Ngày 7/7, Công an TP HCM và BHXH TP HCM tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa hai cơ quan nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Công an TP HCM, gần đây, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như các loại tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp, hoạt động có tổ chức, đường dây và ngày càng tinh vi hơn. Cụ thể, trong tháng 10/2021, ngành công an và BHXH Việt Nam đã phải thông tin cảnh báo về tin nhắn giả danh cơ quan BHXH để lừa đảo nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, sau trường hợp một phụ nữ ở TP HCM đã bị lừa mất hơn 600 triệu đồng vì tin theo tin nhắn của người lạ. Cũng với hành vi lừa đảo qua tin nhắn đến nhận tiền hỗ trợ từ Qũy bảo hiểm thất nghiệp, một số nạn nhân khác tại TP HCM cũng đã bị lừa số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM cũng cho biết, sau khi có người dân tại TP HCM bị lừa hơn 600 triệu đồng, Công an quận Bình Thạnh đã vào cuộc xác minh, tiếp nhận nguồn tin, truy xét lai lịch tội phạm truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân để chiếm đoạt số tài sản lớn trên. Vì vậy, Công an TP HCM và BHXH TP HCM đã quyết định ký kết Quy chế phối hợp giữa hai bên về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Tại lễ ký kết này, hai bên cũng thống nhất về ban hành các văn bản phối hợp (chương trình, kế hoạch, công văn, thông báo…) để triển khai nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2022, Công an TP HCM và BHXH TP HCM cũng sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc họp, hội nghị giao ban, báo cáo chuyên đề; trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan giữa hai bên... từ đó có kế hoạch phối hợp tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc phối hợp thực hiện quy chế trên.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP HCM đánh giá cao việc phối hợp hiệu quả, chặt chẽ giữa BHXH TP HCM với các đơn vị chức năng của Công an Thành phố trong thời gian qua đã góp phần bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, đảm bảo an sinh xã hội và phòng, chống các loại tội phạm trên địa bàn. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ đã góp phần hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực BHXH, BHTN, bảo hiểm thất nghiệp và bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Việc ký kết quy chế phối hợp giữa Công an Thành phố và BHXH TP HCM là cơ chế, hành lang quan trọng để hai đơn vị phối hợp toàn diện, có chiều sâu, thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa trên tất cả các mặt công tác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai ngành. Trong quy chế phối hợp, hai đơn vị tập trung phòng, chống tội phạm liên quan đến ngành BHXH.
Ở đó, ngành công an sẽ hỗ trợ xây dựng phương án, hỗ trợ các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của BHXH, phòng chống ngăn ngừa tôi phạm công nghệ cao lừa đảo qua tin nhắn, điện thoại... liên quan đến các chính sách BHXH. Ngoài ra, ngành công an sẽ hỗ trợ thẩm định, kiểm tra an ninh thiết bị, phương tiện điện tử của BHXH trước khi đưa vào sử dụng tại các bộ phận quan trọng, cơ mật tại đơn vị, cơ quan làm việc để giúp ngành BHXH TP Hồ Chí Minh kịp thời ứng phó, ngăn chặn các hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin của BHXH theo quy định.
Trong giai đoạn năm 2017-2021, BHXH TP HCM đã chuyển cơ quan Công an xác minh xử lý nhiều trường hợp vi phạm có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật. Điển hình, BHXH TP đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố hành vi trốn đóng BHXH, BHYT với 84 đơn vị với tổng số tiền nợ là 158 tỷ đồng. Qua đó có 43/84 đơn vị đã khắc phục số tiền 42,2 tỷ đồng.
"Nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được thời gian qua, ngay sau buổi lễ, tất cả các đơn vị trực thuộc hai đơn vị từ cấp TP đến quận, huyện phải bám sát nội dung Quy chế để cùng nhau xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp chi tiết, cụ thể, sát với tình hình thực tế. Qua đó đảm bảo thực hiện Quy chế đồng bộ, xuyên suốt, phát huy hiệu quả tối đa.
Đặc biệt, trong thời gian tới, triển khai thực hiện ngay Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)".