Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Đa số đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP

05-11-2018 06:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 5/11, Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ 3, một nội dung quan trọng được đưa ra theo chương trình làm việc kỳ họp này - đó là việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã được các đại biểu tiến hành thảo luận.

Đa số đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.

Tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm. Đa số đại biểu cho rằng: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP thể hiện cam kết mạnh mẽ đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò, vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP giúp Việt Nam vừa có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều đại biểu cũng cho rằng: Việc tham gia Hiệp định CPTPP là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Nhiều đại biểu cho rằng: Tham gia CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế khi chủ nghĩa bảo hộ đang có xu thế phát triển. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế, đặc biệt trong mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông qua sân chơi quốc tế như vậy, Việt Nam học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; lựa chọn những sản phẩm chủ chốt, thế mạnh của mình để tham gia thị trường chung.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn, bởi việc tham gia Hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. Đây sẽ chính là những thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động việc làm, an toàn thực phẩm, an toàn thông tin...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Cơ hội và thách thức

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Cơ hội đầu tiên của Việt Nam là có thể đẩy nhanh sự hội nhập quốc tế, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhanh hơn, mạnh hơn, tiến bộ hơn. Việt Nam có cơ hội tạo ra những sản phẩm chất lượng với giá cả thích hợp. Khi ký kết Hiệp định CPTPP, các quốc gia trong đó có trình độ phát triển kinh tế cao nên chắc chắn sẽ đánh vào phân khúc thị trường chất lượng cao, không phải là các mặt hàng giá rẻ. Bên cạnh đó, phải nghĩ đến cải tiến và nâng cao năng suất lao động, chú trọng về yếu tố năng suất, con giống mới với năng suất cao và an toàn phải đặt lên hàng đầu...

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) nhận định: Việt Nam sẽ phải đưa ra những cam kết rõ ràng hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, CPTPP sẽ thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng cân bằng hơn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài, đại biểu Sinh cho biết.

Cũng trong tuần qua, tại phiên họp chiều 2/11, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; quy hoạch khu chức năng; vấn đề công bố công khai thông tin quy hoạch, việc lấy ý kiến về quy hoạch... Các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn