Kỳ lạ nuôi kiến vàng làm 'vệ sĩ' cho cam đặc sản

27-11-2023 10:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Thay vì dùng thuốc trừ sâu, người nông dân Hà Tĩnh áp dụng phương pháp nuôi kiến vàng trong vườn cam để khống chế, tiêu diệt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng.

Hà Tĩnh hiện có hơn 7.700 ha diện tích trồng cam. Cây cam được xem là một trong những cây trồng chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Để có được những sản phẩm đạt chất lượng cao, người nông dân ở các huyện miền núi Hà Tĩnh không ngừng học hỏi kinh nghiệm, sáng kiến kỹ thuật và áp dụng khoa học công nghệ vào việc trồng, chăm sóc cây.

Kỳ lạ nuôi kiến vàng làm 'vệ sĩ' cho cam đặc sản- Ảnh 1.

Dùng kiến vàng để "tiêu diệt" sâu bọ.

Mới đây, người trồng cam ở huyện Vũ Quang đã áp dụng biện pháp sinh học rất đơn giản thay thế thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Đó là mô hình nuôi kiến vàng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng gây hại cho cây ăn quả do Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng 4 - Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Vũ Quang triển khai từ tháng 8/2023.

Mô hình này được thực hiện thí điểm tại các xã Thọ Điền, Quang Thọ và Đức Liên.

Kỳ lạ nuôi kiến vàng làm 'vệ sĩ' cho cam đặc sản- Ảnh 2.

Ông Toại giới thiệu về cách tạo "đường đi" cho kiến vàng.

Ông Lê Quang Toại (SN 1964, trú thôn Đăng, xã Thọ Điền) đang sở hữu trang trại trồng cam rộng 2 héc ta. Trang trại này được ông Toại cải tạo và trồng từ năm 2015 đến nay có 800 gốc cam chanh và cam bù. Trước đó, khi được ngành nông nghiệp khuyến khích nuôi kiến vàng để tiêu diệt các loài côn trùng có hại cho cây trồng, ông Toại đã lên các rừng tràm đưa 4 tổ kiến vàng về thả nuôi tại vườn.

"Trước đây trồng cam, gia đình chúng tôi sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học đã làm ảnh hưởng đến môi trường đất, cây trồng và người tiêu dùng. Sau khi dùng phương pháp nuôi kiến vàng làm "vệ sĩ" để diệt trừ các loài sâu bọ, côn trùng trên vườn cam, bước đầu, có hiệu quả cao", ông Toại cho hay.

Theo ông Toại, kiến vàng là một loài thiên địch vô cùng có lợi trong vườn trái cây. Nó không chỉ có khả năng khống chế, tiêu diệt các loài côn trùng có hại cho cây trồng mà còn giúp tăng độ ngon ngọt cho phần ruột trái. Ông Toại dùng dây cột các gốc cây lại với nhau để tạo đường đi cho kiến.

Kỳ lạ nuôi kiến vàng làm 'vệ sĩ' cho cam đặc sản- Ảnh 3.

Kiến vàng là một loài thiên địch vô cùng có lợi trong vườn trái cây.

Ông Toại cho biết thêm, ban đầu ông đi vào rừng cây keo tìm tổ kiến vàng. Khi phát hiện tổ kiến, ông cắt luôn cả cành cây có tổ kiến đó bỏ vào bao tải bọc kín mang về gác lên cây cam. Để đàn kiến ở lại trên cây cam, ông phải bỏ thức ăn như tép biển hoặc cơm nguội vào các chai nhựa rồi buộc lên cành cam để làm mồi cho kiến. Với vài tổ ban đầu, sau khoảng hai tháng, vườn cam của ông Toại đã có hơn 40 tổ kiến vàng.

"Quá trình nuôi và theo dõi kiến vàng từ khi đưa về thả nuôi trên cây cam, tôi nhận thấy các loài như rệp, bọ xít, nhện đỏ, sâu đục quả, sâu đục thân… đều bị kiến "tiêu diệt" hết. Biện pháp này giúp gia đình đỡ tốn công chăm sóc, chúng tôi rất phấn khởi", ông Toại nói.

Kỳ lạ nuôi kiến vàng làm 'vệ sĩ' cho cam đặc sản- Ảnh 4.

Mô hình nuôi kiến vàng khống chế sâu hại, nhện... rất hiệu quả.

Ông Phan Anh Toản, cán bộ Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng huyện Vũ Quang cho biết, sau gần 3 tháng triển khai mô hình nuôi kiến vàng cho thấy loài này khống chế sâu hại, nhện... rất hiệu quả.

Các vườn cam áp dụng phương pháp nuôi kiến vàng này giúp người nông dân không cần phải phun thuốc để diệt sâu nữa. Đây là một giải pháp sinh học thông minh thay thế thuốc trừ sâu và bảo vệ môi trường, tạo dựng thói quen sản xuất lành mạnh theo hướng hữu cơ, giúp phát triển nông nghiệp xanh bền vững.

Người dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớnNgười dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớn

SKĐS - Mưa lớn kéo dài khiến các vựa cam ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) thối rụng hàng loạt. Người dân hết sức lo lắng bởi cam rụng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.



Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn