Mới đây, một người phụ nữ đến từ Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất chìm trong hôn mê sâu gần ba thập kỷ đã bất ngờ tỉnh lại trong sự ngạc nhiên, hạnh phúc của các bác sĩ, người thân. Sự kiện hy hữu này đã cho thấy điều kỳ diệu trong cuộc sống luôn xảy ra.
Như một phép màu
Năm 1991, một vụ tai nạn xe hơi đã khiến bà Munira Abdulla, một phụ nữ 32 tuổi đến từ Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, bị chấn thương sọ não nghiêm trọng khi đang trên đường lái xe đưa con trai Omar Webair về nhà ở thành phố Ain. Abulla rơi vào tình trạng hôn mê sâu và các bác sĩ cho rằng cô có thể không bao giờ tỉnh lại nữa. Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, gần ba thập kỷ sau chấn thương não dẫn đến hôn mê sâu, bà Abdulla bất ngờ tỉnh lại trong sự kinh ngạc tột độ của các bác sĩ, người thân tại bệnh viện ở Đức. Sau khi thức dậy, việc đầu tiên bà Abdulla làm đó là gọi tên con trai mình.
Câu chuyện của bà Abdulla được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng vào ngày 22 tháng 4 năm 2019 với nhiều tiêu đề như “Phép màu thời hiện đại: Người phụ nữ tỉnh dậy sau gần ba thập kỷ hôn mê”… Câu chuyện phi thường này đã truyền cảm hứng cho những người nhà bệnh nhân hôn mê sau chấn thương giống như bà Abdulla trên khắp thế giới.
Nhiều thắc mắc được đặt ra, hàng loạt câu hỏi được chuyển đến bà Abdulla, bà cảm thấy thế nào trong suốt gần ba thập kỷ ấy, liệu có phải bà bị mắc kẹt trong cơ thể mình suốt chừng ấy năm? Làm thế nào để bà Abdulla có thể thích nghi với thế giới hiện đại ngày nay? Và việc bà Abdulla có thể tỉnh dậy có ý nghĩa thế nào với những gia đình đang cân nhắc liệu biện pháp điều trị đối với người thân của họ cũng đang trong tình trạng hôn mê sâu. Tờ The National của Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất đã tổ chức một buổi thảo luận công khai về trường hợp của bà Abdulla để trả lời những câu hỏi này.
Bà Munira Abdulla tỉnh lại sau 27 năm hôn mê sâu sau tai nạn giao thông xảy ra năm 1991
Gần ba thập kỷ hôn mê vẫn duy trì ý thức tối thiểu
Vụ tai nạn của bà Abdulla khiến bà rơi vào hôn mê sâu nhưng con trai Omar chỉ bị thương nhẹ vì được mẹ ôm bảo vệ khi chiếc xe buýt đâm vào ô tô mà mẹ anh đang điều khiển. Sau tai nạn, bà Abdulla được đưa tới bệnh viện ở London, Anh để điều trị. Tiếp đến bà được chuyển trở lại về một bệnh viện ở Al Ain, tiếp nhận vật lý trị liệu để ngăn thoái hóa cơ bắp. Mặc dù mẹ không thể nói nhưng Omar cho biết anh vẫn có thể cảm nhận được khi nào bà đau thông qua các biểu cảm ở khuôn mặt. Nhiều năm sau đó, bà Abdulla được đưa đi điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau ở UAE. Năm 2017, chính phủ đã trợ cấp một khoản tiền để chuyển bà Abdulla sang Đức điều trị. Tháng 6 năm 2018, trong tuần cuối cùng ở lại phòng khám Schoen ở Bad Aibling, cách thành phố Munich Đức khoảng 50 km, bà Abdulla bất ngờ tỉnh lại.
Phát biểu với tờ The National, bà Abdulla cho biết thay vì sống đời sống “thực vật” hoàn toàn ( không có ý thức gì về bản thân và môi trường xung quanh), bà Abdulla đã sớm có những “ý thức tối thiểu”.
Theo các bác sĩ tại Schoen ở Bad Aibling nhận định: Đối với trường hợp của bà Abdulla, việc phục hồi chức năng có thể tạo ra sự khác biệt đối với mức độ phục hồi sau chấn thương não và các can thiệp khác giúp đảm bảo ý thức không bị ức chế bởi các cơn đau, kết hợp các yếu tố lâm sàng như sử dụng thuốc an thần. Các bác sĩ cho rằng việc bà Abdulla có thể thức tỉnh lại nguyên nhân lớn là do được chuyển đến trung tâm y khoa chuyên về trị liệu tay, chân sau phẫu thuật. Bà Babdulla đã rơi vào hôn mê sau trong gần 3 thập kỷ, nhưng vẫn duy trì trạng thái ý thức tối thiểu trong suốt thời gian này. Do đó, sau khi tỉnh lại, bà Abdulla cần sự hỗ trợ, chăm sóc hàng ngày về cả tinh thần và sức khỏe thể chất. Bà Abdulla gặp phải triệu chứng mất phương hướng, không thể nhớ những gì đã xảy ra vài phút trước và chỉ có thể trả lời những câu ngắn gọn. Hiện nay, bà Abdulla được đưa về Abu Dhabi để tiếp tục điều trị phục hồi chức năng. Bà cũng đã bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với mọi người, đọc các đoạn trong kinh Quran. Con trai bà, anh Omar cho biết: “Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mẹ mình để nói với mọi người rằng không nên mất hy vọng về những người thân yêu của mình đang trong tình trạng hôn mê sâu”.
Ngoài câu chuyện đặc biệt của bà Abulla, y văn thế giới cũng ghi nhận một số trường hợp hy hữu tỉnh dậy sau hàng chục năm hôn mê. Câu chuyện của ông Jan Grzebski ở Ba Lan cũng rất nổi tiếng và được nhiều cơ quan truyền thông đăng tải. Năm 1988, khi đang làm việc trên đường sắt, ông Jan bị tai nạn và sau đó đã rơi vào tình trạng hôn mê trong suốt 19 năm. Được sự chăm sóc, hỗ trợ của các bác sĩ và gia đình, trong suốt 19 năm ấy, ông Jan vẫn duy trì đời sống thực vật của mình. Bất ngờ sau 19 năm, ông Jan tỉnh lại và ông đã phải làm quen lại từ đầu về cuộc sống xung quanh và 11 người cháu mà lần đầu tiên ông nhìn thấy.
Hôn mê là một trạng thái cực kỳ bí ẩn và phức tạp mà các nhà khoa học chưa lý giải được tường tận. Nhiều nhà tâm lý học cho rằng đây là một trạng thái của vô thức. Rất nhiều trường hợp hôn mê nghiêm trọng và chẳng một thầy thuốc giỏi nào dám khẳng định bệnh nhân có tỉnh lại hay không.