ở thủ đô, thạc sĩ âm nhạc đùng đùng xin nghỉ việc, trốn vào hang động tu hành.

Kỳ 1: Gặp dị nhân ẩn tích trong hang đá

Ở Hòa Bình, nhắc đến ông khá nhiều người biết. Chính họ cũng không biết tại sao giữa núi rừng thâm u của Hòa Bình, tự dưng có 1 kẻ đùng đùng tìm vào hang đá, sáng tối khoanh chân ngồi bắt ấn niệm chú, tu hành theo trường phái Mật Tông, lánh mặt không tiếp xúc với bất cứ một ai.

Dị nhân tên đầy đủ là Nguyễn Trí Dũng, sinh năm 1953. Trước đó, ông là một trong những cán bộ cốt cán ở một cơ quan lớn ở Hà Nội. Đột ngột, ông từ bỏ tất cả đi tu, nhưng không tu ở chùa mà chọn hang động nơi thâm sơn cùng cốc.

Nhiều người bảo ông bị... hâm, nhưng những ai đã từng tiếp xúc lại khẳng định, ông hoàn toàn bình thường, thậm chí đời tư chẳng có gì khuất tất.

Hang đá nơi dị nhân này tu luyện cách không xa trung tâm thành phố Hòa Bình. Tuy nhiên, đây lại là nơi khá vắng vẻ, ít có bóng người qua lại.

Loanh quanh một lúc, tôi mới hỏi chuyện được một người dân đi nương về. Họ chỉ lên lưng chừng núi, không quên lắc đầu nói theo: “Tu hành được 7 năm rồi đấy. Các cậu đi tìm thì cứ đi, lão có ở nhà cũng không tiếp đâu”.

Cuối lối mòn dẫn đến hang, chặn ngang là chiếc cổng khóa kín, treo thêm tấm bảng ghi dòng chữ: Cấm vào, chủ nhân không tiếp khách, xin thông cảm.

Đằng sau cánh cửa là khu vườn nhỏ trồng đầy hoa cúc, mẫu đơn, bên cạnh là rau xanh, là những thảm vừng – những món dành cho người tu luyện. Người dân xung quanh kể, quanh năm ông chỉ ăn chay đạm bạc. Gạo có người mang đến tận nơi, không bao giờ phải đi ra ngoài mua sắm. 7 năm qua, dị nhân đã tạo cho mình một cơ ngơi khá bề thế, sơn thủy hữu tình.

Tấm biển được gắn ngay ở cửa ra vào, nơi tu hành của dị nhân

Bên trong khuôn viên

Căn nhà nhỏ ngay sát cửa động đóng im ỉm, cứ tưởng chủ nhân đi vắng. Mãi lúc sau, xuất hiện một cái đầu trọc ló ra khỏi cửa. Thấy bóng người lạ, dị nhân vẫy tay xua đuổi, rồi đóng cửa.

15 phút sau, ông ta lại thò đầu ra, rồi lại vẫy tay. Phải đến lần thứ 3 mới chịu xuống mở cửa. Thấy tôi đeo máy ảnh, dị nhân lắc đầu quầy quậy: “Nhà báo hả, giờ tớ đang giai đoạn tu hành, nên không muốn tiếp khách, có duyên đàm đạo Phật pháp thì được”.

Rồi ông mở cửa, lấy chiếu trải lên nền đá trước cửa nhà ngồi uống nước. Dị nhân nói tiếp: “Trước có nhiều người tìm đến, phần lớn họ chỉ la cà, xem phong cảnh, thậm chí cả say rượu cũng đến la lối om sòm. Có đoàn còn đến xin quay phim. Nhưng tớ tu hành theo Mật Tông, trong thời gian tu không muốn phiền nhiễu nên mới treo tấm bảng đó”.

Quan sát kỹ, dị nhân không râu ria xồm xoàm, không áo cà sa rộng thùng thình mà chỉ mặc bộ quần áo màu vàng, khuôn mặt an nhiên tự tại, đầu cạo trọc, cách ăn nói khá hào sảng, có vẻ giống văn nhân nghệ sĩ hơn là dáng dấp của một ẩn sĩ.

Chân dung dị nhân ẩn tu trong hang đá

Ông tự nhận mình là người có căn cơ với nhà Phật, thời gian tu hành đã khá lâu nhưng với dòng tu này, Phật tử không bao giờ được nhắc đến những thành tựu đã đạt được.

Về trường phái của mình, dị nhân lý giải, Mật Tông tức là truyền về những bí mật, châm ngôn của Phật. Nói một cách dễ hiểu là ký hiệu giữa những người tu hành có duyên với Phật, giao tiếp với nhau bằng ký hiệu đó, tự bản tính mình sẽ được khai mở ra.

Riêng phái Mật Tông phải là những người có căn cơ, có duyên từ tiền kiếp, mới “ngộ” được.

Cái “ngộ” của ông chính là việc phái Mật Tông dù ít kiêng kỵ, cấm đoán, nhưng tự dưng ông cảm thấy muốn xa lánh hồng trần, tâm hồn thư thái, vui thú với sơn thủy hữu tình.

Từ ngày lên đây nhập cốc, chỉ cơm nắm muối vừng nhưng thấy thể trạng chẳng hề hấn gì, lại thêm sảng khoái. Hình như ngoài âm nhạc, thứ trời cho, thì nay dị nhân còn khám phá mình có khả năng thích ứng rất nhanh với kiếp tu hành.

Hang đá nơi ông Nguyễn Trí Dũng ẩn cư tu hành theo phái Mật Tông đã được 7 năm

Khi đã giảng giải đủ điều về Phật pháp, dị nhân bắt đầu tâm sự về quá khứ lẫy lừng và cái duyên với nhà Phật của mình.

Ông Dũng sinh năm 1953, quê gốc Thái Bình. Thời trẻ, dị nhân bôn ba khắp nơi, dạy ở trường Sư phạm Việt Bắc (Thái Nguyên), rồi về làm chuyên viên ở đất mỏ Quảng Ninh.

Yêu thích âm nhạc, ông Dũng lại nộp đơn thi vào Khoa Lý luận của Nhạc viện Hà Nội và đỗ thủ khoa, rồi về làm cho một cơ quan lớn của Nhà nước. Cơ quan cử ông sang Úc du học thạc sĩ.

Về nước, được cơ quan đón nhận, phân cho một vị trí không đến nỗi xoàng, nhưng lúc đó máu tu hành đã ngấm sâu vào người, ông đùng đùng xin nghỉ việc tìm chỗ tu hành.

Về duyên số, mọi chuyện bắt đầu từ những năm ông học tại Nhạc viện Hà Nội. Ở quê ông, có tốp thợ về đào mương làm công trình thủy lợi, thì bất ngờ đào được 3 pho tượng bằng kim loại, mỗi pho cao tầm hơn gang tay.

Tượng không mang dáng vẻ như thông thường mà có hình thù khá kỳ quái, trong đó, có 1 pho tượng phụ nữ đứng trên đài sen lại ngửa bụng ra phía trước, kiểu tượng Chăm Pa.

Tốp thợ mang về bán, nhưng mới bán được 1 pho thì liên tục gặp chuyện xui xẻo. Hoảng sợ, họ lên mang lên gửi tại một ngôi chùa ở địa phương, thắp hương làm lễ cầu khấn mấy ngày. Đúng lúc đó, bố của ông lên chùa, thấy tượng đẹp liền xin, rồi gửi về Hà Nội cho con trai mình.

Lúc đầu, dị nhân cứ nghĩ đó là tượng thần linh, lại là đồ cổ, ngay tức khắc tìm mối bán kiếm lời. Được trả giá tới 4 chỉ vàng, tuy nhiên, không hiểu sao dị nhân tự dưng lại đổi ý, dù mấy tay buôn đồ cổ có mấy lần trả giá cao hơn nữa.

Về sau tìm hiểu, ông mới biết đó là tượng Phật của tam thánh tây phương, và những người tu tịnh độ đều thờ 3 vị này, gồm đức A Di Đà, đức Quan Thế Âm, và đức Đại Thế Chí. Pho tượng A Di Đà đã bị tốp thợ làm thủy lợi ở quê bán mất, không biết đến giờ lưu lạc phương nào, dị nhân phải nhờ một thợ đúc đồng lành nghề đúc lại 1 pho tượng mới, với bản vẽ và kích thước y như cũ.

Kể từ đó, 3 pho tượng tam thánh luôn luôn theo sát bên ông, cho đến tận bây giờ.

Theo VTC

 


Ý kiến của bạn