Theo đánh giá của UBTVQH qua các báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ.
Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Ảnh: Trần Minh
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội
Tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội ghi nhận những nỗ lực và kết quả cụ thể của Chính phủ, các Bộ, ngành, trong việc thực hiện các Nghị quyết số 33/2016/QH14, Nghị quyết 44/2017/QH14, Nghị quyết 55/2017/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn trong các lĩnh vực mà các Bộ, ngành phụ trách, cụ thể:
Trong lĩnh vực Công thương, công tác xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp một cách thống nhất, đồng bộ, đúng yêu cầu; nhiều dự án đã từng bước giảm lỗ, dần đi vào ổn định và bước đầu có lãi... Tuy nhiên, những vướng mắc tại một số dự án xử lý còn chậm như xử lý tranh chấp, công tác quyết toán hoàn thành tại một số hợp đồng EPC; tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm có diễn biến phức tạp; một số tiêu chí trong ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Năng lực của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu.
Trong lĩnh vực Tài nguyên và môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục được rà soát, đánh giá. Nhiều giải pháp kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường chưa được sửa đổi kịp thời. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các làng nghề. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hạn chế, chế tài xử lý chưa nghiêm...
Trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo, việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, Đề án dạy và học ngoại ngữ cơ bản thực hiện theo lộ trình và đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các đề án còn chậm so với kế hoạch, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều. Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia còn một số tồn tại nhất định, xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại một số địa phương ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội.
Trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tình trạng xuống cấp về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội đang ở mức nghiêm trọng. Hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa và khai thác, sử dụng các công trình thể thao ở cơ sở chưa cao. Trách nhiệm quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ nét trong việc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực y tế, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng lên; chất lượng chuyên môn cũng như thái độ ứng xử của cán bộ y tế có chuyển biến tích cực. Nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ trong điều trị được sử dụng. Tỷ lệ người có thẻ bảo hiểm y tế tăng nhanh. Công tác quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc tại cơ sở bán lẻ được kiểm tra và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Lợi thế của y học cổ truyền cần được phát huy tối đa..., tình trạng an ninh bệnh viện, bạo hành với cán bộ y tế tại bệnh viện vẫn còn xảy ra. Trang thiết bị y tế của một số cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu. Nguồn nhân lực tại y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.
Trong lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư, việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, đặc biệt khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn còn những tồn tại, bất cập. Việc tái cơ cấu đầu tư vẫn mang tính ngắn hạn. Công tác xác định và lựa chọn tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của một số công trình, dự án đầu tư công còn khó khăn.
Trong lĩnh vực Tài chính, số lượng thủ tục triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia còn thấp so với yêu cầu. Kết quả thu ngân sách từ các khu vực quan trọng nhiều năm không đạt dự toán có thể dẫn đến một số nguy cơ rủi ro tài khóa trong quá trình quản lý vay và trả nợ công. Công tác thu hồi nợ đọng gặp nhiều khó khăn. Một số nơi vẫn xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, vi phạm các quy định về quản lý thuế.
Trong lĩnh vực Ngân hàng, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Chính phủ chưa báo cáo kết quả xử lý nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước Trung ương, địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình, dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nợ được bảo lãnh.
Trong lĩnh vực Thông tin và truyền thông, Chính phủ đã quyết tâm trong việc triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử trong công tác hành chính. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh. Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hiệu quả hoạt động chưa cao; tiến độ phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 còn chậm. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí đưa tin theo hướng giật gân, câu khách gây phản cảm.
Đối với lĩnh vực Tư pháp, vẫn còn một số vụ việc dân sự quá hạn do nguyên nhân chủ quan của tòa án. Tỷ lệ bản án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan mặc dù giảm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn... Các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố và tỷ lệ điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 37; việc điều tra, khám phá nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm nhưng tỷ lệ phát hiện còn thấp...
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay thì đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, thu hút được sự quan tâm của đại biểu cũng như cử tri cả nước. Tại phiên chất vấn, không lựa chọn Bộ trưởng cụ thể nào tham gia trả lời chất vấn. Hầu hết các Bộ trưởng, trưởng ngành đều chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn. Việc đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn lần này khá hay, càng ngày càng hiện đại. Như vậy sẽ tạo sự chủ động, năng động của từng Bộ trưởng. Qua đây các Bộ trưởng đều phải rà lại công việc, nắm chắc công tác chỉ đạo điều hành để sẵn sàng trả lời đại biểu trước Quốc hội.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum): Phần lớn các chất vấn, lời hứa cơ bản đều được giải quyết.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phần lớn các chất vấn, lời hứa của Bộ trưởng, trưởng ngành cơ bản đều được giải quyết. Đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Bộ trưởng, trưởng ngành. Đại biểu cho rằng, việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội thể hiện rõ nhất trong Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6, đó là 12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt kế hoạch. Điều này chứng tỏ nỗ lực của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong thực hiện lời hứa, chất vấn của đại biểu.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An): Thể hiện trách nhiệm về việc thực hiện lời hứa
Đổi mới tại phiên chất vấn này giúp nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, rút ngắn thời gian đặt câu hỏi của đại biểu. Việc trả lời của các thành viên Chính phủ đi thẳng vào vấn đề trong thời gian 3 phút đã tạo điều kiện cho đại biểu có thời gian chất vấn nhiều vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm, bức xúc. Điều này cũng đồng nghĩa tư lệnh các ngành cũng phải nắm chắc vấn đề quản lý và trả lời khái quát, ngắn gọn đầy đủ cho đại biểu. Qua đó đánh giá năng lực, trình độ và khả năng quán xuyến và nắm bắt các lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý thể hiện trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước cử tri cả nước về việc thực hiện lời hứa.