Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Bàn biện pháp giảm áp lực nợ công

02-11-2016 08:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo chương trình làm việc, ngày 2 và 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020...

Theo chương trình làm việc, ngày 2 và 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016, Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017... Trước đó, ngày 1/11, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường thảo luận làm rõ các nội dung liên quan đến vấn đề về tài chính, ngân sách, đầu tư công...

Thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015) và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo đánh giá của Chính phủ, cho rằng Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn, đầy đủ về huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, đầu tư công giai đoạn 2011-2015. Báo cáo chỉ rõ nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, việc chấp hành các quy định về đầu tư công một số nơi chưa nghiêm, quyết định đầu tư nhưng không tính toán khả năng vốn, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, chưa khắc phục được tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt hình thức, phải bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian làm thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu.

Giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 là 18,4%/năm, cao gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Trong điều hành hàng năm, chúng ta phải thực hiện đảo nợ.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng, tỷ lệ nợ công đã ở mức gần vượt ngưỡng an toàn (65% GDP). Trong trường hợp nếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay không đạt sẽ gây áp lực lên khả năng trả nợ, nguy cơ mất an toàn cho tài chính công có thể xảy ra... Một trong những nguyên nhân là cơ cấu nợ công chưa hợp lý. Theo đó, các nguồn vay với lãi suất cao, có thời gian ngắn hạn lại đầu tư cho các dự án dài hạn. Nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài thu hồi vốn, làm nặng gánh trả nợ...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nêu thực tế: Đầu tư công trong giai đoạn vừa qua hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện; phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực; bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, lãng phí nguồn lực. Ông Phương điểm danh nhiều “siêu dự án” có tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng hoạt động thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản và cần phải chỉ rõ được trách nhiệm. Trong đó, có Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn gấp đôi, từ gần 4.000 tỷ đồng lên 8.100 tỷ đồng, Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp...

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), nhiều công trình cấp bách, trọng điểm chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đại biểu Kim Bé cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng 5 năm tới chỉ đầu tư một số công trình cống đập ngăn mặn, trong khi khu vực này có kênh rạch chằng chịt. Nếu không đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng thủy lợi sẽ không mang lại hiệu quả, khó giữ được sự trù phú của vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, khó hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia...


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn