Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định).
Trước đó, trong tuần qua, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết quan trọng như: Biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019. Biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Và biểu quyết thông qua các Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Cũng trong cuối tuần qua, thảo luận tại phiên họp toàn thể ở hội trường về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo về sự cần thiết ra đời Luật. Theo đó, nhiều đại biểu nhất trí với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” và cho rằng tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền và tiếp cận pháp luật của nhân dân. Tên gọi này không chỉ bao hàm phạm vi điều chỉnh đối với hành vi của người sử dụng rượu, bia mà còn xác định trách nhiệm của các chủ thể khác, đồng thời thể hiện rõ quan điểm phòng, chống tác hại của rượu, bia phải được tiến hành chủ động từ sớm, bằng các biện pháp phòng ngừa chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực.
Một số đại biểu cũng chia sẻ với sự khó khăn của Ban soạn thảo khi xây dựng Luật này vì cho rằng thực tế thói quen sử dụng rượu bia đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước chứ không riêng gì nước ta và lợi ích của ngành công nghiệp rượu bia mang lại hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước là tương đối lớn, tạo việc làm cho một khối lượng không nhỏ lao động trực tiếp và gián tiếp.
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành cao sự cần thiết ban hành luật với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, việc ban hành luật nhằm ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động ở Việt Nam. Ủy ban Thẩm tra cũng chỉ ra rằng, quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhiều nghiên cứu khác nhận diện rượu, bia là một trong những yếu tố có hại cho sức khỏe; là 1 trong 5 nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tật, khuyết tật và tử vong đang diễn ra phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nắm rõ rượu và bia là hai sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau và chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật là khác nhau. Do vậy, không nên đồng nhất giữa rượu và bia để đưa ra các biện pháp, chế tài giống nhau là trái với pháp luật hiện hành, ví dụ cụ thể như sau: Tại Khoản 3 Điều 20 dự thảo luật quy định “không được bán rượu, bia trên mạng internet”. Với quy định như trên có thể chỉ áp dụng đối với rượu với lý do: Rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Còn quy định đối với bia không được bán hàng trên ineternet là trái với pháp luật hiện hành. Vì theo Luật Đầu tư năm 2014, bia không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do vậy, bia phải được đối xử bình đẳng như các hàng hóa khác kinh doanh không có điều kiện, trong đó có quyền bán trên internet. Do vậy, nếu quy định không được bán bia trên internet là trái với quy định tại Khoản 4 Điều 5 của Luật Đầu tư, trái với Điều 10 Luật Thương mại, trái với Nghị định số 105/2017 của Chính phủ, trái với chủ trương của Chính phủ.
Nói về việc cấm sản xuất rượu thủ công, đại biểu Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) cho rằng, mặc dù đã có Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 105 năm 2017 về quản lý, sản xuất, kinh doanh rượu nhưng trong thời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu chứa methanol vẫn còn nhiều, diễn biến vẫn còn phức tạp, thậm chí có nhiều vụ gây chết người. Nguyên nhân là uống rượu không rõ nguồn gốc. Do vậy, việc kiểm soát sản xuất rượu thủ công là vấn đề cấp bách, cần làm ngay và thường xuyên nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. Theo đại biểu, việc cấm sản xuất rượu thủ công là khó khả thi. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng rượu và nói không với rượu thủ công không rõ nguồn gốc, thì đòi hỏi cần có mô hình quản lý mới hiệu quả hơn.
Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp của các đại biểu đều xác đáng ở những khía cạnh khác nhau và Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần ban hành chính sách là “vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm”. Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, giải pháp hạn chế tác hại của rượu, bia là giảm tính sẵn có của đồ uống này, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và kiểm soát quảng cáo. Vì vậy, phải đặt lên bàn cân giữa cái lợi về kinh tế và cái lợi về an sinh xã hội, sức khỏe con người. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để tiếp tục trình Quốc hội.