Kỳ họp Quốc hội và kỳ vọng của dân

29-10-2018 10:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - - Quốc hội đã họp. Thưa ông Trần Đăng Khoa, ngay từ hôm khai mạc, ông cũng đã phát biểu khá ấn tượng trên kênh truyền hình Quốc hội. Là một cử tri, ông có kỳ vọng gì ở kỳ họp Quốc hội này?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

- Rất nhiều kỳ vọng. Không phải chỉ có một mình tôi, mà gần 80 triệu cử tri đều rất kỳ vọng ở cuộc họp Quốc hội lần này. Bởi đây là kỳ họp sẽ đưa ra nhiều quyết sách mới, trong đó có Dự luật Phòng chống tham nhũng. Chúng ta chống tham nhũng từ rất lâu rồi. Nhưng có Luật Chống tham nhũng chúng ta sẽ tiến hành đồng bộ hơn, bài bản hơn, quyết liệt hơn. Thêm nữa, cũng trong kỳ họp này, Quốc hội còn bầu Chủ tịch nước mới, thay cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa qua đời...

Ngày 22/10/2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Toàn dân đều rất kỳ vọng ở cuộc họp Quốc hội lần này, bởi đây là kỳ họp sẽ đưa ra nhiều quyết sách mới… Ảnh: TTXVN

Ngày 22/10/2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Toàn dân đều rất kỳ vọng ở cuộc họp Quốc hội lần này, bởi đây là kỳ họp sẽ đưa ra nhiều quyết sách mới… Ảnh: TTXVN

- Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Quốc hội bầu chức danh Chủ tịch nước với số phiếu tập trung rất cao…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

- Đấy là điều rất đáng mừng. Và điều này cũng rất hợp lòng dân. Không phải ngẫu nhiên mà 100/100 các ủy viên Trung ương đều nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư cho Quốc hội bầu chức danh Chủ tịch nước. Và Quốc hội cũng đã bầu với số phiếu tập trung gần như tuyệt đối. Có được số phiếu cao như thế trong thời dân chủ này quả không mấy dễ dàng. Nhà  thơ Vũ Quần Phương có lần kể với tôi câu chuyện khá ấn tượng. Ông Phương có hai con đều là hai nhà toán học nổi tiếng thế giới. Cả hai vị Giáo sư Toán học này đều sống và làm việc ở nước ngoài. Các cháu của ông Phương đều được sinh ra ở đấy, sống và học tập ở đấy. Chúng nói tiếng Tây sõi hơn tiếng Việt. Thế rồi nhân ngày Tết, các cháu về Việt Nam thăm ông bà, thăm quê cha đất tổ. Để các cháu không bị mất gốc và giúp chúng hiểu phong tục tập quán của người Việt, vợ chồng nhà thơ đưa các cháu đi lễ chùa ngày đầu năm. Và rồi nhà thơ rất đỗi kinh ngạc khi vào chùa lễ, ông không thấy người dân đi lễ chùa cầu nguyện gì cho bản thân mình, mà chỉ xin Giời Phật phù hộ độ trì cho “bác Tổng Trọng”, để bác an toàn tấm thân và có thật nhiều sức khỏe, “đưa hết bọn tham nhũng vào lò”. Chính bọn chúng đã đục ruỗng đất nước. Không có kẻ thù nào tàn phá đất nước tàn bạo và kinh khủng như lũ giặc nội xâm này. Và như thế, đủ biết được rằng, công cuộc quyết liệt chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất được người dân quan tâm và ủng hộ. Được tín nhiệm cao, rất cao. Cao đến mức gần như tuyệt đối như thế ở cái thời mà niềm tin đang bị giảm sút trầm trọng như hiện nay là điều không dễ. Nếu không nói là rất hiếm hoi. Và cũng đã lâu rồi, rất lâu rồi, bây giờ mới lại thấy lòng dân hợp với ý Đảng...

- Việc nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư với Chủ tịch nước như ở Trung Quốc là trường hợp ông Tập Cận Bình...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

- Trông bề ngoài là thế, nhưng thực chất cũng không hẳn thế. Chúng ta chẳng rập khuôn theo ai hết. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói trong cuộc tiếp xúc với cử tri ở khu vực Hà Nội. Đây không phải nhất thể hóa. Cũng không phải kiêm nhiệm. Nếu kiêm nhiệm thì cái gì là chính? Cái gì là phụ? Trong khi cả hai chức danh đều rất lớn và rất quan trọng. Đây là chúng ta trở lại với thời của Bác Hồ. Đó cũng là thời đẹp nhất của lịch sử đất nước. Ở thời của Bác cũng đã có sự kết hợp như vậy rồi. Bác là Chủ tịch nước, đồng thời cũng là Chủ tịch Đảng. Đồng chí Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Có Bí thư thứ nhất thì tất sẽ có các bí thư thứ hai. Đó là Bí thư Tỉnh ủy ở các địa phương và các tỉnh thành trên cả nước. Bây giờ không có Bí thư thứ nhất thì có Tổng Bí thư. Dưới Tổng Bí thư là Bí thư Tỉnh ủy ở các tỉnh thành. Cũng thế cả thôi. Rất đẹp.

- Quả thật, trong lòng dân, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đang rất có uy tín. Đặc biệt là sự liêm khiết. Trong khi rất nhiều cán bộ đưa con cháu vào hàng ngũ lãnh đạo. Có người cả nhà làm quan, cả họ làm quan. Rất phản cảm trong con mắt của dân. Có ông đưa con cháu vào Trung ương, đảm trách những chức vụ rất lớn, trong khi tài năng, kiến thức và khả năng bao quát công việc, khả năng điều hành của họ chỉ ở mức nhàng nhàng, không có gì nổi bật. Ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuyệt không có chuyện đó. Về sự liêm khiết này, ông Trọng là một tấm gương và các con cháu ông cũng là những tấm gương. Cho đến nay họ chỉ là những công chức bình thường. Có người vẫn đi làm hàng ngày bằng xe máy bình thường. Thậm chí xe cà tàng, như bất kỳ những người dân nghèo nào ở đất nước này...

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

- Đấy là những vẻ đẹp đã có ở thời Cụ Hồ. Thời ấy con em cán bộ cao cấp cũng như con em bất kỳ người dân bình thường nào. Họ cũng ra trận. Cũng hy sinh ở mặt trận, có người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, như con Thủ tướng Võ Văn Kiệt, con Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Tấn Phát. Đến cả con Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng chỉ là những công chức bình thường. Dù có người rất tài. Bây giờ, dường như không ai còn nghĩ đến việc cán bộ cần phải là tấm gương sáng trước dân. Cứ có cơ hội, là bất chấp dư luận, bất chấp tất cả, họ cài cắm con cháu, họ hàng vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Rất phản cảm. Ngay cả một cán bộ hạng trung thôi cũng đưa hết con cái, họ hàng vào đội ngũ lãnh đạo ở địa bàn của mình...

- Tôi nghĩ, chúng ta cũng không nên quá câu nệ. Cứ bắt con em cán bộ thì phải gương mẫu, hay cứ phải hy sinh để làm một người... bình thường thì mới là... liêm khiết. Ở các nước văn minh, ông bố làm Tổng thống, rồi đến ông con cũng lại làm Tổng thống. Nhưng không có ai dị nghị, vì đấy là do dân bầu. Như trường hợp Tổng thống J. Bush. Ở ta, nếu có con cán bộ lớn mà được đề bạt thì cũng rất tốt chứ sao, nếu như họ có tài... Nhưng điều đáng bàn là họ lại chẳng có tài cán gì. Thế mới nên chuyện. Người dân phản ứng cũng vì thế. Và người dân quý Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng vì thế. Bây giờ, người dân chỉ mong “bác Tổng Trọng” quét sạch bọn tham nhũng ở khóa này và cả khóa sau nữa, phải hai khóa, 10 năm, nghĩa là bằng cuộc chiến ở Điện Biên mới quét sạch hết bọn tham nhũng, rồi bác chọn một ê kíp cũng tuyệt đối trong sạch và kiên quyết không đội trời chung với lũ giặc nội xâm, thay bác để bác nghỉ ngơi, an vui tuổi già. Chỉ làm được thế là dân sẽ thờ sống bác đấy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

- Đúng vậy. Tệ nạn tham nhũng ở ta là rất đáng lo ngại. Tệ nạn này diễn ra ở khắp nơi, không trừ địa phương nào, đặc biệt trong các công trình xây dựng, trong đó có rất nhiều những con đường cao tốc. Có con đường được đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng, thế mà chưa bàn giao đã lún. Đường cao tốc mà chưa sử dụng đã xuất hiện những ổ trâu ổ gà. Truy căn nguyên thì họ bảo đó là... do mưa. Xe đã chạy đâu mà vu cho xe quá tải. Thôi thì cứ đổ cho ông giời. Tại ông giời đổ... mưa. Chả lẽ làm đường cao tốc xong rồi lại phải làm thêm cả mái che mưa cho đường cao tốc nữa ư? Đường cao tốc mà chỉ mưa thôi cũng đã hỏng thì lạ thật. Thế là mọi tội vạ ông giời chịu hết. Mà ông giời thì chẳng ai biết ở đâu. Cũng chẳng ai thấy ông ấy mồm ngang mũi dọc thế nào? Gần đây nhất là tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đường khởi công với chiều dài 131km. Tổng vốn đầu tư là 34.500 tỷ đồng. Thế mà vừa khánh thành đã hỏng nặng. Người ta đưa ra lý do “cao tốc xảy ra hư hỏng, có ổ trâu, ổ gà là do thời gian qua gặp mưa nhiều, đồng thời sau khi tuyến đường đi vào hoạt động thì lưu lượng xe tải trọng lớn đi trên tuyến rất cao”. Ô hay! Đường cao tốc hạng A là đường lớn bảo đảm lưu thông tất cả các loại xe, trong đó có cả xe với tải trọng lớn, chứ đâu phải đồ hàng mã. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, khi thiết kế dự án xây dựng cao tốc thì phải tính toán, tổng hợp đầy đủ các yếu tố tác động như thời tiết, lưu lượng xe, tải trọng lên mặt đường, kể cả động đất nữa chứ. “Mới thông xe mà đường đã hỏng thì còn ra làm sao”. Lý do đơn giản thôi. Ai cũng thấy rồi. Đấy là nạn tham nhũng, nạn rút ruột công trình. Mọi tội lỗi đều từ đấy mà ra cả. Người dân rất kỳ vọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu tâm đến những tuyến đường cao tốc, cho thanh tra toàn bộ những tuyến đường cao tốc gây tai tiếng trong công luận. Rồi cả tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh nữa. Đấy cũng là một tệ nạn đã thành nỗi nhức nhối trong lòng dân suốt cả chục năm nay rồi. Rồi vụ đất đai ở Thủ Thiêm. Người dân đã khổ bao nhiêu năm. Gào khóc và căm phẫn. Thịnh nộ đến nỗi, tụt cả dép ra mà ném vào mặt những cán bộ vô cảm trước nỗi đau của dân. Mà truy ra, người ném dép đâu phải kẻ càn quấy, chống phá. Họ là con gia đình cách mạng, từng nuôi cách mạng, bảo vệ cách mạng trong những năm đen tối. Khổ quá, uất quá mới phải làm thế mà không còn biết trông vào ai. Bây giờ mới có ông Bao Công là “bác Tổng Trọng”. Cầu mong bác ra tay sớm. Cần đưa lũ sâu mọt ra ánh sáng. Mà lũ sâu mọt này, người dân cũng đã chỉ mặt, vạch tên trong cuộc tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân rồi. Người dân thực sự đang kỳ vọng...


SONG YẾN (ghi)
Ý kiến của bạn