Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV: Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết quan trọng

12-11-2018 06:56 | Thời sự

SKĐS - Ngày 12/11, theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết quan trọng đó là: Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Cũng theo chương trình làm việc trong ngày 12/11, các ĐBQH sẽ thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Với dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là một trong 6 dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Bố cục dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều. Luật chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 2 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam, các tác hại chủ yếu từ 2 loại sản phẩm này phù hợp với thực tiễn và khả năng quản lý hiện nay. Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật này.

Trước đó, ngày 9/11, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các ĐBQH đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, đặc biệt tại thời điểm hiện nay khi thực trạng sử dụng rượu bia ở mức cao, gia tăng nhanh và đáng báo động. Do đó, việc xây dựng luật này sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân, giảm các tác động không mong muốn của việc lạm dụng rượu, bia trong cuộc sống như ảnh hưởng tới an toàn giao thông và các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, sử dụng rượu, bia không hoàn toàn có hại. Thậm chí, việc sử dụng rượu, bia đúng liều lượng còn mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Hơn nữa, ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn đã đóng góp hơn 50 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, chiếm 1,7% GDP. Vì vậy, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia phải hài hòa được những tác động tích cực và những mặt xấu của ngành này.

Nhiều ĐBQH đồng tình với tên gọi của dự thảo luật là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng tên gọi của dự án luật nên là “Luật Phòng, chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia” hay “Luật Phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn”. Ý kiến khác cho rằng nên có chính sách tăng thuế đối với các sản phẩm rượu bia, quản lý chặt chẽ việc sản xuất tiêu thụ rượu có nguồn gốc sản xuất thủ công.

Đa số đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam là nước tiêu thụ bia, rượu hàng đầu thế giới và bệnh tật từ bia, rượu cũng rất nhiều, tác hại của rượu bia gây tai nạn giao thông đang ở mức báo động. Trong khi đó, thu nhập của người dân còn thấp. Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn về các điều của dự án luật nhưng Bộ Y tế sẽ điều chỉnh để Quốc hội thông qua luật càng sớm càng tốt, hướng đến mục đích là phòng chống tác hại của rượu, bia.

Bên lề hành lang Quốc hội, PV báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi nhận một số ý kiến của các ĐBQH xung quanh dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): “Việc ban hành luật này là cần thiết”

Tôi đánh giá cao những nỗ lực và tâm huyết của Bộ Y tế trong việc soạn thảo bộ luật. Bộ Y tế đã có trách nhiệm, quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng nhân dân. Việc ban hành bộ luật này là cần thiết, vì rượu bia trong khoảng một thập kỷ vừa qua đã gây nhiều tác hại trong đời sống sức khỏe, đạo đức xã hội... Do đó rất cần thiết ra đời một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu, bia hiện nay.

ĐBQH Nguyễn Tạo.

ĐBQH Nguyễn Tạo.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng): “Cần có những cơ chế kiểm soát, chế tài xử phạt”

Tôi rất băn khoăn vì hiện nay đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số có sản xuất rượu thủ công truyền thống khá phổ biến, thiếu sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, chúng ta ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng cần có những cơ chế kiểm soát, chế tài xử phạt đối với tổ chức cá nhân sản xuất bia, rượu và tiêu dùng không đúng quy định. Bên cạnh đó, chúng ta phải có quy chuẩn cho quy trình sản xuất, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm và những quy định bảo đảm tính pháp lý để vừa phát triển sản xuất, kinh doanh ngành chế biến nhưng vẫn đảm bảo được sức khỏe cộng đồng.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn.

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội): “Cần dung hòa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế”

Theo thống kê nghiên cứu của các tổ chức trên thế giới, nếu chúng ta giảm đi 1 đồng về các doanh thu từ rượu bia hoặc bỏ ra 1 đồng làm các công tác phòng chống tác hại của rượu bia thì chúng ta sẽ có lợi 9,3 đồng từ việc cắt giảm phí điều trị các biến chứng, bệnh lý có hại từ rượu bia gây ra. Do vậy so sánh giữa lợi ích về kinh tế, lợi ích sức khỏe, lợi ích xã hội việc xây dựng luật cần đứng trên quan điểm phát triển bền vững, tức là dung hòa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế, trong đó lợi ích sức khỏe phải đóng vai trò nền tảng.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn