Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế

07-06-2019 08:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng.

Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi ngắn, gọn, rõ ràng, tập trung, đi thẳng vào vấn đề chất vấn, đồng thời tranh luận làm rõ thêm nhiều vấn đề quan tâm. Các ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp để khắc phục.

Chưa phát hiện hiện tượng kinh doanh tôn giáo

Sáng 6/6, tham gia trả lời, làm rõ các nội dung các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn liên quan đến hiện tượng kinh doanh tôn giáo. Tại phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề về văn hóa, thể thao, du lịch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định của pháp luật, Hiến chương của Hội Phật giáo Việt Nam, thì không có hiện tượng kinh doanh tôn giáo. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ Nội vụ chưa phát hiện hiện tượng kinh doanh tôn giáo. Song Bộ trưởng cũng thừa nhận, trên thực tế, trong thời gian qua, có một số cá nhân dựa vào cơ sở thừa tự, tôn giáo, niềm tin của nhân dân, của Phật tử để hoạt động mê tín, dị đoan, trục lợi và gây bức xúc trong xã hội.

Về các ý kiến cho rằng một số cán bộ góp tiền để xây chùa, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, theo báo cáo của Ban Tôn giáo, Bộ Nội vụ nắm được thì đến nay chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền xây dựng chùa. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thành lập theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp chung thực hiện. Thời gian qua, việc xây dựng các cơ sở tôn giáo cũng do nhân dân hoặc doanh nghiệp đóng góp.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIVPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn ngày 6/6.

Để khắc phục những tình trạng nêu trên, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ sẽ triển khai một số biện pháp. Thứ nhất, tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có Nghị định xử phạt hành chính các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo. Không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng tôn giáo để làm lệch chuẩn đạo đức, phản văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam; Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo cho người dân, các chức sắc tôn giáo, các nhà tu hành, đặc biệt là tín đồ tôn giáo; Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý tôn giáo; kỹ năng, kiến thức chuyên ngành để tham mưu tốt cho chính quyền địa phương trong quản lý tôn giáo; Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để phát hiện, xử lý kịp thời các hiện tượng vi phạm.

Chưa nhận được báo cáo nào về hiện tượng kinh doanh đền, chùa

Cũng tại phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề văn hóa, thể thao và du lịch, các ĐBQH đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề thương mại hóa các công trình tâm linh cho Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) về vấn đề thương mại hóa công trình tâm linh, gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng công trình tâm linh để kinh doanh, thu lợi là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, quản lý về tôn giáo, chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Đối với khía cạnh quản lý văn hóa, Bộ trưởng khẳng định chưa nhận được thông tin quan chức góp để xây dựng chùa, Bộ trưởng đề nghị, các ĐBQH có thông tin gì thì cung cấp cho Quốc hội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định pháp luật.

Chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận: Dư luận hiện nay cho rằng, có hiện tượng kinh doanh chùa, đền. Trước diễn đàn công khai của Quốc hội, đang tường thuật trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, có hay không hiện tượng này để xóa tan băn khoăn của người dân? Việc sử dụng tiền công đức được quy định phải bảo đảm công khai, minh bạch, nhưng khoản tiền này có thực sự được sử dụng công khai, minh bạch không? Cơ quan nào có trách nhiệm giám sát hoạt động sử dụng khoản tiền này để bảo đảm thực sự được sử dụng công khai, minh bạch?

Trả lời tranh luận này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện một lần nữa khẳng định, Bộ VHTT&DL hiện chưa nhận được báo cáo nào về hiện tượng kinh doanh chùa, đền.

Lên án, đấu tranh với mê tín, dị đoan, trục lợi tâm linh

Phát biểu làm rõ thêm tại phiên chất vấn, sáng 6/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân và tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín, dị đoan; chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi. Các vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Mê tín, dị đoan suy cho cùng là do thiếu hiểu biết nên chúng ta cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hóa, để nâng cao dân trí, để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Có hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh. Những điều này cần sự phân tích có tình, có lý của các nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu văn hóa... những việc chưa tốt, chưa đúng mọi người cùng nhân cái tốt lên và giảm cái xấu. Chúng ta hãy cùng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của các tôn giáo nhưng đồng thời hết sức cầu thị trên tinh thần khoa học để có những ứng xử phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, Phó Thủ tướng nói.


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn