Hà Nội

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Các thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn

06-06-2018 09:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 4 - 6/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, nhiều vấn đề “nóng” được tranh luận thẳng thắn theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội; các đại biểu đặt câu hỏi ngắn, gọn, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

Đại biểu “truy” Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình trạng xâm hại trẻ em

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Tiếp tục phiên chất vấn, ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, nổi bật là các vấn đề liên quan đến thực trạng thị trường lao động ở Việt Nam; các giải pháp về giáo dục nghề nghiệp; bảo vệ người lao động tại khu vực FDI; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) về giải pháp cho vấn đề xâm hại trẻ em, Bộ trưởng cho biết: Gần 60% người xâm hại trẻ em chính là người thân, người quen các em. Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần tăng cường quản lý nhà nước, các Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, công an các cấp cần phối hợp với nhau; tăng cường giáo dục cộng đồng, quản lý trong gia đình; Phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật, bảo vệ quyền trẻ em trong tố tụng, chú trọng xử lý nghiêm các vụ việc...

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn giơ biển tranh luận. Theo đại biểu Tuấn, những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đều khó phát hiện, bằng chứng mất dần theo thời gian. Do đó, việc xử lý tố cáo, xét xử phải làm rất nhanh mới có bằng chứng để kết tội. Bị hại là các cháu bé, nhận thức chưa tốt trong khi nhận thức của cơ quan xét xử còn khác nhau mà vụ việc tại Vũng Tàu vừa qua là ví dụ.

Cũng liên quan đến tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Theo báo cáo không đầy đủ, mỗi năm có 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo hành được ghi nhận. Thủ tướng đã phân công các cấp ngành địa phương có giải pháp cho tình trạng này, xử lý nghiêm các trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không đồng tình với báo cáo này vì thống kê sơ bộ tình trạng xâm hại tình dục đã là 1.500 vụ. Đại biểu hỏi: “Bộ trưởng còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về trẻ em thì có giải pháp gì?”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) liên quan đến vấn đề tại một số thị trường tốt có hiện tượng nhiều lao động xuất khẩu trốn việc hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận thực tế tại một số thị trường tiềm năng, có thu nhập cao thì tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước lớn, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc (năm cao nhất là 55%, trong khi các nước bình quân là 15%). Vì lý do này mà Hàn Quốc trong 4 năm đã không ký hợp đồng lao động với ta. Vừa qua, Chính phủ đã có quyết tâm cao, tập trung các giải pháp như tổ chức ký quỹ, vận động, yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm thuyết phục... Đặc biệt, kiên quyết làm việc với phía bạn vì một trong những nguyên nhân lao động bất hợp pháp là bởi chủ doanh nghiệp cũng có nhu cầu và những người ở lại thường là tay nghề cao, thu nhập cao...

Không thừa nhận, xử lý giao dịch “ngầm” về đất đai

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội); Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chất vấn giải pháp xử lý tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp; thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; quản lý thị trường đất đai tại 3 địa phương đang xây dựng đặc khu...

Bộ trưởng cho biết, các khu, cụm công nghiệp chủ yếu do cấp huyện quản lý, do thiếu vốn nên về cơ bản không có hạ tầng hoặc hạ tầng không kết nối; trong cụm công nghiệp lại bố trí dân cư ở... dẫn tới tình trạng hình thành các khu dân cư ô nhiễm, chuyển ô nhiễm từ làng nghề ra các cụm công nghiệp... Bộ trưởng cho biết, tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định về vấn đề này, trong đó có quy định trách nhiệm cụ thể của cấp tỉnh, cấp huyện... trong đảm bảo môi trường.

Về tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, Bộ trưởng thừa nhận tình trạng này là rất lớn, cần có giải pháp quan trắc, kiểm soát (dù chưa đến mức nghiêm trọng như 1 tổ chức đã công bố)... Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành kế hoạch giám sát môi trường không khí, công bố công khai để nhân dân biết, giám sát, có giải pháp để giảm nguồn thải từ giao thông, xây dựng; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ khi thu hoạch...

Về tình hình thị trường đất đai tại một số địa phương xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này liên quan đến tầm nhìn. Vừa qua, cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch “ngầm”.

Theo Bộ trưởng, từ 10 năm trước, đất đai ở khu vực làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự mà dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán “ngầm” vẫn diễn ra. Vấn đề sốt đất là đương nhiên nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất rừng, đất đặc dụng thành đất xây dựng, hệ quả khó lường. Nếu các giao dịch trái pháp luật thì khi đền bù, thu hồi đất cần phải áp dụng sao cho công bằng.

Đường sắt: Bộ Giao thông Vận tải  nhận “tham mưu kém”, ĐB nói Bộ “bỏ rơi đầu tư”

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Trước đó, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Doanh nghiệp phản ánh tình trạng ở một số địa phương chỉ có 1-2 doanh nghiệp được chỉ định thầu hoặc đấu thầu có dàn xếp các dự án giao thông, doanh nghiệp bên ngoài không “chen chân vào được” dẫn đến tình trạng đội vốn đầu tư, một số nhà đầu tư không đủ năng lực, kéo dài dự án..., vậy có tình trạng này hay không, giải pháp khắc phục như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo quy định, mọi dự án BOT đều được tổ chức đấu thầu và thông báo mời thầu công khai trên mạng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, có thể nhiều nhà đầu tư chưa rõ thủ tục hoặc ít quan tâm... nên dẫn đến có những dự án BOT dù đã kéo dài thời gian thông báo mời thầu nhưng chỉ có 1 nhà thầu tham gia... nên không thể tổ chức đấu thầu (ít nhất có 2 nhà thầu đăng ký trở lên), buộc Bộ GTVT phải chỉ định thầu theo quy định.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM), Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt và giải pháp giảm tai nạn giao thông đường sắt... Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, giao thông đường sắt là tuyến đường quan trọng của đất nước, nếu giải quyết tốt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều, tuy nhiên, ngành GTVT “tham mưu kém” nên chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Bộ nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu.

Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Bích Châu cho rằng, Bộ chưa quan tâm đến đường sắt vì trong báo cáo rất sơ sài, bên cạnh đó, Bộ trưởng chưa có giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông đường sắt xảy ra liên tục như những ngày vừa qua. Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng không phải do Bộ “tham mưu kém” mà hầu như “bỏ rơi” đầu tư cho đường sắt vì đầu tư cho đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn...

Bên cạnh đó, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về các vấn đề: rà soát lại quy trình đào tạo lái xe; vì sao chênh lệch giữa hợp đồng và kiểm toán dự án BOT; xử lý xe quá khổ, quá tải; tiến độ thực thiện và trách nhiệm của Bộ GTVT trong giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; giải pháp căn cơ để giảm tai nạn giao thông…

Thủ tướng sẵn sàng lắng nghe ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Liên quan đến một số quy định tại dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phóng viên báo chí trong đó có vấn đề thời hạn tối đa cho thuê đất lên tới 99 năm.

Dự kiến, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã nhận được nhiều tin nhắn, thư, điện thoại của các trí thức, chuyên gia về vấn đề cho thuê đất 99 năm và khẳng định sẵn sàng lắng nghe với ý thức trách nhiệm đối với ý kiến góp ý của trí thức, chuyên gia, nhân dân và đặc biệt là đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Việc thành lập các đặc khu kinh tế đã thành công ở nhiều nước trên thế giới. Việc Việt Nam thực hiện là chậm hơn so với nhiều nước. Hiện dự án Luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này. Chắn chắn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý, Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua. Thẩm quyền cuối cùng thuộc về Quốc hội. Quốc hội quyết định như thế nào, Chính phủ cũng rất trân trọng - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng nêu rõ thời hạn cho thuê đất 99 năm được quy định trong những trường hợp cá biệt và sẽ được Thủ tướng xem xét sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách thu hút để có môi trường đầu tư, kinh doanh tốt. Việc thành lập các đặc khu kinh tế phải thực hiện đúng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế.

A.T


H. Phong
Ý kiến của bạn