Lần đầu tiên tạo ra trái tim người in 3D có đủ mạch máu, collagen (Nguồn video: YouTube/Futurism.com)
Truyền thông Israel cho hay đây là lần đầu tiên trên thế giới tạo ra trái tim in bằng công nghệ 3D. Các nhà khoa học tại Trường Đại học Tel Aviv đã in 3D một trái tim nhỏ sử dụng mô cơ người gồm các mạch máu, collagen, và các phân tử sinh học. Đây là một bước đột phá, theo tờ Haazetz. Họ hy vọng một ngày nào đó có thể dùng trái tim như vậy để ghép tim.
Thành tựu kỳ diệu này có thể làm thay đổi thế giới y học, mở ra chân trời mới giảm phụ thuộc vào nguồn cung hiến tạng, theo một nghiên cứu mới công bố ngày 15.4.
Trái tim in 3D trên thế giới đầu tiên này được làm từ mô cơ của cơ thể người. Nó chỉ có kích cỡ nhỏ như trái tim của thỏ, theo thông tin trên tạp chí khoa học Advanced Science. Nhưng thành tựu này chứng tỏ tiềm năng có thể in 3D kích cỡ đầy đủ các bộ phận cơ thể người một ngày nào đó, tờ The Jerusalem Post cho hay.
“Đây là lần đầu tiên từng có một trái tim đầy đủ tế bào, mạch máu, van tim và các tâm thất của tim được tạo nên”, nhà nghiên cứu đứng đầu – GS. Tal Dvir của Trường Đại học Tel Aviv tuyên bố. “Người ta đã từng thử in cấu trúc của một trái tim bằng công nghệ 3D trước đây. Nhưng cấu trúc trái tim này không hề có tế bào hay mạch máu. Kết quả của chúng tôi chứng tỏ tiềm năng tạo ra mô cơ được cá thể hóa theo công nghệ gene và các bộ phận thay thế trong tương lai”.
Đội ngũ đã lấy mô chất béo từ các bệnh nhân và tái lập trình một vài mô này thành các tế bào gốc. Những tế bào này sau đó được chuyên biệt hóa để tạo thành các tế bào tim và tế bào màng trong, để tạo nên hệ thống các mạch máu của tim.
GS. Tal Dvir cầm trái tim làm từ mô cơ người trong phòng thí nghiệm ở Trường Đại học Tel Aviv
Đội ngũ của GS. Tal Dvir cho biết những trái tim có kích thước lớn hơn cũng có thể được tạo ra theo quy trình tương tự như vậy. Sử dụng vật liệu sinh học từ người là bắt buộc để tạo ra các mô và các bộ phận cơ thể người một cách thành công.
Cảm hứng để tạo nên phát minh này của nhóm nghiên cứu bắt nguồn từ việc cả Israel và Mỹ đều phải đương đầu với bệnh tim, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho cả phụ nữ và nam giới ở Mỹ và nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở Israel.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cấy ghép tim chỉ là hình thức điều trị cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Nhiều người đã qua đời trong khi chờ được ghép tim, quá trình chờ đợi này có thể kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn.
Bước tiếp theo là phải tạo nên trái tim được in ra bằng công nghệ 3D có thể hoạt động như một trái tim người thật. Để làm điều này, trước tiên các nhà khoa học sẽ ghép tim in 3D thử nghiệm trên động vật trước. Và sau này sẽ tiến hành thử nghiệm trên con người. Chính vì vậy mà lần này trái tim chỉ có kích cỡ bé như tim thỏ. Họ hy vọng trong vòng 10 năm tới, các máy in bộ phận cơ thể người sẽ sẵn có trên các bệnh viện khắp thế giới, đưa vào thực hành trong y khoa.