Kỳ họp lần thứ 74 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương với nhiều nội dung quan trọng về y tế

19-10-2023 15:22 | Y tế

SKĐS - Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện Kế hoạch Đối ngoại năm 2023 của Bộ Y tế, đoàn đại biểu của Bộ Y tế do Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm Trưởng đoàn đã tham dự Kỳ họp lần thứ 74 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tại Manila, Philippines từ ngày 16/10.

Cùng tham dự kỳ họp có đại diện của Bộ Ngoại giao. Kỳ họp đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Phục hồi sau đại dịch, sẵn sàng ứng phó với đại dịch trong tương lai, tài chính y tế, truyền thông, nhân lực cũng như nhiều nội dung quan trọng trong khu vực.

Kỳ họp lần thứ 74 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương với nhiều nội dung quan trọng về y tế - Ảnh 1.

Kỳ họp lần thứ 74 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.

Nhiều ưu tiên hàng đầu của y tế trong khu vực

Tại phiên toàn thể, Tổng Giám đốc WHO, TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu khai mạc kỳ họp. Tổng Giám đốc WHO nhận định đây là một năm khó khăn đối với Khu vực Tây Thái Bình Dương. Ông cảm ơn Quyền Giám đốc khu vực đã đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các nhân viên trong khu vực vì sự cống hiến, tính chuyên nghiệp và cam kết của họ.

Tổng Giám đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân bổ thêm 100 triệu USD từ ngân sách hiện tại cho các văn phòng quốc gia cho giai đoạn 2024– 2025. Việc tài trợ cho các khu vực và quốc gia có thể được tăng thêm với nguồn tài trợ linh hoạt hơn.

Ông lưu ý rằng hơn 1,7 triệu liều vaccine đã được sử dụng thông qua sáng kiến Tiếp cận Toàn cầu vaccine COVID-19 vào thời điểm đại dịch lan rộng tại các đảo Thái Bình Dương, trong đó nhiều quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 90% dân số. Các nhân viên y tế đã được đào tạo và trang bị các phương pháp điều trị, đồng thời các kế hoạch ứng phó đã được đưa ra, dựa trên hướng dẫn của WHO và bài học rút ra từ việc ứng phó với đại dịch toàn cầu. Việc chuẩn bị cho đại dịch sẽ mang lại lợi ích lâu dài, hỗ trợ nhu cầu sức khỏe trong tương lai của Khu vực.

Kỳ họp lần thứ 74 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương với nhiều nội dung quan trọng về y tế - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Phiên khai mạc.

Sau bài phát biểu của Tổng Giám đốc, TS. Zsuzsanna Jakab, Quyền Giám đốc WHO khu vực nhấn mạnh những thành tựu của khu vực trong những năm qua, bao gồm tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm, tuổi thọ tăng và ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm như bệnh đầu mùa khỉ, sốt xuất huyết, dịch tả ở người, kiểm soát các sự cố về an toàn thực phẩm và thiên tai; loại trừ bệnh mắt hột ở Vanuatu và bệnh giun chỉ bạch huyết ở CHDCND Lào trong năm qua, 03 nước Việt Nam Campuchia và Lào đã tiến gần đến việc loại trừ bệnh sốt rét, tỷ lệ bao phủ 79% điều trị bằng thuốc kháng virus cho người nhiễm HIV trong khu vực - tỷ lệ bao phủ cao nhất trong cả sáu khu vực của WHO, 29 quốc gia trong Khu vực đã đạt được mục tiêu toàn cầu về tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 cho 70% dân số.

Kỳ họp lần thứ 74 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương với nhiều nội dung quan trọng về y tế - Ảnh 3.

Kiểm soát và phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, vệ sinh môi trường, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, sức khỏe bà mẹ trẻ em, sáng tạo đổi mới trong y tế… tiếp tục là những nội dung ưu tiên hàng đầu trong khu vực.

Việt Nam tiếp tục tiến hành cải cách ngành y tế để giải quyết các nhu cầu y tế trong tương lai

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc, đánh giá cao các kết quả của WHO trong báo cáo của TS. Zsuzsanna Jakab về công việc của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương trong việc giúp khu vực và thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn.

Đây là năm đầu tiên kỷ niệm 75 năm thành lập WHO vào năm 1948, một cột mốc quan trọng trong lịch sử y tế công cộng toàn cầu. Trong hơn 7 thập kỷ qua, những thành tựu về y tế công cộng đã cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân trên khắp thế giới. Điều này bao gồm chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Kể từ năm 1948, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về sức khỏe, bao gồm tuổi thọ trung bình tăng đáng kể trên 75 tuổi và giảm nghèo đáng kể.

Kỳ họp lần thứ 74 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương với nhiều nội dung quan trọng về y tế - Ảnh 3.

Đoàn đại biểu của Bộ Y tế do Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm Trưởng đoàn tham dự Kỳ họp lần thứ 74 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục tiến hành cải cách ngành y tế để giải quyết các nhu cầu y tế trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng và những bài học từ đại dịch COVID-19. Việt Nam đã quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội với các biện pháp y tế công cộng để bảo vệ người dân dễ bị tổn thương và hệ thống y tế. Suy nghĩ và cách tiếp cận dài hạn này phù hợp với quá trình chuyển đổi của WHO từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý lâu dài đối với COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Việt Nam hy vọng các quốc gia thành viên cùng nỗ lực và phối hợp để thực hiện các ưu tiên toàn diện nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực. Đại dịch COVID-19 đã đưa ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để củng cố hệ thống y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, năng lực quản lý cũng như nghiên cứu và phát triển vaccine. Việt Nam rất tự hào vì đã được WHO lựa chọn để giao công nghệ phát triển vaccine mRNA. Việt Nam hy vọng sẽ đóng góp vào việc đảm bảo an ninh vaccine của khu vực trong tương lai.

Sau ba năm phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế Việt Nam đã đạt được các kết quả quan trọng, cũng như sự quan tâm và cam kết ngày càng mạnh mẽ của Chính phủ đối với chăm sóc sức khỏe người dân. Việt Nam đã tiếp tục đánh giá và xem xét kế hoạch chuẩn bị, ứng phó các trường hợp khẩn cấp về y tế khác.

Song song đó, các mục tiêu y tế công cộng về bệnh truyền nhiễm bao gồm chấm dứt bệnh lao, HIV/AIDS và loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030 luôn tiếp tục được nỗ lực triển khai. Ngành y tế Việt Nam đã và đang bám sát hướng dẫn tầm nhìn Vì Tương lai để củng cố hệ thống về an ninh y tế và kháng kháng sinh (AMR); vượt qua chặng đường cuối để cải thiện sức khỏe của các nhóm dân cư khó tiếp cận và dễ bị tổn thương về sức khỏe, giảm gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Kỳ họp lần thứ 74 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương với nhiều nội dung quan trọng về y tế - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tiếp đa phương các Quốc đảo Thái Bình Dương.

Để làm được điều này, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển xã hội và xây dựng hệ thống y tế hiệu quả hơn cho cộng đồng từ trung ương đến địa phương, với sự hỗ trợ chặt chẽ của WHO. Bộ trưởng một lần nữa cảm ơn WHO và đặc biệt là văn phòng WHO tại Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho Việt Nam trong và sau đại dịch COVID-19, bao gồm các hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ vaccine. Những đóng góp và hỗ trợ này mang ý nghĩa rất to lớn, kịp thời trong thời điểm Việt Nam đang gặp khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch.

Việt Nam cũng đánh giá cao quá trình tham vấn toàn diện của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương trong việc xây dựng Khung Hành động Khu vực về An ninh Y tế, Truyền thông Y tế, Nguồn nhân lực y tế và Sáng tạo đổi mới y tế. Bốn ưu tiên của khu vực trong thời gian tới rất toàn diện và phù hợp, phản ánh đúng nhu cầu của các quốc gia thành viên trong khu vực và cũng phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam.

Tại Phiên toàn thể, các quốc gia thành viên đã bầu ra Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO nhiệm kỳ 2024-2029.

Mong muốn WHO hỗ trợ thành lập Trung tâm cộng tác khu vực của WHO đặt tại Việt Nam

Tại kỳ họp, đoàn Việt Nam đã thảo luận tích cực và có tham luận về các nội dung chuyên môn của kỳ họp được các quốc gia thành viên đánh giá cao bao gồm: Ngân sách tài khóa của WHO giai đoạn 2023-2024 và Kế hoạch ngân sách 2024-2025; Kỳ họp đã thông qua các Nghị quyết về Khung Kế hoạch hành động An ninh Y tế khu vực, Truyền thông Y tế, Nguồn nhân lực y tế và Sáng tạo đổi mới y tế, Bao phủ y tế toàn dân.

Đoàn Việt Nam đã tích cực tham luận tại hai sự kiện bên lề của Kỳ họp gồm: Tài chính y tế cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Khu vực và phiên trao đổi kỹ thuật về Hệ thống Y tế thích ứng với Biến đổi khí hậu và phát thải Cac-bon thấp.

Kỳ họp lần thứ 74 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương với nhiều nội dung quan trọng về y tế - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam làm việc với Quyền Giám đốc Khu vực WPRO.

Nhân dịp tham dự Kỳ họp lần thứ 74 WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Bộ trưởng Đào Hồng Lan và đoàn công tác đã tiếp xúc, trao đổi và các buổi làm việc song phương và các quốc gia trong khu vực.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan và Đại sứ Việt Nam tại Philippines, ông Hoàng Huy Chung đã có buổi làm việc với Bộ trưởng các nước Khu vực Thái Bình Dương. Các Bộ trưởng Y tế đã trao đổi cởi mở về các tiềm năng hợp tác y tế giữa Việt Nam và các quốc đảo trong khu vực.

Tại cuộc họp bên lề với Bà Zsuzsanna Jakab, Quyền Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương có sự tham dự của TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam và cán bộ kỹ thuật của WHO. Bộ trưởng chia sẻ: Việt Nam đang trải qua quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng và những thay đổi về nhân khẩu học với dân số già đi nhanh chóng. Gánh nặng bệnh tật cũng ngày càng gia tăng, trong đó các bệnh không lây nhiễm hiện là nguyên nhân gây ra gần 80% tổng số ca tử vong. Điều này dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng dịch vụ y tế.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ứng phó với những thay đổi về nhân khẩu học và những thay đổi khác. Vì vậy, Việt Nam đang nỗ lực cải cách nhằm tăng cường thể chế của hệ thống y tế và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong danh sách ưu tiên hỗ trợ của WHO trong những năm tới.

Bộ trưởng đề nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực bao gồm: Tăng cường hệ thống y tế cơ sở, tài chính y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; tăng cường chất lượng nguồn nhân lực y tế; Phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm; Tăng cường sức khỏe thông qua cải thiện lối sống; Tăng cường công tác chuẩn bị giám sát và ứng phó với các vấn đề y tế cộng cộng.

Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ thành lập Trung tâm cộng tác khu vực của WHO đặt tại Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng các chính sách pháp luật y tế trong thời gian tới, bao gồm Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Dược. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn WHO sẽ hỗ trợ các chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam. Nhân dịp này, Bộ trưởng mời Quyền Giám đốc sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Kỳ họp lần thứ 74 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương với nhiều nội dung quan trọng về y tế - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và Bộ trưởng Y tế Brunei trao đổi bên lề kỳ họp.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Y tế Singapore, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao hợp tác y tế giữa hai nước đã phát triển rất tốt đẹp trong nhiều năm. Bộ trưởng mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực cụ thể, bao gồm phát triển hợp tác trong khám chữa bệnh dịch vụ công nghệ cao, tăng cường hợp tác trong công tác phòng chống dịch và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác. Hai bên cùng thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ để cùng nhau đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa trong ASEAN và Khu vực Tây Thái Bình Dương khỏe mạnh và thịnh vượng.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Y tế Brunei, hai bên cùng nhau thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác y tế hai nước cũng như các chương trình nghị sự chung của khu vực.

Đoàn đại biểu Bộ Y tế đã tích cực tham gia đóng góp vào các nội dung chuyên môn trong chương trình nghị sự của kỳ họp. Trong khuôn khổ diễn đàn WHO, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và vai trò là một thành viên tích cực của diễn đàn quan trọng về y tế toàn cầu, góp phần đưa tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển vào quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách y tế toàn cầu trong tương lai được các quốc gia thành viên trong khu vực đánh giá cao.

Tổng Giám đốc WHO chúc mừng những thành tựu của ngành Y tế Việt NamTổng Giám đốc WHO chúc mừng những thành tựu của ngành Y tế Việt Nam

Tổng Giám đốc Ghebreyesus khẳng định WHO tự hào khi chứng kiến những thay đổi trong lĩnh vực y tế của Việt Nam như tuổi thọ tăng, giảm đáng kể các loại bệnh có thể phòng ngừa, mở rộng hệ thống BHYT.

Đoàn công tác Bộ Y tế đưa tin từ Manila, Philippines
Ý kiến của bạn