Hà Nội

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất – Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 4/1/2022

30-12-2021 16:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Dự kiến, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất – Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 4/1/2022, bế mạc ngày 11/1/2022 nhằm góp phần đưa ra những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững: Cần ưu tiên nguồn lực, củng cố hệ thống y tế toàn quốcPhục hồi và phát triển kinh tế bền vững: Cần ưu tiên nguồn lực, củng cố hệ thống y tế toàn quốc

SKĐS - Tại tham luận "Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam" được trình bày bởi PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó có việc cần ưu tiên nguồn lực, củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc.

Chiều 30/12/2021, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức buổi Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất – Quốc hội khóa XV. Tại buổi họp báo, ông Vũ Minh Tuấn (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) đã thông tin đến báo chí dự kiến chương trình và nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ nhất - Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất – Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 4/1/2022, bế mạc ngày 11/1/2022. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội).

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất – Quốc hội khóa XV sẽ có những quyết sách kịp thời để phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Họp báo dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất - Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất - Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ hai - Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước, để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất – Quốc hội khóa XV sẽ có những quyết sách kịp thời để phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 1 Dự án Luật, đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

Thông qua 3 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ về tầm quan trọng của Kỳ họp bất thường này, ông Bùi Văn Cường (Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho biết, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nội dung hết sức quan trọng nhằm phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian qua tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất – Quốc hội khóa XV sẽ có những quyết sách kịp thời để phục hồi, phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

"Việc thông qua Nghị quyết sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2022, năm 2023 và tạo dư âm đến hết nhiệm kỳ. Nếu để nội dung này lại đến kỳ họp Quốc hội thường kỳ (tháng 5/2022) thì sẽ chậm mất 5 tháng mới quyết định được, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước", ông Bùi Văn Cường nói.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: "Các nội dung đều cần thiết và cấp bách để đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nếu để muộn đi một ngày đã khác chứ đừng nói tới 5 tháng. Kỳ họp bất thường rất quan trọng để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra. Mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước, kịp thời cụ thể hoá chủ trương đường lối của Đảng, thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được hiến định".

Thông tin thêm về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến cho biết, có 5 giải pháp chủ yếu được đưa ra để tổ chức thực hiện. Trong đó gồm: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn