Hà Nội

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Thủ tục hành chính khiến công dân... “ngại”

28-10-2014 21:18 | Thời sự
google news

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), người dân và dư luận quan tâm là công tác thực hiện các thủ tục hành chính.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), người dân và dư luận quan tâm là công tác thực hiện các thủ tục hành chính. Trước thông tin phản ánh hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong việc cấp sổ đỏ tại Khu đô thị Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm) với phí “bôi trơn” làm sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ, quy trình mập mờ,... Liên quan đến vấn đề này, một số ĐBQH đã đưa ra các ý kiến về vụ việc này nói riêng và tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu nói chung trong thời gian qua.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Sẵn sàng gặp trực tiếp công dân để được lắng nghe phản ánh

Sau khi có đại biểu đưa ra thông tin nói trên tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tháng 10 vừa qua, tôi đã trực tiếp chủ trì cuộc họp với lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng của thành phố để chỉ đạo giải quyết dứt điểm, triệt để vụ việc này. Dự kiến, đến ngày 30/11 tới sẽ có kết luận chính thức. Hiện tại có thể nói, cơ quan thanh tra đã và đang triển khai quyết liệt, đúng trình tự các bước đã được Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo.

Với riêng vụ việc này, ngay từ đầu tôi đã khẳng định sẵn sàng tiếp đơn thư tố cáo, khiếu nại của các đơn vị, cá nhân. Sẵn sàng gặp trực tiếp nếu công dân khiếu nại đăng ký gặp để được lắng nghe phản ánh thực sự từ phía người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có công dân nào gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo hay đăng ký gặp tôi để phản ánh về việc phải “bôi trơn” 8 triệu đồng “chạy sổ đỏ” ở khu đô thị nói trên. Theo tôi, có thể công dân ngại phản ánh với các cơ quan thanh tra vì sợ lộ danh tính... Tuy nhiên, vẫn còn một kênh hiệu quả nữa để công dân có thể phản ánh, đó chính là báo chí. Với vụ việc “chạy sổ đỏ” ở khu đô thị Mễ Trì Thượng, kể cả các thông tin được phản ánh trên báo chí, nếu có tính xác thực, tôi cũng sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm túc.

Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Thực tế, việc bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng chưa được thực hiện tốt

Những vụ liên quan đến chạy công chức hay tình trạng “bôi trơn”, “chạy sổ đỏ” chỗ này chỗ kia do cả ĐBQH và người dân phản ánh mà cơ quan tiếp nhận cứ đòi chứng cứ thì sẽ rất khó khăn. Rõ ràng, ĐBQH cũng qua nhiều kênh để tiếp nhận thông tin và phản ánh nhưng người phản ánh với đại biểu họ cũng ngại bị đưa vào cuộc, ngại bị liên lụy nên người ta không đưa chứng cứ. Thêm nữa, ĐBQH cũng không phải là người đi điều tra, nên chỉ tiếp nhận phản ánh của dân. Thế nhưng, bằng cảm quan thì người đại biểu đánh giá phản ánh đó là có, dù ở mức độ khác nhau nhưng tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, chung chi, bôi trơn... là có. Nay yêu cầu phải cung cấp chứng cứ trong khi người đưa chứng cứ lại không được bảo vệ tốt. Thay vì việc yêu cầu như vậy thì chúng ta có rất nhiều cơ quan chức năng như thanh tra, công an, phải thật khách quan tập trung định hướng điều tra theo dõi những lĩnh vực và những vụ việc cụ thể mà đại biểu và người dân phản ánh để xử lý.

Hiện nay, kể cả quy định của pháp luật và trong thực tế, việc bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng chưa tốt. Tôi đã nhiều lần đề nghị phải có giải pháp và giải pháp đó phải đo đếm được. Ví dụ, năm nay chuyển biến được bao nhiêu, năm sau chuyển biến được bao nhiêu. Thứ hai, là những đánh giá phải có chứng minh. Ví dụ, bộ, ngành nào chống tham nhũng tốt; bộ, ngành, địa phương nào không làm tốt thì phải chỉ ra, lấy ví dụ cụ thể, công khai vào các kỳ họp Quốc hội. Những báo cáo chỉ đích danh những nơi làm tốt và đặc biệt là những nơi làm không tốt thì có tác động rất tích cực. Còn báo cáo chung chung thì chẳng ai sợ cả. Nếu không có địa chỉ rõ ràng thì sẽ rất khó.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Phát hiện tham nhũng, xác định chứng cứ, vật chứng liên quan phải có cơ quan điều tra chuyên nghiệp

Tôi chắc chắn rằng, chỗ này chỗ khác có nhũng nhiễu, tiêu cực chứ không riêng gì Hà Nội. Tôi theo dõi kỹ thì thấy rằng, khi mình đi giám sát, anh em biết có sự xuất hiện của mình thì chắc chắn cán bộ thực thi sẽ không làm khó dễ cho dân. Nhưng tôi đi gặp cử tri thì bao giờ bà con cũng phản ánh có khó khăn. Người dân là người biết hơn ai hết, họ là người trực tiếp đi làm thì chính họ là người phán quyết vấn đề đó chính xác hơn. Thực tế, khi phát hiện tham nhũng, muốn xác định chứng cứ, vật chứng liên quan đến một ai đó chắc chắn rất khó, mà phải có cơ quan công an, cơ quan điều tra chuyên nghiệp. Trong vấn đề này, chúng ta phải thực sự bình tĩnh để cùng ngồi lại tìm cách giải quyết, giải tỏa vấn đề này thì có lợi hơn.

Minh Phong

Trong ngày làm việc thứ 8 (28/10), Quốc hội nghe trình bày Tờ trình; Báo cáo thẩm tra; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Căn cước công dân. Cùng đó, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Hộ tịch; Luật Căn cước công dân.

 


Ý kiến của bạn