Kỳ diệu song thai 34 tuần có dây rốn thắt 5 nút chào đời khỏe mạnh

27-09-2018 09:27 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng vừa cứu sống song thai 34 tuần tuổi bị cuốn dây rốn thắt 5 nút. Đây là một trường hợp vô cùng may mắn vì các bác sĩ cho biết thắt nút dây rau hay còn gọi là dây rốn thắt nút vô cùng nguy hiểm trong quá trình mang thai và nguy hiểm trong cả quá trình sinh, có thể gây tử vong cho thai nhi.

Sản phụ là chị Nguyễn Thị Linh (35 tuổi, ở Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng) mang thai 34 tuần, song thai.

Theo lời kể của chị Linh, sáng 17/9/2019, chị thấy thai ít cử động, bụng trồi, không tròn. Theo dõi cả buổi sáng chị thấy thai ít vận động hơn mọi ngày. Chiều cùng ngày, chị quyết định đến khám tại khoa Quản lý thai nghén và chẩn đoán trước sinh (QLTN&CĐTS) Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

Bác sĩ Trương Thị Thanh Thủy - Phó trưởng khoa QLTN&CĐTS thực hiện siêu âm trên máy siêu âm 5D phát hiện dây rau thắt nút nhiều vòng, bác sĩ Thủy đã trao đổi với chị Linh về những nguy hiểm có thể xảy ra với thai nhi khi dây rau thắt nút và yêu cầu chuyển ngay chị Linh vào khoa Đỡ đẻ để xử trí.

BsCKII Phạm Yến Vân - Trưởng khoa Phụ II người trực tiếp khám cho chị Linh cho biết, sau khi thăm khám chị thấy tình hình nguy kịch nên đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của PGS.TS Vũ Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện. PGS.TS Vũ Văn Tâm quyết định chỉ định mổ cấp cứu lấy thai.

Bác sĩ Phạm Yến Vân cùng kíp mổ đã thực hiện ca mổ thành công và cứu được 2 bé gái vô cùng xinh xắn, cân nặng 1,8kg. Hai bé chung một buồng ối, một bánh rau, dây rau thắt 5 nút.

Hạnh phúc trọn vẹn đã đến với mẹ con chị Linh và gia đình.

Dây rốn thắt nút chiếm tỷ lệ 0,3-2,2% của các ca sinh. Tỷ lệ tử vong của các thai nhi có dây rốn thắt nút tăng gấp 4 lần so với thai nhi bình thường. Bệnh lý hiếm gặp này lại đặc biệt khó có thể được phát hiện trước khi sinh thường hoặc sinh mổ. Do vậy, nếu thai nhi bị bệnh lý này, tỷ lệ tử vong trong bụng mẹ hoặc trong quá trình chuyển dạ là rất cao.

Thắt nút dây rốn được hình thành trong quá trình thai nhi cử động, di chuyển qua các vòng cung dây rốn. Có 1 số yếu tố làm tăng nguy cơ dây rốn thắt nút như: dây rốn dài, đa ối, kích thước thai nhi nhỏ, thai nhi là bé trai, mẹ bị tiểu đường thai kỳ, song thai 1 túi ối, có chọc dò ối thai kỳ, đẻ nhiều và mẹ dùng các chất kích thích…

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng khó xác định chính xác thời điểm tạo thành dây rốn thắt nút. Dây rốn thắt nút có thể tạo thành rất sớm từ 9-12 tuần tuổi thai, bởi ở giai đoạn này thể tích nước ối nhiều hơn thể tích thai nhi.

Việc chẩn đoán khả năng dây rốn thắt nút có thể qua gợi ý từ siêu âm 4D khi thấy dòng chảy dây rốn cuộn thành hình vòng tròn. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng khó phân biệt ở những quý sau bởi nhiều trường hợp dây rau dài tự chạy vòng tròn, nhìn tưởng dây rau thắt nút nhưng thực tế nó cuộn vòng tròn thôi. Đó là những trường hợp dây rốn dài có thể chẩn đoán nhầm trong quá trình siêu âm 4D.

Nếu siêu âm 4D nghi ngờ dây rau thắt nút, mẹ bầu phải một tuần đi siêu âm 4D lại một lần, đo Doppler động rốn và xác định dòng chảy để biết nút buộc đó có thắt chặt lại không bởi khi nút buộc thắt chặt lại thì dòng chảy sẽ nhỏ dần đi, dẫn đến nguy cơ suy thai. Kèm theo đó, mẹ bầu cần theo dõi tim thai để xác định nguy cơ nguy hiểm với em bé lúc nào.

Thắt nút dây rau hay còn gọi là dây rốn thắt nút vô cùng nguy hiểm trong quá trình mang thai và nguy hiểm trong cả quá trình sinh, có thể gây tử vong cho thai nhi. Việc chị Linh cảm thấy bất thường, đến khám kịp thời, cùng với kết quả chẩn đoán chính xác của bác sĩ Trương Thủy trên máy siêu âm 5D đã tránh được điều đáng tiếc có thể xảy ra, đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho chính mẹ con chị Linh và gia đình - Bs Yến Vân cho biết thêm.


Trần Lực
Ý kiến của bạn