Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng

21-05-2018 09:19 | Thời sự

SKĐS - Sáng 21/5, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Theo kế hoạch, kỳ họp này Quốc hội dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng; tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội; xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Quốc hội xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết

Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV khai mạc vào sáng ngày 21/5, Quốc hội sẽ làm việc trong 20 ngày (không kể ngày nghỉ); Kỳ họp bế mạc vào ngày 15/6. Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp). Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Với Luật Tố cáo (sửa đổi), dự thảo đang được nghiên cứu để bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Để bảo đảm tính khả thi của việc mở rộng hình thức tố cáo, dự thảo luật đã được bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Còn về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm có những ưu đãi có tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế; có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.

Dự thảo Luật trình xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp này tập trung vào những nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi, kết cấu của Luật và những nguyên tắc áp dụng Luật; quy hoạch đặc khu; cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; ngân sách và ưu đãi đầu tư; cơ chế, chính sách đặc biệt về lao động, tiền lương, an sinh xã hội và cơ chế, chính sách đặc biệt khác; tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu; việc quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; vấn đề chuyển tiếp và triển khai thi hành Luật.

Trong số các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến đáng chú ý có dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Văn phòng Quốc hội cho biết, dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến Quốc hội để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng vừa bảo đảm tính khả thi.

Sẽ áp dụng hình thức trả lời chất vấn ngay

Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, người hỏi có 1 phút và người trả lời là 3 phút. Hình thức này vừa qua được thí điểm tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với việc chất vấn 2 vị Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - PV). Kết quả của việc thí điểm này có thể nói là tốt, thể hiện qua mấy điểm: Thứ nhất, người hỏi chỉ có 1 phút nên phải chọn lọc nội dung rất ngắn gọn, rất rõ ý. Thứ hai, chính vì người hỏi gọn nên người trả lời cũng rất nhanh, tập trung trả lời, đi thẳng vào vấn đề chứ không kiểu lòng vòng. Khi áp dụng cách thức này với thời lượng phiên chất vấn như trước đây (3 ngày) sẽ có thêm cơ hội cho nhiều đại biểu Quốc hội được chất vấn hơn, như vậy, số người chất vấn cũng sẽ tăng lên, có thể sẽ tăng lên gần gấp đôi so với các kỳ chất vấn trước.


H. Phong
Ý kiến của bạn