Hà Nội

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Vấn đề chất lượng nhân lực y tế được quan tâm

04-11-2016 08:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong hai ngày 2-3/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020...

Trong hai ngày 2-3/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016, Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017. Trong phiên thảo luận, vấn đề chất lượng nhân lực y tế đã được các đại biểu (ĐB) quan tâm đề cập.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn: “Hai chỉ tiêu về y tế và dân số được Quốc hội giao đều đạt kế hoạch”

Chế độ chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý

Phát biểu tại hội trường, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP. Hà Nội) cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức và đã thu được nhiều kết quả tích cực mọi mặt của đời sống KT-XH, trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể như 2 chỉ tiêu về y tế và dân số được Quốc hội giao đều đạt kế hoạch. Số giường bệnh trên 1 vạn dân ước đạt 25, chỉ tiêu là 24,5. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 79,5%, vượt 3,5% so với chỉ tiêu Quốc hội. Cùng đó, đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm tải bệnh viện tuyến trên, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh tới 63 tỉnh, thành với 2 bệnh viện hạt nhân, 98 bệnh viện vệ tinh. Thực hiện hiệu quả chuyển giao kỹ thuật đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế làm hài lòng người bệnh. Ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế thống nhất trên toàn quốc. Góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số về sức khỏe của người dân giữa các vùng miền; đào tạo nhân lực y tế còn nặng về lý thuyết. Khả năng thực hành hạn chế, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng các vùng các tuyến; chế độ chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý. Mức lương khởi điểm chưa tương xứng với thời gian đào tạo;... Trước những tồn tại trên, ĐB Nguyễn Quang Tuấn đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất quy định điều chỉnh mức lương khởi điểm, phụ cấp thâm niên đối với người lao động thuộc ngành y tế. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách dành cho công tác y tế dự phòng đúng theo Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội...

Cần tiêu chuẩn hóa việc đào tạo các bác sĩ, dược sĩ

Đề cập đến vấn đề chất lượng nhân lực y tế, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho biết, có thể thấy chúng ta đang có sự chênh lệch lớn về số lượng, chất lượng cán bộ y tế  giữa các vùng, miền. Cán bộ y tế ở tuyến xã vừa ít về số lượng, vừa hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chúng ta cần bác sĩ giỏi nhiều hơn là bác sĩ trình độ kém ra trường cố gắng chạy chọt, xin xỏ ở lại bệnh viện thành phố lớn. Để khắc phục tình trạng này, ĐB Hiếu cho rằng cần tiêu chuẩn hóa việc đào tạo các bác sĩ, dược sĩ, các đơn vị đào tạo phải có trình độ gần tương đương nhau, đầu vào ngành y, dược không được quá chênh lệch, không thể có trường đại học nhận 18 điểm, trường đại học nhận 28 điểm, sau này cùng tốt nghiệp bác sĩ. Cần hạn chế các cơ sở đào tạo không đủ năng lực vì chúng ta biết một cơ sở chỉ vài chục giảng viên cơ hữu, không có bệnh viện thực hành không thể đào tạo một bác sĩ có trình độ tương đương với một trường đại học có hàng trăm năm, giảng viên kinh nghiệm và nhiều bệnh viện thực hành uy tín lâu năm.

Ngoài ra, trong điều kiện có quá nhiều trường đào tạo, cần tổ chức kỳ thi sát hạch quốc gia với đề thi ngang bằng nhau đối với tất cả các trường đại học trước khi cấp bằng bác sĩ, dược sĩ cho mọi sinh viên ra trường. Các hội chuyên ngành trong Tổng hội Y học phải được giao quyền hạn kiểm soát năng lực hành nghề y tế cho từng chuyên môn trước khi Bộ Y tế cấp giấy phép hành nghề. Chỉ có như vậy mới tránh được tình trạng bác sĩ thiếu năng lực chuyên môn dẫn đến các sai sót đáng tiếc trước tính mạng bệnh nhân. Thực sự ràng buộc về mặt pháp lý này khiến bác sĩ phải tự giác nâng cao trình độ chuyên môn theo từng chuyên ngành và tuân thủ theo các hướng dẫn của hội chuyên ngành. Như vậy, khi gặp các sự cố y khoa mà khó có thể tránh khỏi thì hội chuyên ngành mới là người quyết định xem đây là đúng hay sai, giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan quản lý nhà nước.


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn