Trước đó, cuối phiên họp chiều 22/10, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để QH bầu Chủ tịch nước. Chủ tịch QH nêu rõ: Căn cứ Điều 74 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Điều 8 Luật Tổ chức QH số 57/2014/QH13; Điều 31 Nội quy kỳ họp QH; Điểm 4 Nghị quyết số 34 ngày 6/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII, Ủy ban Thường vụ QH giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ĐBQH khóa XIV đã được Ban Chấp hành TW Đảng thống nhất rất cao, giới thiệu để QH bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước.
Theo kết quả được Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố, đa số đại biểu có mặt đã tán thành và bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.
“Dưới cờ đỏ Tổ quốc, trước QH và nhân dân cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ.
Phát biểu trước QH ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Tôi nói thực là vừa mừng vừa lo. Mừng vì được QH và nhân dân tin cậy yêu mến, lo làm thế nào hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước... Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín trên trường quốc tế như hiện nay. Ta có quyền tự hào về thành tựu toàn Đảng, toàn dân đã đạt được. Nhưng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên bầu nguyệt quế”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ thêm, thời gian vừa qua đất nước đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Do đó, ông cho rằng còn rất nhiều nhiệm vụ nặng nề đang chờ trước mắt. Cần hết sức cảnh giác, trách nhiệm trước diễn biến mới. Bởi trên thế giới hiện nay, không biết điều gì sẽ xảy ra, không chủ quan”, ông nói.
Cũng trong sáng 23/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT đối với ông Trương Minh Tuấn. Chiều 23/10, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu QH về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT đối với ông Trương Minh Tuấn.
Sau khi quy trình miễn nhiệm hoàn tất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT. Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT. Ngày 24/10, QH phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT bằng bỏ phiếu kín.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, đây là việc làm cần thiết, tạo thuận lợi cho quan hệ ngoại giao và trong công tác điều hành đất nước. Tôi cho rằng sự tín nhiệm của TW Đảng thể hiện kỳ vọng, sự đồng tình ủng hộ của người dân cả nước. Đặc biệt, thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn lớn, được nhân dân cả nước tin tưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được QH bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, mong đợi. Vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia trong quá trình mở rộng quan hệ ngoại giao. Người đứng đầu Đảng cầm quyền lại đứng đầu Nhà nước sẽ giúp cho quá trình lãnh đạo, điều hành được thuận lợi hơn, xuyên suốt hơn.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) cho rằng, trong điều kiện hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước là phù hợp và cần thiết. Trong vai trò Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác, đặc biệt trong công tác phòng, chống tham nhũng..., việc QH bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước đã được Hội nghị TW 8 xem xét kỹ lưỡng. Bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết của người đứng đầu Nhà nước. Nhìn từ góc độ công tác đối ngoại, khi người đứng đầu Đảng cũng là người đứng đầu Nhà nước thì công tác lãnh đạo phát triển đất nước về kinh tế - xã hội nói chung sẽ thuận lợi hơn trong tình hình mới.