Hà Nội

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Nhiều vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội thảo luận

30-05-2019 21:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, đầu năm 2019, thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019. Xử lý tham nhũng; giá điện, xăng và gian lận thi cử “nóng” ngay đầu phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.

Tăng giá điện, nguồn gốc sâu xa do độc quyền

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, phản ánh về việc tăng giá điện, giá xăng dầu đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, Bộ Công Thương có tờ trình điều hành giá các mặt hàng này với gần 20 trang và 200 phụ lục. Rất nhiều con số lập luận khẳng định bộ làm đúng. Nhưng, đại biểu lấy ví dụ chính bản thân mình là một bác sĩ, cho dù phác đồ điều trị đúng nhưng sức khỏe của bệnh nhân không tốt lên thì bác sĩ vẫn phải xem xét lại phác đồ điều trị đó, vì nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai lại sai ở mắt xích nào đấy. Do đó, ngay lúc này, Bộ Công Thương cần phải dừng lại xem xét, không bảo thủ, che giấu sai lầm.

Vậy nên, khi rất nhiều người dân phản ứng, bức xúc thì Bộ Công Thương cần nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm về phương thức tiến hành, cách quản lý giám sát...; Phải chăng nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành Điện? Đại biểu tỉnh An Giang đặt câu hỏi.

Cũng liên quan đến việc tăng giá điện, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, mặc dù việc tăng giá đã được tính toán nhưng tăng vào thời gian vừa qua là không phù hợp. Chính phủ cần sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện. Khi tăng giá điện chắc chắn sẽ khiến giá nhiều mặt hàng khác tăng theo, gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, Chính phủ cần phòng ngừa hiện tượng tăng giá “té nước theo mưa”, giám sát hoạt động kê khai giá của doanh nghiệp.

Giải quyết tích cực, triệt để gian lận thi cử

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu những bức xúc của cử tri An Giang, mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và chỉ ra người chịu trách nhiệm cụ thể. Nhiều cử tri cho rằng không thể nói đây hoàn toàn do lỗi của địa phương vì không chỉ có một mà nhiều địa phương phát hiện gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua. Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không đánh giá về kết quả thi hằng năm của các tỉnh, thành phố để thấy được tại sao điểm của các tỉnh miền núi kết quả lại cao hơn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh?.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Nhiều vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội thảo luậnĐại biểu Nguyễn Lân Hiếu.

Đại biểu cho rằng: “Nếu phúc tra cả nước, tôi tin còn phát hiện ra nhiều vi phạm. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình, rất cần người nhận trách nhiệm với nhân dân. Có như vậy trong tương lai các thử nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình thi cử mới bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả”.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ, các ĐBQH cũng quan tâm đến tình trạng gian lận thi cử gia tăng. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, các vụ gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đến nay đã gần một năm. Dù Bộ Công an đã vào cuộc tích cực, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương liên quan dường như thiếu quyết liệt trong xử lý.

“Báo cáo của Chính phủ có nêu, quyết tâm không để xảy ra gian lận thi cử trong năm 2019. Nhưng cử tri lo ngại, gian lận thi cử sẽ quay trở lại với hình thức khác, quy mô khác, đối tượng khác vì cái gốc của vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Đó là việc tổ chức thi, hình thức thi, cách quản lý, cách chấm điểm... còn nhiều bất cập. Tất cả những vấn đề này phải được giải quyết tích cực, quyết liệt thì mới “dập tắt” được gian lận thi cử”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Phải coi tham nhũng, thất thoát là “tội đồ”

Cũng trong phiên thảo luận về KT-XH, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhấn mạnh thu hồi triệt để tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ cần thiết. Trong điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, nhiều công trình, hạng mục bảo vệ đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn để đầu tư thì những vụ án kinh tế, tham nhũng đã làm thất thoát của Nhà nước hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng. Các cá nhân gây ra là “kẻ tội đồ” cần phải lên án, pháp luật cần xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các hành vi cố ý gây thất thoát, tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng cho dù nhận bản án cao nhất cũng chưa bảo đảm tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng xã hội. Bởi lẽ, với số tiền ấy nếu không bị thất thoát, tham nhũng chúng ta sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai.

Ngoài chế tài mạnh thì vấn đề thu hồi tài sản là hết sức cần thiết và có tính răn đe cao trong công tác phòng chống tham nhũng, chống được tư tưởng “hy sinh đời bố đi tù để gia đình, vợ con sống an nhàn, sung túc cả đời”. Việc thu hồi tài sản tham nhũng cùng với sự tù tội của bản thân, sự ô nhục của dòng họ cộng thêm trách nhiệm khắc phục hậu quả gây ra thì các đối tượng sẽ không dám phạm tội.


Trần Lâm – Anh Tuấn
Ý kiến của bạn