Hà Nội

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Chưa thông qua một số dự án luật là tôn trọng ý kiến cử tri

11-06-2018 06:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong tuần làm việc vừa qua, việc Chính phủ thống nhất với UBTVQH trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã được sự đón nhận của đông đảo cử tri cả nước.

Nó thể hiện sự tôn trọng ý kiến của cử tri với mong muốn chính quyền từ Trung ương đến địa phương lắng nghe tiếng dân để có những quyết sách hợp lòng dân, đồng thuận cùng chia sẻ và đồng lòng trong việc xây dựng, phát triển đất nước...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của báo chí về dự thảo Luật Đặc khu sáng 7/6 tại Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của báo chí về dự thảo Luật Đặc khu sáng 7/6 tại Quốc hội.

Chưa thông qua không phải vì áp lực dư luận

Cũng trong những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, các chuyên gia, nhân sĩ, trí thức, đã phân tích, bày tỏ ý kiến rất sôi nổi về dự thảo này. Lo lắng cũng lắm mà kỳ vọng cũng nhiều. Trên tinh thần xây dựng và đưa ra những ý kiến mong muốn vì sự phát triển của đất nước hôm nay và cho cả tương lai mai sau. Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe những ý kiến của cử tri và nhân dân, quyết định lùi lại để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị ĐBQH, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Việc lùi lại không phải vì áp lực dư luận mà đó là sự tôn trọng ý kiến cử tri và người dân của Chính phủ, Quốc hội để đi đến sự thống nhất.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Chính phủ “rất lắng nghe ý kiến của nhân dân, và các ĐBQH, giới trí thức và các lão thành cách mạng, cả giới Việt kiều trong việc xây dựng Luật Đặc khu kinh tế”. Và quyết định lùi lại để nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân là minh chứng cho thấy, Chính phủ rất khẩn trương, cầu thị và tôn trọng ý kiến cử tri.

Cùng trong tuần qua, sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018, Quốc hội tiến hành biểu Quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này. Kết quả biểu quyết 100% các ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành việc thông qua.

Nhiều dự án luật sẽ lùi lại  kỳ họp sau

Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Nghị quyết quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 34/2017/QH14 các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Công an nhân dân (sửa đổi) (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý thuế (sửa đổi) (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6); Nghị quyết của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Nghị quyết điều chỉnh thời gian trình các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8). Đưa ra khỏi Chương trình năm 2018 các dự án sau đây: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Công an xã.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, theo Nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 7 trình Quốc hội thông qua nhiều luật trong đó đối với ngành y tế sẽ trình Quốc hội cho ý kiến: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cùng với đó là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai... và một số luật khác.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn