Kỳ diệu, cứu sống bệnh nhân ngưng tim trên đường chuyển viện

11-03-2019 15:04 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo thông tin Bệnh viện Trưng Vương, ê-kíp các bác sĩ trực tại khoa Cấp cứu và các bác sĩ Đơn vị Tim mạch can thiệp của bệnh viện đã hồi sinh tim phổi kịp thời cấp cứu thành công bệnh nhân ngưng tim trên đường chuyển viện.

Bệnh nhân là Đỗ Đức H, sinh năm 1961, đang trên đường chuyển viện từ tuyến quận đến một bệnh viện tuyến Thành phố.

Trước đó, vào lúc 13 giờ 40 thứ bảy, ngày 23/02/2019, một xe cấp cứu ghé vào khoa Cấp cứu bệnh viện Trưng Vương với một bệnh nhân nam trong tình trạng mê sâu, tím tái, ngừng thở, mạch bẹn và mạch cảnh không bắt được nhờ hỗ trợ.

Người nhà bệnh nhân cho biết: Cách lúc nhập viện 4 giờ bệnh nhân bị đau ngực trái, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi.

Vị trí mạch vành (LAD) bị tắc hoàn toàn   Hình 3. Mạch vành (LAD) được tái thông.

Khoảng 1 giờ trước vào viện, bệnh nhân bị đau ngực nhiều hơn, vã mồ hôi nên đến khám tại một bệnh viện địa phương. Bệnh nhân được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp, được sơ cấp cứu và chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Tuy nhiên, trên đường chuyển viện, khi đi gần đến bệnh viện Trưng Vương, điều dưỡng chuyển bệnh phát hiện bệnh nhân tím tái, mê sâu, mạch không bắt được, nên yêu cầu lái xe ghé vào khoa Cấp cứu bệnh viện Trưng Vương nhờ hỗ trợ.

Ngay lập tức, các bác sĩ trực tại khoa Cấp cứu đã tiến hành hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân: ép tim, bóp bóng giúp thở, đặt nội khí quản, shock điện và tiêm adrenaline. Sau khoảng 10 phút với 2 lần shock điện, tim bệnh nhân đập trở lại. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, dùng thuốc vận mạch và chống loạn nhịp. Điện tâm đồ cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thành trước, ngay sau đó ekip trực Tim mạch can thiệp được mời hội chẩn khẩn cấp.

Niềm vui trên gương mặt Bệnh nhân H. trước khi xuất viện.

Theo BS.CKII Trần Thanh Tuấn-  Đơn vị Can thiệp Tim mạch BV Trưng Vương, các bác sĩ Can thiệp tim mạch đã nhanh chóng xác định chẩn đoán và đưa bệnh nhân vào phòng thông tim cấp cứu. Hình ảnh chụp mạch vành cho thấy nhánh xuống trước trái (LAD) bị tắc từ đầu đoạn giữa "Ê-kíp can thiệp tiến hành nong bóng và đặt 1 stent phủ lên sang thương" Bs Tuấn chia sẻ.

Sau thủ thuật, bệnh nhân được tiếp tục hồi sức, mạch, huyết áp ổn định, tri giác phục hồi và tỉnh táo dần. Bệnh nhân được tiếp tục điều trị, theo dõi và đã xuất viện sau 9 ngày điều trị trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo Bs Tuấn, bệnh nhân H được cứu sống là nhờ vào sự nhanh trí của điều dưỡng chuyển bệnh, sự phối hợp tích cực, kịp thời của các bác sĩ trực cấp cứu và ê-kíp can thiệp mạch vành. Đây không chỉ là sự may mắn, niềm vui, hạnh phúc riêng của bệnh nhân và gia đình mà còn là niềm vui của tập thể Thầy thuốc tham gia cấp cứu bệnh nhân thành công.

Trong một thống kê năm 1985, khoảng 60% tử vong trong giờ đầu sau nhồi máu cơ tim là do loạn nhịp thất, đặc biệt là rung thất. Tại Việt Nam, đã có rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng ngưng tim, một số được cứu sống nhưng vẫn để lại tổn thương não không hồi phục. Chính vì thế, ở các nước tiên tiến, việc vận chuyển bệnh nhân nhồi máu cơ tim thường được thực hiện bằng xe chuyên dụng có đầy đủ trang thiết bị bởi một ekip được đào tạo bài bản về hồi sinh tim phổi, sử dụng máy khử rung tim, đồng thời chuyển đến bệnh viện có khả can thiệp tim mạch gần nhất, được thông tin từ đội vận chuyển cấp cứu trước để cơ sở tiếp nhận bệnh nhân chuẩn bị các phương tiện cấp cứu và sẳn sàng cho việc thông tim can thiệp cho bệnh nhân.

Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn