Hà Nội

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV: Vẫn “nóng” các vấn đề kinh tế xã hội

28-05-2018 06:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 28/5, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu (ĐB) đã nêu ý kiến về các vấn đề phòng, chống tham nhũng; những hành vi suy thoái đạo đức; bạo hành trẻ em, bạo lực học đường…

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận.

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Về phòng, chống tham nhũng, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, thời gian qua, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp. Chia sẻ ý kiến của cử tri, ĐB Dung cho biết: “Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh. Lương cán bộ ở cơ sở 1 tháng chỉ 1,3 triệu đồng, dù thấp vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ”. ĐB Dung cho rằng cần hoàn thiện thể chế và nhanh chóng thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vào Kỳ họp thứ 6, sớm đưa vào thực thi.

Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, đặc biệt là việc thất thoát NSNN, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, tình hình thực hiện sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách, đất để qua nhiều năm không sử dụng, trong khi nhân dân không có đất để sản xuất. Tình trạng dự án treo vẫn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ, chọn đất vàng để chuyển nhượng làm lợi cá nhân nhưng lại thất thoát tài sản nhà nước. Cử tri kiến nghị Nhà nước cần tính toán lại định mức, bù giá, trượt giá, đội giá nếu không sẽ thất thoát hơn.

Đến năm 2020, hoàn thành giải quyết 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành công thương

Liên quan đến việc xử lý 12 dự án còn tồn tại, báo cáo giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo xử lý, hiện đã triển khai nghiên cứu đánh giá toàn bộ lại các dự án này. Ban Chỉ đạo đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án; phấn đấu hết năm 2018 sẽ xử lý cơ bản những tồn tại lớn của 12 dự án này, đến năm 2020 hoàn thành xử lý, đồng thời có giải pháp ngăn chặn việc hình thành những dự án yếu kém mới trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với tinh thần không cấp thêm vốn Nhà nước cho việc xử lý các dự án này, đến nay, trong số 6 dự án dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thua lỗ, có 2 dự án đã hoạt động trở lại và có lãi mặc dù lãi còn ở mức khiêm tốn, đó là Nhà máy phân bón DAP Hải Phòng, Nhà máy thép Việt Trung. Đối với 3 dự án: PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước thì Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã hoạt động trở lại, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhà máy với đối tác nước ngoài. Hiện đã có 1 dây chuyền hoạt động, sắp tới sẽ có 3 dây chuyền hoạt động.

Cho rằng việc thực hiện các giải pháp này mới chỉ ở khía cạnh kinh tế thương mại và hiệu quả của dự án, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, vấn đề rất quan trọng là việc xử lý các sai phạm của các cá nhân và tổ chức. Đến nay, về cơ bản, cả 12 dự án này đều đã được các cơ quan chức năng gồm: Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước… lần lượt tiến hành các hoạt động điều tra, cơ bản bước đầu đã chỉ ra rõ những sai phạm của các cá nhân và tổ chức ở mức độ khác nhau và đang tiếp tục hoàn thiện những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, cố ý làm trái thì đã có xử lý bước đầu với một số cá nhân, tổ chức.

Mạnh tay ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi mất nhân tính

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, cho rằng năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tình hình KT-XH đất nước đạt được nhiều kết quả nổi bật với những con số hết sức ấn tượng. Lần đầu tiên 12/13 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo ĐB, thời gian qua đã xảy ra những chuyện động trời, khó tin, hành vi mất nhân tính: Dùng than tre làm thuốc chữa ung thư, cà phê trộn pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng, hiện tượng bạo hành dã man trẻ em trong các trường mầm non… Đi tìm nguyên nhân của tình trạng này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: “Do đạo đức xuống cấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị ngăn chặn, đẩy lùi hành vi mất nhân tính như trên càng sớm càng tốt”.


H. Phong
Ý kiến của bạn