Kết quả của lấy phiếu tín nhiệm mang nhiều ý nghĩa
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là việc rất quan trọng. Đồng thời, việc này sẽ góp phần đánh giá về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa".
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết thêm, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm là một cách thực hiện đúng chủ trương tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động nhà nước, tăng cường hơn nữa dân chủ xã hội, giúp xây dựng, củng cố nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Đối với cử tri, kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người được bầu đối với cử tri cả nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức có ý nghĩa, có thể tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu/phê chuẩn; không khí dân chủ, tích cực trong xã hội, tất cả giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chung của đất nước.
Chia sẻ về điều này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, đây là hoạt động quan trọng của Quốc hội để đánh giá uy tín, năng lực của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Một nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, đây là lúc sơ kết những điều đã làm được và chưa làm được của các ngành, các lĩnh vực, trong đó vai trò của các "tư lệnh ngành" là vô cùng quan trọng.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, kết quả của lấy phiếu tín nhiệm mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là sự đánh giá chính xác, công tâm, khách quan của các ĐBQH đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm về năng lực phẩm chất trong thực hiện nhiệm vụ được giao; Thứ hai, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là sự ghi nhận, động viên của các ĐBQH đối với những nỗ lực của những người được lấy phiếu, trên cơ sở đó cũng thẳng thắn nhìn nhận lại những yếu kém, tồn tại ở những ngành, lĩnh vực cụ thể để kịp thời có những giải pháp để khắc phục.
Cùng chia sẻ liên quan đến hoạt động này, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cho biết, thông qua hoạt động này nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân. Đồng thời, thay mặt nhân dân giám sát những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Các ĐBQH sẽ tiếp tục phát huy tốt tinh thần trách nhiệm cao
Đánh giá về các nội dung của Kỳ họp thứ 6, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua. Bởi đây là dự án Luật tác động trực tiếp đến nhiều mặt đời sống KT-XH. Hiện nay còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kỳ vọng các ĐBQH sẽ tiếp tục thảo luận sâu sắc, đưa ra phương án tối ưu nhất theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng.
Bên cạnh đó, người lao động trên cả nước cũng đang hướng về dự án Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội xem xét cho ý kiến lần này. Cử tri mong đợi vào những quyết sách hợp ý Đảng lòng dân về tăng quyền lợi cho người tham gia, mở rộng an sinh xã hội cả về diện bao phủ và các chế độ phúc lợi cho người lao động được hưởng khi tham gia chính sách BHXH. Qua đó, người lao động có thể yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với Quỹ BHXH.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm, dự án Luật đất đai (sửa đổi) là dự án luật vô cùng quan trọng, có tác động đến mọi mặt của đời sống KT-XH. Vì vậy, ở mỗi một chính sách đưa ra sửa đổi, Quốc hội đều yêu cầu rất cao và đây là một trong những nội dung thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng về công tác quản lý đất đai. Với tầm quan trọng của dự luật, Quốc hội đã quyết định thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận để dự kiến xem xét, thông qua.
Ngay sau kỳ họp thứ 5, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương rà soát, tiếp thu chỉnh lý đồng thời nhiều lần cho ý kiến trực tiếp tại các phiên họp của UBTVQH. Có thể thấy, đây là dự án luật nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước, đến thời điểm này vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang cho rằng, những nội dung còn ý kiến khác nhau sẽ được UBTVQH báo cáo với Quốc hội đầy đủ để tiếp tục thảo luận, từ đó sẽ có những phúc quyết một cách chính xác nhất, đảm bảo tính khả thi và khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Còn ĐBQH Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang kỳ vọng, các ĐBQH sẽ tiếp tục phát huy tốt tinh thần trách nhiệm cao, tham gia đóng góp các ý kiến thật sự chất lượng nhằm hoàn thiện các báo cáo, các dự án luật, nghị quyết, đặc biệt là những dự án luật sẽ được Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua trong kỳ họp này.
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam cũng mong các vị ĐBQH tiếp tục có những ý kiến đóng góp quan trọng vào những dự án luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến đang được cử tri và nhân dân quan tâm.